ĐBSCL: Nhiều địa phương kiến nghị "giải cứu" gạo

Thứ Ba, 21/04/2020 18:36  | Thiện Thảo

|

(CATP) Ngày 10-4 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 là 400.000 tấn. Quyết định này có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4-2020. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa thể mở tờ khai hải quan để thông quan. Mỗi ngày nằm chờ xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhiều địa phương cũng đồng loạt kiến nghị các cơ quan chức năng tìm cách "giải cứu" gạo.

NGUỒN LƯƠNG THỰC DỒI DÀO

Sau khi quyết định trên của Bộ Công thương có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp rất bức xúc bởi một số doanh nghiệp được hải quan "ưu tiên" mở tờ khai xuất khẩu ngay sau lúc 0 giờ ngày 11-4. Ngay hôm sau, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) ra thông báo, lượng gạo khai báo đã hết hạn ngạch 400.000 tấn. Ban đầu, với hạn ngạch mà Bộ Công thương cấp, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cho rằng là quá ít.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống 1.541.000 héc-ta, năng suất đạt 69,79 tạ/héc-ta, tăng hơn 2 tạ/héc-ta so với vụ đông xuân 2018 - 2019; tổng sản lượng ước đạt 10.755.000 tấn.

Lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện rất lớn

Sản lượng lúa tại ĐBSCL cũng được dự báo sẽ tăng lên khi vụ lúa hè thu 2020 đã xuống giống hơn 2 tháng, chuẩn bị thu hoạch. Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2020, ĐBSCL gieo sạ 1.539.000 héc-ta, năng suất ước đạt 56,6 tạ/héc-ta, tổng sản lượng khoảng 8.712.000 tấn. Tiến độ xuống giống lúa vụ trong tháng 2-2020 đạt hơn 122.000 héc-ta, tháng 3-2020 là 272.000 héc-ta, tháng 4-2020 dự báo xuống giống 602.000 héc-ta... Hiện lúa đang phát triển tốt và sẽ cho thu hoạch sớm đối với diện tích gieo sạ trong tháng 2-2020. Lượng lúa sẽ tiếp tục tăng cao trong dân, cần tìm đầu ra...

Như vậy, ấn định 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4 này của Bộ Công thương là quá thấp, bởi nguồn lúa dự trữ trong dân và doanh nghiệp thu mua lúa gạo còn nhiều. Bộ NN&PTNT cho rằng, lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân có thể xuất khẩu là 3 triệu tấn, nếu tính cả lượng gạo chuyển từ năm 2019 qua đạt khoảng 3,2 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5-2020 cần 300.000 tấn để thực hiện kế hoạch mua vào của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong năm 2020. Các bộ, ngành thống nhất giữ lại thêm 400.000 tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5. Lượng gạo còn lại để xuất khẩu trong hai tháng 4 và 5-2020 là 800.000 tấn.

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG "KÊU CỨU"

Trước việc ấn lượng xuất khẩu gạo thấp so với nhu cầu của các địa phương, làm doanh nghiệp và người dân không yên tâm. TP.Cần Thơ thu hoạch xong diện tích 80.000 héc-ta, năng suất lúa đạt 7,22 tấn/héc-ta. Hiện thành phố này còn tồn kho hơn 67.000 tấn lúa, 187.000 tấn gạo. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vay 7.700 tỷ đồng của các ngân hàng để thu mua lúa của dân, nhưng hạn ngạch xuất khẩu gạo khiêm tốn như hiện nay thì việc thu hồi nợ sẽ khó khăn.

Sở Công thương TP.Cần Thơ đề xuất Bộ Công thương và Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hàng hóa đang nằm trên các cảng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cụ thể, ưu tiên trước hết là thực hiện mở tờ khai, thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 doanh nghiệp, với số lượng gần 26.000 tấn (từ ngày 23-3 đến 30-3). Ưu tiên kế tiếp là thực hiện mở tờ khai, thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4-2020 cho 14 doanh nghiệp, với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 1 đến 10-4).

