Trung Quốc tiếp tục hành động sai trái ở Biển Đông

Thứ Hai, 20/04/2020 15:30

|

(CATP) Năm 2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" rồi ngang nhiên đưa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc quyền quản lý của đơn vị hành chính mới này.

Nhằm tiếp tục chính sách bành trướng, mới đây nước này đã quyết định thành lập cái gọi là "huyện đảo Tây Sa" và "huyện đảo Nam Sa" thuộc "thành phố Tam Sa", để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, hiện thực hóa dần những yêu sách ngang ngược và phi pháp của họ tại Biển Đông.

Lợi dụng cơ hội "đục nước thả câu"

Trung Quốc vừa tự quy định "huyện đảo Tây Sa" quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield (khu vực biển gần Đài Loan) cùng các vùng biển xung quanh. Còn "huyện đảo Nam Sa" quản lý quần đảo Trường Sa của Việt Nam cùng vùng biển xung quanh.

Trụ sở của "huyện đảo Tây Sa" đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; trụ sở của "huyện đảo Nam Sa" đặt tại đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng những công trình phi pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Time.com

Đây là một hành động cơ hội trong điều kiện quốc tế có nhiều biến động; đồng thời cũng là một sự tính toán ranh mãnh trong tiến trình bành trướng Biển Đông của Trung Quốc.

Khoảng từ tháng 3 đến nay, tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc liên tục có những hành động nguy hiểm, ngang ngược, như vụ diễn tập quân sự tại khu vực phía Bắc Biển Đông, vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đầu tháng 4 vừa qua.

Đồng thời, Trung Quốc cũng cho tàu Hải Dương địa chất 8 cùng một nhóm tàu hải cảnh trở lại Biển Đông. Vào năm ngoái, Hải Dương địa chất 8 đã thực hiện các hoạt động khảo sát thăm dò dầu khí trong các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây nên tình trạng căng thẳng trong khu vực.

Việc thành lập "huyện đảo Tây Sa" và "huyện đảo Nam Sa" là động thái mới nhất của Trung Quốc trong chuỗi hành động "đục nước thả câu"; lợi dụng thời cơ khi các quốc gia trên thế giới đang phải vất vả ứng phó dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông của họ.

Trong hành trình phi pháp đó, Trung Quốc luôn tính toán thời cơ và sự thay đổi cán cân lực lượng khu vực, tiến hành các bước đối ngoại khôn ngoan để chia rẽ nội bộ ASEAN, cũng như kiềm chế sự cạnh tranh của các nước lớn tại khu vực.

Để phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc còn có cả một chiến lược truyền thông "hỏa mù". Một tổ chức nghiên cứu dưới tên gọi "Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông" (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh chuyên "sản xuất" ra những báo cáo sai sự thật về tình hình Biển Đông nhằm có lợi cho Trung Quốc.

Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc thì "chịu khó" đăng tải các bài viết theo kiểu "đánh tráo khái niệm", nhằm đổ lỗi cho các nước khác. Tuy nhiên, đúng như châm ngôn của người Trung Quốc "không thể lấy tay che mặt trời"; mọi hành vi và thủ đoạn phi pháp, sai trái của chính phủ Trung Quốc sẽ bị phơi bày trước công lý và công luận quốc tế.

Tàu hải cảnh khổng lồ số hiệu 3901 của Trung Quốc. Giới quan sát quân sự nghi ngờ tàu Trung Quốc đã đổi số hiệu tàu này thành 5901 sau vụ xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2019 (theo TTO)

Chủ quyền vững chắc của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Cơ sở lịch sử và pháp lý cho thấy Việt Nam thực hiện chủ quyền liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) từ nhiều thế kỷ trước. Điều này cũng được những nhà hàng hải phương Tây xác nhận. Nhiều người trong số họ đã có những ghi chép, hoặc vẽ bản đồ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xem đó là những đảo thuộc về lãnh thổ Việt Nam ngày nay.

Các bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy, muộn nhất là từ thế kỷ XVI, các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức khác nhau như kiểm soát, khai thác sản vật, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền nhằm khẳng định cương giới quốc gia.

Lực lượng đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm nhiều đơn vị thay nhau như đội Hoàng Sa, Bắc Hải, đội Thủy quân, Biền binh, Vệ giám thành lẫn binh đinh, dân phu.

Thời kỳ thực dân Pháp cai trị Việt Nam, họ thay mặt các chính quyền Việt Nam thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo này. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, tại Hội nghị San Fransisco (1951) các nước Đồng Minh và quốc tế đều thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ quản lý.

Sau khi thống nhất đất nước (1975), Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo này. Năm 1982, Quốc hội Việt Nam chuẩn y thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện đảo Hoàng Sa hiện trực thuộc thành phố Đà Nẵng, còn huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Trung Quốc từng bước thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, trong lúc chiếm đóng Đài Loan, lợi dụng tình hình chiến sự ở Việt Nam, năm 1956 Tưởng Giới Thạch đưa quân xâm chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cũng năm này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) cho quân chiếm giữ đảo Phú Lâm và vài đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; đến năm 1974, họ chiếm nốt những đảo còn lại. Kể từ đó, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Từ năm 1988 trở đi, Trung Quốc đã nhiều lần gây hấn tại quần đảo Trường Sa, chiếm đóng trái phép một số đảo chìm và bãi cạn ở đây, xây dựng thành các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng.

Năm 2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt thủ phủ ở đảo Phú Lâm. Việc thành lập "huyện đảo Tây Sa" và "huyện đảo Nam Sa" mới đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh công cuộc "thuộc địa" tại Biển Đông.

Hành động này chứng tỏ Trung Quốc bất chấp việc Tòa trọng tài quốc tế (Permanent Court of Arbitration - PCA) bác bỏ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông do Bắc Kinh đưa ra (2016). Không những thế, hành động trên còn cho thấy khả năng Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và quân sự hóa các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa ráo riết hơn trong tương lai. Có thể đó là một phần trong kế hoạch dài hạn, gắn liền với cái gọi là "thành phố Tam Sa" xuất hiện từ 8 năm trước.

Từ trước đến nay, Trung Quốc thường đưa ra các tuyên bố "chay" về chủ quyền trên Biển Đông vì thiếu các căn cứ pháp lý và lịch sử; không hề có bằng chứng về hệ thống quản lý hành chính đối với các vùng biển mà nước này đặt ra yêu sách.

Có thể thông qua việc thành lập hai huyện mới này, Trung Quốc muốn tạo ra "bằng chứng" về sự kiểm soát hành chính thực tế trên Biển Đông. Một hành động ranh mãnh như thế rất cần được lôi ra trước ánh sáng công lý một cách kịp thời.

Việt Nam với ngọn cờ chính nghĩa

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố trước công luận quốc tế rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam chủ trương nhất quán giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOC, 1982) và các luật quốc tế liên quan.

Việc thành lập "huyện đảo Tây Sa" và "huyện đảo Nam Sa" của chính phủ Trung Quốc đã đi ngược lại với thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, gia tăng tình hình căng thẳng và phức tạp trên Biển Đông, đi ngược lại xu thế hợp tác phát triển của thời đại, không có lợi cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Những hành vi sai trái từ phía chính phủ Trung sẽ bị cộng đồng quốc tế phê phán. Chắc chắn nhân dân Trung Quốc cũng không đồng tình. Chính nghĩa luôn thuộc về Việt Nam.

Yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (ảnh) chiều 19-4, đã lên tiếng về việc Trung Quốc ngang nhiên thông báo thành lập cái gọi là "huyện đảo Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "huyện đảo Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa".

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới" - bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Nêu rõ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.

HẢI TRIỀU

Bình luận (0)

Lên đầu trang