(CAO) Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phát hiện 15 vụ sản xuất thiết bị y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, phát hiện 98 cơ sở kinh doanh tăng giá bán thiết bị y tế, 50 trường hợp đầu cơ, găm hàng, phát hiện 107 vụ với 112 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép không hóa đơn, chứng từ các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, xử lý các đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, các qui định về phòng chống dịch bệnh, nhất là tội: trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Về dấu hiệu sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, Thiếu tướng Tô Ân Xô cũng cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp xác minh, làm rõ với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nếu phát hiện sai phạm phải điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 Hà Nội sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, C03 Bộ Công an đã gọi một số cán bộ có liên quan đến mua sắm máy xét nghiệm của CDC Hà Nội lên làm việc.
Được biết, việc này có liên quan đến hành vi nâng giá thiết bị và liên quan đến một số địa phương khác. Về việc kiểm tra, xử lý hành vi tăng giá trang thiết bị, Công an TP, quản lý thị trường đã triển khai thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP, tình trạng này vẫn diễn ra và không loại trừ có sai sót của CDC Hà Nội và một số đơn vị. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay TP có 8 máy xét nghiệm RT-PCR, 30.000 dụng cụ xét nghiệm (test). Trong số đó đã sử dụng hơn 13.000 test. Về máy thở, trước khi có dịch, toàn ngành y tế Hà Nội có 236 máy, đã mua bổ sung 105 máy, bổ sung kinh phí đợt 2 để mua 37 máy, nâng tổng số máy thở lên 378 chiếc.