Đồng Nai:

Ngang nhiên san lấp trên đất chưa bồi thường

Thứ Sáu, 24/04/2020 15:51

|

(CATP) Những ngày vừa qua, nhiều người dân tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã cắm bảng thông báo có nội dung phản ứng, tố cáo Công ty cổ phần (CP) Thương mại và xây dựng Phước Tân (gọi tắt là Công ty Phước Tân, chủ đầu tư dự án Khu dân cư (KDC) Núi Dòng Dài tại P.Phước Tân) đã cố tình san lấp nhiều diện tích đất của họ, trong khi chưa thương lượng, bồi thường.

Được biết, dự án này làm nhiều người dân tiếc nuối khi cả 3 ngọn núi tại đây (Dòng Dài, Một, Hai) đều đã bị chủ đầu tư san ủi, lấy đất lấp ruộng để làm dự án.

Có mặt tại khu vực dự án vào sáng 20- 4-2020, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân vác cờ ra cắm tại khu vực đất của họ để ngăn xe tải đổ đất. Một số người cắm những bảng thông báo có nội dung: "Lợi dụng dịch Covid-19 lấn chiếm đất đai", "đất chưa thỏa thuận đền bù mà san lấp, bán nền"... trên đất của họ. Theo người dân tại đây, cách làm này chỉ là giải pháp tình thế.

Bà Võ Thị Kim Tuyền (SN 1968, ngụ xã Phước Tân) cho biết: "Gia đình tôi có gần 2 héc-ta ruộng, trong đó có các thửa số 493, 492, 2194, 540, 2380, 2322, 2230..., thuộc tờ bản đồ 13 (cũ), nay là các thửa số 49, 50, 41, 42, tờ bản đồ 107 của P.Phước Tân. Diện tích đất này tôi đã đăng ký tại xã Phước Tân và canh tác ổn định nhiều năm qua, một phần diện tích đã được cấp "sổ đỏ".

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty Phước Tân (công ty con của Công ty CP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa) liên tiếp tiến hành san lấp đất của tôi và nhiều người khác mà không hề thương lượng, bồi thường".

Người dân cắm bảng thông báo để ngăn chủ đầu tư san lấp lấn vào đất của mình

Khi bà Tuyền phản ứng, phía chủ đầu tư còn "thách đố" bà chỉ ranh đất của mình cho họ xem. "Đất ruộng thì có ranh, có mốc tự nhiên. Nông dân tụi tôi chỉ căn cứ vào gốc cây, ụ đất để nhận ra đất của mình. Bây giờ chủ đầu tư cho san ủi thành bình địa rồi, biểu tôi chỉ ranh, chỉ mốc thì lấy gì tôi chỉ? Làm vậy có khác gì chiếm đất của người dân?" - bà Tuyền bức xúc.

Ông Bình cũng có đất tại khu vực trên, cho biết: "Cuối năm 2019, việc san ủi đất mà chưa bồi thường chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ. Nhưng khoảng một tháng trở lại đây, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, người dân có đất không sát sao trông nom, chủ đầu tư dự án đẩy mạnh san lấp nên nhiều diện tích của chúng tôi giờ đã "biến mất" trên thực địa".

Chỉ vào một khu đất trống, ông Bình nói: "Cái bãi đó cách nay chừng một tháng từng tồn tại ngọn núi Một, nhưng giờ chỉ còn là gò đất nhỏ. Cạnh nó là núi Dòng Dài thì bây giờ chỉ còn là dải đồi đất dưới chân đó. Phải nói là chủ đầu tư này được "ưu ái" quá mức, vì được cho phép san ủi mấy ngọn núi trong khu vực dự án để lấy đất san lấp. Việc họ san lấp đất của chúng tôi, chúng tôi cũng đã khiếu nại đến chính quyền địa phương mà chưa được giải quyết".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án KDC Núi Dòng Dài khá lớn, quy mô lên tới 156,53 héc-ta. Trên phần ranh quy hoạch dự án, có ngọn núi Dòng Dài rộng hơn 10 héc-ta, nhưng hiện đã được chủ đầu tư san ủi, lấy đất san lấp làm dự án.

Tại dự án này, chủ đầu tư và một số hộ dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thương lượng bồi thường đất nông nghiệp, đất thổ cư..., nên vẫn chưa giải tỏa được. Ước tính diện tích dự án này còn vướng bồi thường, giải tỏa lên tới hơn 20 héc-ta. Nằm trong dự án này phần lớn là đất nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa).

Phóng viên đã liên hệ với ông Đỗ Hoài Thu (Giám đốc Công ty Phước Tân) thì được xác nhận, công ty này đã bồi thường xong khoảng 138/156 héc-ta.

Theo một số luật sư, việc chủ đầu tư ngang nhiên san lấp đất trên diện tích chưa bồi thường là vi phạm Nghị định 91/2019/ NĐ-CP. Nghị định này quy định, việc dịch chuyển ranh giới của thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng mà chưa được người sử dụng hợp pháp của thửa đất đó cho phép là hành vi lấn đất, có thể bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, địa giới hành chính như trước khi vi phạm. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư tôn trọng quyền sử dụng đất hợp pháp của các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án.

Trước việc chủ đầu tư san lấp núi Dòng Dài, núi Một và có hành vi lấn đất của người dân, cuối năm 2019, phóng viên Báo Công an TPHCM đã liên hệ UBND tỉnh Đồng Nai để làm rõ những vấn đề sau: dự án này có thuộc diện được UBND TP.Biên Hòa đứng ra bồi thường, giải tỏa theo khung giá nhà nước hay chủ đầu tư phải thương lượng với người bị ảnh hưởng về mức giá bồi thường; việc san ủi nhiều ngọn núi trong dự án để lấy đất san lấp có được cấp quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không; chủ đầu tư có thanh toán khối lượng khoáng sản đất lại cho ngân sách nhà nước không?...

Từ cuối năm 2019, ông Nguyễn Hữu Lý (Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai) đã có văn bản cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ và trả lời. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Sở TNMT tỉnh này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang