(CATP) Liên tiếp các số báo từ ngày 12 đến 15-10, Chuyên đề Công an TPHCM có loạt bài "Sự thật về những công trình hoành tráng ở miền Tây", phản ánh tình trạng nhà đầu tư chấp thuận đầu tư dự án hàng tỷ đôla nhưng... trên giấy. Thời gian trôi qua, dự án tỷ đô cỏ dại mọc đầy, lãng phí tài nguyên đất, mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, có những dự án được đầu tư trăm tỷ đồng nhưng không đưa vào sử dụng do kém chất lượng. Nhiều bạn đọc cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ đầu tư yếu năng lực lẫn tài chính thì làm thế nào để chấn chỉnh thực trạng trên.
Điểm mặt những chủ đầu tư "xí” dự án
Theo phản ánh của người dân, những nhà đầu tư không thực hiện dự án chủ yếu họ "xí” dự án, "xí” phần đất để tìm đối tác khác có tiềm năng kinh tế kêu gọi hợp tác nhưng thực chất để bán dự án. Điều đáng nói, chủ đầu tư nhận nhiều dự án với số vốn đầu tư lớn rồi để đó. Năm 2017, Dự án phòng khám đa khoa tư nhân với diện tích 21.000m2 tại trung tâm thành phố Cà Mau được phê duyệt. Dự án này có 9 hạng mục, được 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Trung tâm Khám chữa bệnh đa khoa Y dược TPHCM và Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Sao Việt làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2019.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 5 năm trôi qua nhưng công trình vẫn còn dang dở, hạng mục đầu tiên chỉ ước đạt khoảng 40% khối lượng. Công trình đã ngừng thi công từ 2 năm qua khiến cỏ dại mọc đầy, nhiều hạng mục xuống cấp gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, khu đất của dự án nằm ở vị trí "đắc địa" tại trung tâm TP.Cà Mau.
Công ty TNHH Thẩm mỹ viện Sao Việt cùng với Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn thực hiện dự án Trường Đại Y dược Cà Mau với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại phường Tân Xuyên, TP.Cà Mau. Nhà đầu tư cam kết, tháng 01-2021 tiến hành xây dựng; tháng 8-2024 vận hành cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, đến nay chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, không nộp ngân sách Nhà nước. Tỉnh nhiều lần có công văn hối thúc nhưng Chủ đầu tư vẫn không thực hiện.
Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu của Tập đoàn Nguyễn Hoàng hiện hoang tàn
Sau nhiều lần nhắc nhở, UBND tỉnh Bạc Liêu ra tối hậu thư cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng. Tập đoàn này quá quen thuộc với người dân bởi nhận 3 dự án "khủng" nhưng thời gian thi công cũng ... "khủng". Tập đoàn Nguyễn Hoàng hiện đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu các dự án chậm tiến độ gồm: Dự án khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu; Dự án khu bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch Công tử Bạc Liêu và Dự án đầu tư xây dựng trường Tiểu học Tư thục Ischool Bạc Liêu.
UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản đề nghị nhà đầu tư khẩn trương triển khai thi công các dự án trên thực địa, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung đã cam kết của chủ đầu tư Nguyễn Hoàng với UBND tỉnh. Tỉnh lưu ý việc thực hiện các dự án theo các mốc thời gian nêu trên không phải là việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Nhà đầu tư thực hiện việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như chúng tôi đã thông tin, năm 2014, Tập đoàn Phú Cường nhận dự án điện gió Phú Cường Sóc Trăng, nằm ở khu vực bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng, có tổng quy mô công suất lên đến 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD tại xã Lai Hòa (xã Vĩnh Tân) và phường Vĩnh Phước, thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án có công suất 150-200MW sẽ hoàn thành thu xếp tài chính vào năm 2018.
Tám năm, dự án không thực hiện, chủ đầu tư được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Cụm Nhà máy Điện gió Phú Cường Sóc Trăng 1A và 1B do Công ty TNHH Mainstream Phú Cường làm chủ đầu tư liên danh giữa Tập đoàn Mainstream Renewable Power. Lần này, vốn đầu tư của dự án là 9.140 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.828 tỷ đồng, vốn huy động là 7.312 tỷ đồng. Lúc này, dự án lên đến gần 3,5 tỷ USD.
Dự án gần 400 triệu đôla giai đoạn 1 chưa thực hiện thì mới đây, Tập đoàn Phú Cường gây "sốc" khi gởi văn bản cho cơ quan Trung ương xin lắp đặt lidar đo gió để thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Bộ Công thương vừa có văn bản phản hồi. Theo đó, ngày 03-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi văn bản đến Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đề nghị tham gia ý kiến về đề xuất xin lắp đặt lidar đo gió trên biển phục vụ dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Phú Cường Sóc Trăng (giai đoạn 2) của Công TNHH Mainestream Phú Cường.
Qua rà soát, Bộ Công thương khẳng định dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Sóc Trăng do Công ty Công TNHH Mainestream Phú Cường đề xuất, có công suất khoảng 1.000 MW chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xử lý chưa nghiêm
Nói về dự án Phòng khám đa khoa trung tâm chậm tiến độ, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau thông tin: "Không chỉ riêng dự án trên, hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang rà soát lại tiến độ thực hiện những dự án chậm. Sau đó, tỉnh làm việc với chủ đầu tư nhằm tìm hướng xử lý phù hợp. Nếu quá 12 tháng kể từ khi có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chủ đầu tư không thực hiện, không có lý do rõ ràng, chính đáng thì chính quyền địa phương sẽ tổ chức thanh tra việc sử dụng đất. Pháp luật có quy định, nếu rơi vào trường hợp thu hồi thì bắt buộc phải thu hồi. Hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang phối hợp rà soát để làm đúng theo trình tự, thủ tục quy định".
Trước hàng loạt dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư yếu năng lực đã phát sinh những hệ lụy, trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của các địa phương. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ có thể do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; đặc biệt là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... Bên cạnh đó, việc một dự án chậm tiến độ có thể do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, thực tế có không ít chủ đầu tư "ôm" những mảnh đất có vị trí đắc địa, xây dựng cầm chừng để không bị thu hồi gây lãng phí, mất mỹ quan.
Việc thu hồi được các dự án "treo" hay không phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của chính quyền địa phương. Luật đất đai đã có những quy định về việc xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án treo. Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn có những quy định bắt buộc như: ký quỹ hoặc bảo lãnh nhằm đảm bảo thực hiện dự án đầu tư đối với các doanh nghiệp sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với công trình dự án để có lộ trình tiếp theo được cấp phép xây dựng, công nhận đủ điều kiện thi công.
Nếu địa phương cương quyết, nhà đầu tư sẽ không dám "xí” phần dự án, "xí” đất để bán kiếm lời...
(CATP) Khoảng năm 2014, các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thi nhau kêu gọi đầu tư công trình điện gió.