(CAO) Từ những tranh chấp giữa các cổ đông mà một doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” bỗng lâm vào tình cảnh có tới 2 người đều nhận là Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), có 2 giấy phép đăng ký kinh doanh, 2 con dấu…, khiến mọi hoạt động của công ty ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 9-11, TAND TP.HCM mở phiên họp phúc thẩm và ra kết luận cuối cùng về việc giải quyết tranh chấp tại Công ty cổ phần Tiếp Vận Hồng Ngọc (Công ty Hồng Ngọc).
Theo đó, Toà phúc thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông Phan Kỳ Vũ và công nhận tính hợp pháp của “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 lần 2 ngày 26-7-2017” của Công ty Hồng Ngọc.
Công ty Hồng Ngọc có hai người nhận mình là Chủ tịch HĐQT
Trước đó, ngày 21-8-2017, ông Phan Kỳ Vũ đã gửi đơn đến TAND Q.5 để "yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông" lần 2 năm 2017 của Công ty Hồng Ngọc. Đây là một vụ kiện dân sự khá đặc biệt khi có hai người đều nhận mình là Chủ tịch HĐQT của Công ty Hồng Ngọc.
Theo đó, ông Phan Lê Lâm Sơn (con trai ông Phan Kỳ Vũ) trước đây là Chủ tịch HĐQT công ty nhiệm kỳ 2014-2017. Sau đó Công ty Hồng Ngọc tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2017 lần 2 vào ngày 26-7-2017, bầu ông Nguyễn Thanh Hân làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Tuy nhiên, ông Phan Lê Lâm Sơn cho rằng cuộc họp ĐHCĐ lần 2 vào ngày 26-7-2017 không phù hợp quy định pháp luật vì trước thời điểm diễn ra đại hội 1 ngày, ông Sơn đã gửi thông báo yêu cầu hoãn cuộc họp. Trong khi đó, các cổ đông khác cho rằng cuộc họp ĐHCĐ lần 2 với sự tham gia của 63,1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là đúng trình tự và thủ tục. Ông Nguyễn Thanh Hân được bầu làm Chủ tịch HĐQT là hợp pháp.
Lấy lý do có tranh chấp, ban lãnh đạo cũ của công ty Hồng Ngọc không bàn giao trụ sở, con dấu, giấy phép đăng ký kinh doanh, hồ sơ tài liệu… cho ban lãnh đạo mới được bầu khiến hoạt động của công ty bị ảnh hưởng lớn.
Việc HĐQT cũ và mới không tìm được tiếng nói chung khiến công ty bị ảnh hưởng lớn
Vụ tranh chấp được TAND Q.5 xét xử sơ thẩm ngày 12-7-2018 với phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Vũ, hủy toàn bộ nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 năm 2017 của Công ty Hồng Ngọc. Tuy nhiên, tại phiên họp phúc thẩm vào ngày 9-11-2018, cả đại diện Viện KSND TP.HCM lẫn Hội đồng giải quyết việc dân sự cùng cấp lại có quan điểm ngược lại.
Theo đó, TAND TP.HCM cho rằng ông Phan Lê Lâm Sơn triệu tập cuộc họp để lấy ý kiến về việc hoãn cuộc họp ĐHCĐ nhưng chỉ thông báo trước vài giờ là vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chưa kể, lý do hoãn tổ chức đại hội do có khiếu nại của cổ đông cũng không nằm trong các điều kiện được hoãn ĐHCĐ theo quy định tại Khoản 8 Điều 142 Luật Doanh nghiệp năm 2015.
Do đó, TAND TP.HCM quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông Phan Kỳ Vũ, công nhận tính hợp pháp của “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 lần 2” tổ chức ngày 26-7-2017 của Công ty Hồng Ngọc. Nội dung nghị quyết về việc bầu ông Nguyễn Thanh Hân làm Chủ tịch HĐQT cũng không trái quy định. Đây là phán quyết có hiệu lực pháp luật thi hành ngay, chấm dứt tình trạng một công ty có 2 người nhận là Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, liên quan đến khiếu nại của ông Phan Lê Lâm Sơn về việc Công ty Hồng Ngọc thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 14, Sở KH&ĐT TP.HCM cũng đã ra quyết định số 00001/QĐ-PĐKKD ký ngày 5-2-2018 nêu rõ: “Không có cơ sở để xác định hồ sơ thay đổi nội dung Giấy CNĐKDN lần thứ 14 ngày 11-10-2017 của Công ty Hồng Ngọc là chưa hợp lệ" và quyết định giữ nguyên tính pháp lý của giấy chứng nhận này.
Sau phiên họp phúc thẩm của TAND TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Hân – Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Hồng Ngọc mong rằng, với phán quyết từ tòa phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, công ty sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và đi vào hoạt động ổn định.