Vụ doanh nghiệp gặp khó vì đổi tài xế khi qua cửa khẩu:

Mở cuộc họp sau phản ánh của Báo Công an TPHCM

Thứ Tư, 28/10/2020 08:07  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Liên quan vụ việc, ông Phạm Công Giát (Chánh văn phòng Ban Quản lý khu kinh tế (QLKKT) tỉnh An Giang) cho biết: Đến thời điểm này, mọi hoạt động tại khu kinh tế Khánh Bình vẫn diễn ra bình thường. 

Tuy nhiên, sau khi báo phản ánh, có đề xuất của Bộ đội Biên phòng và Sở Y tế, Ban QLKKT đã tổ chức cuộc họp giữa các ngành cùng với các doanh nghiệp (DN) để ghi nhận ý kiến các bên và sẽ có văn bản để xin ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh.

Khu cách ly của một doanh nghiệp xây dựng với kinh phí 200 triệu đồng.

Vẫn chưa thống nhất

Ngày 14-10, Ban Quản lý khu kinh tế (QLKKT) tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương gồm: ông Bùi Công Bằng (Phó trưởng ban QLKKT tỉnh), ông Bùi Trung Dũng (Phó chỉ huy trưởng Bộ Đội biên phòng tỉnh), ông Nguyễn Tấn Bửu (Phó cục trưởng Cục Hải quan), ông Phan Văn Điền Phương (Phó giám đốc Sở Y tế)… cùng 4 DN có liên quan đóng tại huyện An Phú.

Nội dung cuộc họp là hướng dẫn thực hiện theo quy định trong quá trình kinh doanh, kê khai thuế; hướng dẫn các DN thực hiện tốt công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy, trao đổi phương án thực hiện trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình.

Tại đây, Bộ Chỉ huy BĐBP có ý kiến đổi tài xế tại barie số 1 sẽ đảm bảo tốt cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tự. Còn đại diện Sở Y tế cho rằng, thực tế việc thực hiện cách ly tạm thời tại các DN còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, không đảm bảo việc quản lý đối với chủ hàng, chủ phương tiện, tài xế người Campuchia trong quá trình di chuyển từ khi nhập cảnh đến các bãi sang hàng hóa và thực hiện cách ly tại các khu lưu trú tạm thời do DN xây dựng. Việc đổi tài xế tại barie số 1 sẽ đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, mặc dù có thể gây khó khăn cho DN…

Tại cuộc họp, lãnh đạo Công ty TNHH TM Hải Thịnh Phát cho rằng, đối với phương án đổi tài xế tại cửa khẩu sẽ gây ùn ứ hàng hóa, do rau củ quả và thủy sản là những mặt hàng tươi sống rất dễ hư hỏng cần phải vận chuyển nhanh. Bên cạnh đó, việc thuê mướn tài xế người Việt Nam điều khiển phương tiện Campuchia từ cửa khẩu về bãi hàng hóa của DN sẽ gặp khó khăn do không quen phương tiện, dễ gây tai nạn.

Còn Công ty TNHH MTV Ngân Ý An Phú cho rằng, thời gian qua, các DN đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu đảm bảo phòng chống dịch, đến nay vẫn ổn định. Bên cạnh đó, DN đã đầu tư khu vực cách ly tạm thời nên việc đổi tài xế tại cửa khẩu sẽ gây lãng phí, khó khăn trong quá trình vận chuyển, mua bán. Do vậy các DN đề nghị thực hiện phương án như hiện nay.

Theo các DN, trong văn bản dự thảo số 1767/BB-BQLKT của Ban QLKKT An Giang gửi đến có nội dung: “Qua cuộc họp, các sở ngành, địa phương thống nhất nội dung sau: Mặc dù cả 4 DN đều nêu những khó khăn thi thực hiện đổi tài xế, tuy nhiên trong thời gian dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. Do đó các sở, ngành, địa phương thống nhất thực hiện phương án đổi tài xế. Giao Bộ Chỉ huy BĐBP chủ trì tham mưu tỉnh đề xuất phương án đổi tài xế và thời gian chính thức triển khai thực hiện”. DN cho rằng ý kiến chỉ đạo này là sự lạm quyền, vội vàng, bởi thẩm quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh An Giang.

Sẽ chuyển về nơi khác nếu đổi tài xế

Ông Nguyễn Văn Đượm (Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Ý An Phú) cho biết: Ngày 8-10, có thông tin đổi tài xế, Báo CATP phản ánh nên phương án này tạm dừng. Việc phát sinh tiếp theo là lực lượng chức năng bắt hạ tải đối với các xe chất hàng hóa trên mui. Việc này phải có thông báo chứ bất chợt vậy DN sẽ khó thực hiện, bởi đó là đặc thù của biên giới mấy chục năm nay.

“Cuộc họp vừa qua DN không đồng tình vì mời họp tìm cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhưng khi bắt đầu họp cơ quan chức năng không tìm ra cách giải quyết mà buộc phải đổi tài. Chúng tôi làm phòng cách ly theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Sau khi khánh thành có sự kiểm tra của các ngành, giờ bỏ đi, không cho cách ly nữa thì gây lãng phí rất lớn, dù việc cách ly đã được áp dụng 8 tháng nay.” – ông Đượm nói.

Đang lo lắng về việc đổi tài xế anh Đặng Ngọc Đức (Giám đốc Công ty TNHH TM Đức Thành Long Bình) cho biết: “Nhà cách ly bỏ kinh phí 200 triệu đồng xây dựng mà giờ đổi tài xế phải ngưng hoạt động sẽ hết sức lãng phí, trong khi DN đang gồng mình duy trì hoạt động”.

Các DN cho rằng, việc thay đổi chính sách liên tục sẽ gây khó khăn rất lớn. Nếu việc đổi tài xế được thực hiện thì các chủ bãi tập kết, tiểu thương chỉ còn cách đi nơi khác đầu tư, từ đó sẽ gây lãng phí khu kinh tế mới được đưa vào hoạt động, ảnh hưởng việc làm của người dân biên giới. Họ đề nghị các cuộc họp sau này có sự tham dự của UBND tỉnh An Giang để vụ việc được khách quan, tiếng nói tới được lãnh đạo, đỡ mất thời gian.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Phước (Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cho biết: Quan điểm của tỉnh là Ban QLKKT và các cơ quan chức năng phải ngồi lại cùng với DN đề tìm ra một giải pháp có sự đồng thuận trên cơ sở đảm bảo đúng các quy định. Đến nay, UBND tỉnh cũng chưa nhận được văn bản nào từ Ban QLKKT.

Như Báo CATP phản ánh trước đó, thời gian qua, một số DN kinh doanh mặt hàng cá, rau, củ, quả ở cửa khẩu Long Bình (thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) lo lắng trước thông tin các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới phải đổi tài xế. Họ cho rằng việc thực hiện này sẽ gây ùn tắc, hàng hóa trễ chợ, dẫn đến thiệt hại lớn và đối tác Campuchia sẽ chấm dứt làm ăn.

Sau khi nắm thông tin về việc đổi tài xế tại cửa khẩu, ông Lê Văn Phước (Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19) đã chỉ đạo các sở, ngành cần trao đổi với DN để làm sao vừa đúng quy định, hài hòa giữa công tác phòng chống dịch và việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại biên giới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang