Dự án khu E Nam Sài Gòn:

Người dân trở thành 'tỷ phú không tiền'

Thứ Hai, 08/06/2015 13:45  | Nguyễn Tống

|

(CATP) Những ngày đợi chờ tiền đền bù của 56 hộ dân ở đường Rạch Bến Lức và Rạch Lồng Đèn (phường 7, quận 8, TPHCM) trong dự án (DA) xây dựng Trung tâm lưu thông hàng hóa 1 (Khu E Nam Sài Gòn) quả là khoảng thời gian dài sống trong khổ sở.

Đã hai năm trôi qua kể từ ngày nhận được quyết định (QĐ) về duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đến nay họ vẫn trắng tay và mòn mỏi hy vọng, đó là chưa nói đến khoản nợ hàng trăm triệu phát sinh từ niềm tin về số tiền bồi thường giải tỏa.

Những "tỷ phú không tiền"

Khu E và D được chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (ICP) đầu tư xây dựng thành Trung tâm lưu chuyển hàng hóa 1 và 2, trong đó, khu E rộng trên 49.000ha. Sau khi khỏang 60% số hộ dân nhận đền bù giai đoạn một, có 56 hộ đồng ý nhận đền bù theo phương án của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 8.

Khu đất thuộc dự án khu E Nam Sài Gòn - Ảnh: Nguyễn Tống

Từ năm 2013 đến nay, 56 hộ lần lượt nhận QĐ bồi thường giải tỏa. Sau khi chiết tính cụ thể mức đền bù, tại điều 2 của QĐ ghi rõ: “Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận QĐ, người dân liên hệ BTGPMB để nhận tiền” và ở điều 3 ghi rõ người dân phải “có trách nhiệm tự tháo dỡ vật kiến trúc, thu dọn tài sản, bàn giao mặt bằng trống cho BTGPMB quận 8, giao chủ đầu tư để quản lý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thanh toán tiền hỗ trợ”.

Thế nhưng suốt nhiều năm qua, người dân trong DA khu E chỉ biết cầm tờ QĐ và chờ đợi. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều hộ sinh sống tại đường Rạch Bến Lức, Rạch Lồng Đèn, tất cả đều cho biết 5 ngày trong QĐ giờ đã kéo dài thành hai năm và có nhiều hộ còn chịu đựng quãng thời gian nhiều hơn thế nữa.

Chị Thái Thị Mai - trong diện giải tỏa tại khu E cho biết, gia đình chị hiện đang sống nhờ nhà mẹ tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh. Trước khi nhận QĐ giải tỏa, vợ chồng chị làm nghề bóc vỏ tỏi tại chợ Bình Điền và sở hữu thửa đất 981,7m2. Tháng 7-2013, chị nhận QĐ duyệt chi phí bồi thường hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng. Sau khi nhận hỗ trợ được một phần, đến nay số tiền trên một tỷ đồng còn lại, vẫn chưa thấy.

Chị Mai than thở: “Tôi tin 5 ngày có tiền, rồi 20 ngày bàn giao mặt bằng nhưng không ngờ số tiền nhận được phần thì trang trải cuộc sống cho bốn miệng ăn, tiền học hành cho con, phần trang trải những khoản nợ phát sinh, đến nay, chẳng những không còn tiền mà nợ nần thêm rất nhiều”.

56 hộ dân khu E đang trở thành những “triệu phú, tỷ phú không tiền”. Tương tự hộ ông Lê Đức Hiện (phường An Lạc, quận Bình Tân) được đền bù gần 27,4 tỷ đồng. Tin tưởng vào chủ trương và kế hoạch giải tỏa, ông Hiện dẹp bỏ hết cơ sở kinh doanh cát đá tại phường 7 (quận 8) chuyển về quận Bình Tân sinh sống, trả đất cho DA, đồng ý nhận đền bù.

Để tiếp tục việc kinh doanh ở nơi mới, ông vay ngân hàng rất nhiều, tuy nhiên kế hoạch đổ bể do ròng rã nhiều năm qua ông không nhận được tiền đền bù. Ông ngậm ngùi: “Mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng khoảng hai trăm triệu đồng, trong thời buổi làm ăn khó khăn như bây giờ tôi không biết cầm cự được bao lâu. Từ một người có trên 20 tỷ tiền đền bù giải tỏa, nay trở thành con nợ, tôi không biết phải tính thế nào trong tình thế này”.

Nhiều hộ dân "tỷ phú tương lai" đang hàng ngày, hàng giờ ngóng đợi chi trả tiền bồi thường để di dời, ổn định cuộc sống - Ảnh: Nguyễn Tống

Ngoài trường hợp người bị giải tỏa mấy ngàn mét vuông như ông Hiện, chị Mai rơi vào cảnh mắc nợ đã đành, người giải tỏa khoảng vài trăm mét vuông cũng trở thành con nợ với hàng trăm triệu.

Bác Nguyễn Văn Phàn (ngụ Rạch Cát, Bến Lức, phường 7, quận 8), Bí thư khu phố 6, cũng nằm trong diện giải tỏa, tâm sự: “Trước đây dù cuộc sống của người dân nơi đây không khá giả nhưng họ có ruộng có vườn và kiếm việc làm thêm nên vẫn đủ sống. Nhưng khi nằm trong diện giải tỏa, người dân gặp vô vàn khổ sở: phải tìm nơi ở mới, tiền đặt cọc nhà phải vay mượn với lãi suất cao. Việc kéo dài thời gian trả tiền cho dân khiến những người đi mua nhà vừa mất cọc lại còn ôm thêm cục nợ; trong khi nơi đang ở thì dột nát, hư hỏng chẳng dám sửa chữa vì không được phép”.

Bác Phàn, đại diện người dân phản ánh bức xúc với phóng viên - Ảnh: Nguyễn Tống

Chúng tôi đã đến gặp hộ ông Huỳnh Văn Sáu và chị Nguyễn Thị Thảo. Nhà ông Sáu bị giải tỏa 303m2 với số tiền đền bù 1,06 tỷ đồng. Sau khi nhận QĐ đền bù ngày 27-2-2014, khoảng hai mươi ngày sau ông bà đi tìm mảnh đất khác tại phường 15 (quận 8) để mua và vay nóng 100 triệu đồng đặt cọc. Nhưng ngày tháng trôi đi, số tiền đền bù trên một tỷ đồng vẫn bặt vô âm tín.

Vì không có tiền mua nhà theo hợp đồng ký kết, ông Sáu đã mất 100 triệu đồng tiền cọc, trong khi khoản vay nóng bên ngoài phải trả trên 5 triệu đồng/tháng. Tương tự chị Thảo cũng rơi vào tình trạng bi đát khi hàng tháng không có tiền trả lãi nên chủ nợ neo lại, đến khi nào nhận họ lấy luôn một lúc nên có nguy cơ mất trắng tiền đền bù.

Liên tiếp kiến nghị

Trước những bức xúc của người dân trong nhiều năm qua, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố (HĐNDTP) khóa VIII tháng 7-2012, tổ đại biểu HĐNDTP đơn vị quận 8 đã chất vấn và đề nghị các đơn vị liên quan có hướng giải quyết.

Tháng 10-2012 nhận được trả lời của Ban quản lý khu Nam Sài Gòn là “tiến độ bồi thường, các khu A, B, C, E, D chậm có nguyên nhân phải xác định trách nhiệm và nguồn kinh phí để bồi thường”. Suốt thời gian qua, UBND Q8 cũng gửi 11 văn bản kiến nghị lên UBNDTP để thúc đẩy nhanh quá trình tìm hướng giải quyết đền bù cho dân.

Trong một trả lời chất vấn gần đây của đại biểu HĐND đơn vị quận 8, ngày 8-7-2014 UBNDTP có văn bản cho biết “UBNDTP đã chỉ đạo công ty ICP tổ chức BTGPMB, Công ty Phú Mỹ Hưng chi trả kinh phí bồi thường. Công ty ICP không được sử dụng vốn của doanh nghiệp để thực hiện bồi thường. Trong trường hợp hai bên liên doanh trong Công ty Phú Mỹ Hưng không thống nhất về kinh phí chi trả bồi thường, giao công ty IPC đề xuất ngưng BTGPMB còn lại, chỉ thực hiện DA trên diện tích hiện có”.

Sau đó, trong Văn bản số 1132 của Văn phòng UBNDTP ngày 31-12-2014 thì “dự án khu E được giao Sở Tài chính phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát tổng hợp tham mưu để giải quyết các trường hợp còn tồn đọng trong công tác bồi thường, nguồn vốn chi trả cho DA đầu tư xây dựng tại khu E- Nam Sài Gòn trình Thường trực UBNDTP chỉ đạo”.

Như vậy, hướng giải quyết những khó khăn cho dân tại DA khu E (phường 7, quận 8) đã được bàn thảo nhiều lần nhưng kết quả thế nào thì vẫn là câu hỏi lớn mà người dân phường 7 (quận 8) đang từng ngày muốn biết. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang