Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hôm nay (20/4) đã có văn bản gửi tới Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị điều tra, làm rõ thông tin tiêu cực trong xuất khẩu gạo.
Đề nghị được đưa ra khi có nhiều thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và một số doanh nghiệp phản ánh về hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực trước tình hình đại dịch Covid -19.
Bộ Tài chính đề nghị điều tra làm rõ có hay không tiêu cực trong xuất khẩu gạo
Tại văn bản gửi tới Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc tạm dừng mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3 là thực hiện theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 theo Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Ngày 10/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, trong đó có nêu rõ thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Cũng theo quy định, tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Nếu tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thỉ số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.
Quyết định số 1106/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020, nhưng tại thời điểm này, theo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chưa nhận được bản chính thức từ Bộ Công Thương, đến 9g30 sáng ngày 11/4/2020 mới nhận được bản chụp do Bộ Công thương gửi qua thư điện tử.
Ngày 13/4/2020, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức.
Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định 1106, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12/4/2020.
Việc trừ lùi được Hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thông theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (400.000 tấn), không có sự can thiệp của công chức hải quan.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong thời gian từ 0 giờ - 6giờ 15 ngày 12/4/2020 đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.989,43 tấn, trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn. Hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn, vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận.
Sau thời điểm 6 giờ 15 ngày 12/4/2020 đã có 2 doanh nghiệp (trong đó có 1 doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai thời điểm trước đó) đăng ký 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn thì được hệ thống tiếp nhận (15 giờ 10 đăng ký xuất 9 tấn và 19 giờ 34 đăng ký xuất 1,2 tấn).
Hiện nay, theo phản ánh của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo và tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan...
Do đó, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tính tổng thể các vấn đề báo chí, doanh nghiệp, mạng xã hội phản ánh, Bộ trưởng Bộ Tài chính kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Trong lĩnh vực của Bộ Tài chính, ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra, làm rõ để phát hiện, xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm của công chức hải quan theo quy định của pháp luật.
Văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an cũng đồng thời được Bộ Tài chính gửi tới Ban Nội chính Trung ương.