Hợp tác công tư là điều kiện then chốt
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) hôm nay (27/9) đã gửi đến Thủ tướng Chính phủ bản tổng hợp các ý kiến đóng góp của gần 20 Hiệp hội DN trong nước và nước ngoài cùng các DN thành viên về Dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trong văn bản này, các Hiệp hội nhấn mạnh đến yêu cầu thay đổi mạnh mẽ nhận thức, cho phép DN/cụm DN trở thành các chủ thể tham gia vào công tác quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, thay vì chỉ là đối tượng “chịu sự quản lý” như thời gian trước đây.
Trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, DN luôn phải duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn lực cho phòng chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế, Ban IV cho rằng, yếu tố hợp tác công - tư là điều kiện then chốt đế tập hợp sức mạnh, nguồn lực cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cần đuợc thực thi nghiêm túc ở mọi cấp, ngành.
Các DN đã sẵn sàng cho việc hoạt động trở lại
Các biện pháp đánh giá, khoanh vùng, theo Ban IV, khi triển khai cần được thực thi theo từng cấp độ nhỏ nhất, thậm chí ở cấp tổ dân phố, khối phố hoặc cao nhất là cấp phường (xã) đế đảm bảo tính chất linh hoạt cho giai đoạn mới... Đặc biệt, việc thực hiện Hướng dẫn không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, DN.
Nêu quan điểm, các Hiệp hội DN, DN nêu rõ, tài liệu hướng dẫn thích ứng an toàn cần được quy định như là tài liệu có thể áp dụng ngay vào đời sống và có giá trị pháp lý cao nhất, các địa phương chỉ tuyên truyền, hướng dẫn để DN hiểu chứ không có quyền phê duyệt phương án của DN. Giao DN tự chịu trách nhiệm về phương án của mình.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm rà soát việc thực thi, đáp ứng các quy định trong quá trình DN vận hành, động viên và hỗ trợ DN nâng cao năng lực thích ứng chứ không cấm DN.
Để gia tăng niềm tin với DN, chính quyền và DN có thể thảo luận, lựa chọn/mời một bên thứ ba có uy tín với cả chính quyền lẫn DN, giúp DN xây dựng phương án và thực thi phương án sản xuất kinh doanh an toàn, hỗ trợ hai bên kiểm tra các điều kiện vận hành. Nhóm này không có thẩm quyền cấp phép, nhưng sẽ giảm bớt gánh nặng và tạo sự yên tâm cho chính quyền...
Doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0
Đi vào các góp ý cụ thể, các Hiệp hội DN lưu ý, các quy định liên quan tới giao thương quốc tế, chuyên gia quốc tế... cũng cần được rà soát và thể hiện đồng bộ ở tài liệu này.
“Dự thảo cần làm rõ tài liệu này có thay thế các Chỉ thị trước của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia không, hay thay thế nội dung nào, nếu không sẽ dễ tạo nên tình trạng chồng chéo trong quy định, lúng túng trong thực thi” - văn bản nêu.
Mặt khác, dự thảo cần làm rõ quyền đi lại, hoạt động của người đã tiêm đủ vắc-xin hay các F0 đã điều trị khỏi (sau 180 ngày) để phát huy giá trị của chiến dịch vắc-xin; tham khảo mô hình “thẻ xanh” mà các quốc gia khác đã áp dụng hoặc đánh giá, kế thừa các kinh nghiệm/cách làm tốt ngay ở trong nước.
Theo kiến nghị của các Hiệp hội, nên hạn chế cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho ngành y tế
Thông qua Ban IV, các Hiệp hội, DN mong muốn được bổ sung vai trò trong các Tổ công tác, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch để đảm bảo thực thi nghiêm túc việc phối họp công - tư và cộng hợp nguồn lực các bên như tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo; phát huy mạnh mẽ vai trò của DN trong giai đoạn thích ứng an toàn sắp tới.
Cũng theo các Hiệp hội DN, cần đưa mục tiêu giảm số ca tử vong và ca mắc nặng thành mục tiêu hàng đầu thay vì giảm ca mắc thuần túy.
Về các biện pháp hành chính, các Hiệp hội kiến nghị không nên quy định phân biệt “các dịch vụ không thiết yếu” mà nên đưa ra những tiêu chí an toàn cụ thể về y tế để các loại dịch vụ đều có cơ hội vận hành hoạt động trong bối cảnh thích ứng an toàn.
Đối với hoạt động trong nhà và ngoài trời, thay vì chỉ biểu đạt mong muốn quản lý, cần thiết kế các quy định trên cơ sở khoa học, có căn cứ (ví dụ như theo mật độ/khoảng cách). Tương tự, với lưu thông, vận chuyển nội tỉnh, liên tỉnh, các Hiệp hội lưu ý không nên đặt ra vấn đề cấp QRcode cho xe/phương tiện, chỉ để lại các bộ tiêu chí liên quan đến con người vì con người mới là đối tượng cần kiểm soát.
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo, hát rong..., theo các Hiệp hội DN, nên được hoạt động ở cấp 4 (cấp nguy cơ cao nhất) với điều kiện tất cả những người tham gia đều đã hoàn thành tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày.
Liên quan đến các biện pháp y tế, các Hiệp hội đề xuất bổ sung phương pháp xét nghiệm “xác suất” và địa điểm như cảng, sân bay, trung tâm logistics, trung tâm chia chọn hàng hoá, trụ sở cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ công tiếp xúc đông người...
Bỏ yêu cầu xét nghiệm tầm soát định kỳ cho đối tượng nguy cơ như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper), vì các đối tượng này hầu hết đều đã tiêm vắc-xin.
Đề cập đến biện pháp cách ly, các Hiệp hội đề xuất, nên hạn chế cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho ngành y tế, giảm rủi ro lây nhiễm. So sánh với chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, chỉ cần cách ly 7 ngày nếu tiêm đủ 2 mũi, các Hiệp hội phản ánh việc chuyên gia trong nước vẫn phải cách ly 14-21 ngày bởi quy định riêng lẻ của nhiều địa phương là không công bằng.
Cùng với đó, các Hiệp hội đề xuất bổ sung quy định để DN tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0 tại trụ sở DN hoặc các khu thu dung của DN. Địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch, như vậy các bên mới có thể cùng thích ứng an toàn được.
(CAO) Một số hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Bộ ngành liên quan để góp ý dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”.