Do không xuất khẩu gạo được nên nhiều doanh nghiệp không dám thu mua

UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị Thủ tướng về "giải cứu" xuất khẩu gạo. Năm 2020, tỉnh này xuống giống lúa, nếp đạt hơn 616.420 héc-ta, sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn lúa, nếp/ năm, dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 462.000 tấn gạo. Sau khi trừ giống, để ăn, bán tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, lượng tồn là gần 271.000 tấn gạo. Nếu đến hết tháng 4 này không xuất khẩu được thì toàn tỉnh có hơn 48.000 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký (tương đương hơn 23,6 triệu USD) của 16/18 doanh nghiệp. Nếu kéo dài đến hết tháng 5-2020, tỉnh có khoảng 115.000 tấn gạo không xuất, không giao hàng theo hợp đồng đã ký.

UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ, các hợp đồng được ký kết theo quy định thì cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo, ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và lượng gạo đã có hợp đồng đến tháng 5-2020.

MỖI NGÀY THIÊT HẠI HƠN 50 TỶ ĐỒNG

Do chậm trễ vì không được thông quan, có doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết bị lỗ hàng trăm triệu đồng. UBND TP.Cần Thơ đã kiến nghị ưu tiên giải quyết lượng gạo đang nằm chờ tại cảng và những đơn hàng phải giao trong tháng 4-2020. Thành phố này có 41 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đang dự trữ phục vụ kinh doanh khoảng 86.000 tấn lúa và 359.411 tấn gạo. Hợp đồng ký kết phải giao khoảng 217.000 tấn, trong đó lượng hàng được chuyển đến cảng khoảng 26.000 tấn (chưa mở tờ khai hải quan), xuất sang các thị trường chủ yếu là Indonesia, Philippines, Malaysia, Nga, Mỹ...

Theo thống kê, có khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng chờ xuất khẩu. Ngành lúa, gạo bị thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng/ngày cho các chi phí, chưa kể chất lượng gạo bị xuống cấp, việc đối tác nước ngoài khiếu kiện do chậm giao hàng theo hợp đồng. Công ty cổ phần (CP) Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (TP.Cần Thơ) đang lo lắng vì gần cả tháng qua, 3.000 tấn gạo phải nằm chờ ở cảng Cát Lái (TPHCM). Công ty Gạo Phước Thành IV (Vĩnh Long) cũng "kẹt" 2.000 tấn gạo, chờ xuất khẩu.

"Chúng tôi mong các bộ, ngành rà soát lại, doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng với đối tác và còn gạo trong kho thì sớm cho làm thủ tục xuất khẩu. Nếu gạo không thể xuất khẩu, chính ngành nông nghiệp nước ta gặp bất lợi, do gạo xuất khẩu đang được giá... Đặc biệt là nguy cơ mất đối tác về tay các đối thủ xuất khẩu gạo trong khu vực nếu chúng tôi không thực hiện đúng hợp đồng" - lãnh đạo Công ty Gạo Phước Thành IV chia sẻ.

Đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ tiêu cực trong xuất khẩu gạo

Ngày 20-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc tạm dừng mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24-3 là thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 (Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23-3-2020 của VPCP).

Ngày 10-4, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4-2020 là 400.000 tấn. Nếu tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Quyết định số 1106/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11- 4-2020. Nhưng tại thời điểm này, theo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chưa nhận được văn bản chính thức từ Bộ Công thương; đến 9 giờ 30 ngày 11-4-2020 mới nhận được bản chụp do Bộ Công thương gửi qua thư điện tử. Ngày 13-4-2020, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức.

Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12-4-2020. Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan khi số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (400.000 tấn). Về việc này, Bộ Tài chính khẳng định, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ 0 giờ - 6 giờ 15 ngày 12-4, đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu là 399.989,43 tấn. Trong đó, có một doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn. Lúc này, hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận.

Sau thời điểm 6 giờ 15 ngày 12-4, đã có 2 doanh nghiệp (trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai thời điểm trước đó) đăng ký 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn thì được hệ thống tiếp nhận (15 giờ 10 đăng ký xuất 9 tấn, 19 giờ 34 đăng ký xuất 1,2 tấn).

Vừa qua, một số phương tiện thông tin báo chí, mạng xã hội và một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo nêu trên. Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên, nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo, cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra, làm rõ để phát hiện, xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm của công chức hải quan theo quy định của pháp luật. HẢI TRIỀU

Chiều 20-4, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và Bộ Công thương về hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian qua. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua (theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP), đồng thời thanh tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 121 ngày 23-3-2020 và Văn bản số 2827 ngày 10-4-2020 của VPCP.

Mục đích thanh tra làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2020. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang