Thuê trẻ em vận chuyển
Lợi dùng địa hình biên giới là đồng ruộng, có nhiều đường mòn, đường tắt và kênh, rạch các đối tượng lén lút để vận chuyển, đai vác hoặc sử dụng vỏ lãi để vận chuyển hàng lậu số lượng lớn. Các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, xe đạp, đồ điện tử, USD, vàng nữ trang.
Mới đây, tại khu vực sông Châu Đốc (khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc), Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP) An Giang chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn và Tổ công tác liên ngành 389 tỉnh An Giang tuần tra, phát hiện một vỏ lãi chạy hướng từ đầu rạch Trắc Ry đi qua xã Đa Phước chở nhiều hàng hóa nghi vấn nhập lậu. Tổ công tác tiến hành kiểm tra, tìm thấy 12 bao đường cát (loại 50kg/bao) do Nguyễn Lê Trúc (SN 1987) và Nguyễn Thanh Phương (SN 1989) vận chuyển. Hai đối tượng khai mua số hàng trên từ Campuchia mang về Việt Nam bán kiếm lời.
Theo Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, thủ đoạn mới của các đối tượng là chia đoạn đường vận chuyển thành 3 chặng. Cụ thể, chặng 1 từ kho ở Campuchia tập kết hàng sát biên giới; chặng 2 từ sát biên giới qua khu vực vành đai biên giới ở Việt Nam, sau đó giấu hàng ở địa điểm đã hẹn trước. Thường các đối tượng ở Việt Nam giả vờ đi thăm ruộng, soi ếch đến địa điểm giấu hàng vận chuyển xuống qua vành đai biên giới giao cho các đối tượng đang chở sẵn hoặc để hàng ở địa điểm đã hẹn trước. Chặng 3 từ khu vực biên giới vào nội địa. Sau khi nhận hàng, các đối tượng đưa lên xe máy, xuồng, vỏ lãi chạy với tốc độ cao chở vào nội địa cất giấu nhiều địa điểm hoặc giao hàng ngày.
"Khi bị truy bắt, các đối tượng vứt bỏ hàng, tìm mọi cách để thoát thân. Đặc biệt, bọn buôn lậu thuê trẻ em hoặc người chưa thành niên tham gia vận chuyển hàng từ bên kia biên giới vào nội địa để gây khó khăn cho công tác xử lý. Đơn vị đã bắt 3 vụ/4 đối tượng vị thành niên tham gia vào đường dây vận chuyển hàng lậu", Thiếu tá Lê Văn Quân - Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn chia sẻ.
Chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra dọc biên giới
Lãnh đạo Cục Hải quan An Giang cho biết, phần lớn người dân ở khu vực biên giới không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật chưa được cao dẫn đến các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Hoạt động của các đường dây buôn lậu có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ từ đối tượng là đầu nậu, hộ kinh doanh cá thế, công ty, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển hàng lậu qua biên giới, tạo thành đường dây xuyên suốt để đối phó lực lượng chức năng.
Quyết liệt ngăn chặn
Chiều một ngày cuối tháng 7/2023, chúng tôi theo chân các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn đi tuần tra bằng vỏ lãi dọc theo kênh Sáu Nhỏ. Theo ghi nhận, các cánh đồng đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu, nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về. Việc tuần tra hiện nay vừa kết hợp đường thủy lẫn đường bộ.
Vừa dẫn đội tuần tra tình hình quanh khu vực quản lý, Thượng úy Mai Xuân Quân (Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn) chỉ tay về cánh đồng đang bị nước lũ chia cắt nói: "Thời điểm này, việc tuần tra sẽ vất vã hơn rất nhiều và các đối tượng buôn lậu cũng dùng vỏ lãi chạy tốc độ cao để đưa hàng lậu qua biên giới. Đồng trống nên việc mật phục cũng không hề đơn giản. Để ngăn chặn tội phạm, công tác tuần tra diễn ra cả ngày lẫn đêm".
Cho biết về tình hình buôn lậu 6 tháng đầu năm, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp (Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang) thông tin: Đơn vị đã bắt và xử lý 56 vụ/37 đối tượng buôn lậu, thu giữ hàng hóa trị giá 1,2 tỷ đồng; phối hợp bắt giữ 17 vụ/17 đối tượng bôn lậu, trị giá hàng hóa gần 1 tỷ đồng. Trong nội địa, lực lượng công an các tỉnh bắt giữ nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu quy mô lớn.
Đối tượng đai vác thuốc lá lậu
Cụ thể, khoảng 0 giờ 25 ngày 18/7, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang và Công an huyện An Phú mật phục, bắt giữ ghe gỗ không biển kiểm soát do Nguyễn Văn Dũng (SN 1982) điều khiển. Tang vật là nhựa phế liệu các loại từ Campuchia đưa về kho tại tổ 2 (ấp An Khánh, xã Khánh An) do Nguyễn Thị Bạch Quyên làm chủ. Đồng thời, phát hiện trong kho có 2 xe tải chuẩn bị chở phế liệu đi tiêu thụ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tìm thấy trên ghe gỗ và 2 xe tải có trên 21 tấn nhựa phế liệu. Ở khu vực xung quanh và kho của hộ kinh doanh do Dương Văn Tạo làm chủ, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện khoảng 19,5 tấn nhựa phế liệu các loại.
Đến ngày 20/7, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an huyện Châu Phú kiểm tra hành chính tại số 834 (tổ 16, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Đức), phát hiện Võ Thị Kim Ngân (SN 1989) kinh doanh hàng hóa nhập lậu đã qua sử dụng. Tang vật tạm giữ: 236 nồi cơm điện, 24 máy lọc không khí, 5 máy đun nước. Ngân không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Do tăng cường siết chặt hoạt động buôn lậu ở An Giang nên các đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động xuống khu vực biên giới của tỉnh Kiên Giang. Chúng không đai vác hàng hóa nhỏ lẻ mà theo từng nhóm với số lượng lớn.
Số lượng lớn thuốc lá lậu bị thu giữ
Khoảng 23 giờ ngày 16/7, trong lúc tuần tra tại khu vực tổ 13 (khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức, TP.Hà Tiên), lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện 20 đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ phía Campuchia sang Việt Nam được tập kết ở nhiều địa điểm khác nhau. Lực lượng tuần tra truy bắt được Tạ Văn Pói (SN 1966), thu giữ 13.000 bao thuốc lá điếu các loại. Cùng ngày, lúc 1 giờ sáng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang bắt quả tang Nguyễn Thanh Tuấn (SN 2000) đang điều khiển xe tải chở 25.000 gói thuốc lá lậu trên Quốc lộ 80 (đoạn xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp).
Theo đánh giá của lực lượng chức năng các tỉnh biên giới Tây Nam, dự báo tình hình buôn lậu trong thời gian tới, nhất là mùa nước nổi diễn biến phức tạp. Địa hình vùng giáp biên rộng, vừa có đường bộ, vừa có đường sông là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Hàng lậu để rải rác ngay cạnh biên giới, lợi dụng đêm tối để thẩm lậu vào nội địa. Đối tượng vận chuyển hàng lậu đa phần là người địa phương, quen thuộc địa hình nên tránh được sự kiểm soát của lực lượng chức năng.