Giá hồ tiêu luôn giữ ở mức cao trong thời gian dài, nhờ đó tại nhiều người trồng tiêu đã trở thành những triệu phú, tỷ phú. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, tiêu chết liên tục, đẩy nhiều “đại gia đất” phải bỏ xứ.
Từ “vàng đen” thành cục nợ
Xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, Gia Lai) lâu nay được xem là một trong những thủ phủ trồng hồ tiêu có tiếng tại Gia Lai. Dân trong xã hầu như nhà nào cũng có cây hồ tiêu trong vườn. Nhờ giá tiêu luôn giữ ổn định ở mức cao trong nhiều năm qua nên bộ mặt nông thôn ở đây khởi sắc hẳn. Những ngôi nhà tiền tỷ mọc lên càng nhiều. Ô tô, xe máy đắt tiền được người dân mua sắm liên tục sau mỗi vụ tiêu.
Tiêu chết xảy ra trên diện rộng tại các vùng trồng tiêu tại Gia Lai
Tuy nhiên, niềm vui đối với người trồng tiêu nơi đây không kéo được dài. Từ năm 2016 tới nay, tiêu chết ồ ạt đẩy người dân vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều căn nhà khang trang trong xã nay phải cửa đóng, then cài khi chủ của nó phải đi mưu sinh nơi khác vì nợ. Còn người ở lại cũng phải canh cánh với những khoản nợ sắp đáo hạn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) trồng được 4.000 trụ tiêu. Là người trồng tiêu lâu năm và nhờ trồng tiêu nên gia đình bà trở nên khá giả. Những năm được mùa, vườn tiêu cho chu hoạch khoảng 4 tấn mỗi vụ, năm trước chỉ còn 8 tạ, năm nay thì không còn chút nào.
Nhờ trồng tiêu, bà còn xây được ngôi nhà giá trị 1,7 tỷ đồng. Thế nhưng, khác với những năm trước đây, năm nay vườn tiêu của gia đình bà đang xanh tốt, trĩu quả bỗng nhiên vàng lá, lụi dần và chết hàng loạt, khu vườn giờ chỉ còn trơ cọc tiêu.
Phần lớn người dân không biết nguyên nhân tiêu chết
Đưa chúng tôi đi khảo sát vườn tiêu bị chết, bà Vân lắc đầu ngao ngán: “Hiện gia đình đang còn vay ngân hàng 300 triệu. Giờ tiêu chết hết, tiền lãi cứ đến hẹn là phải trả, gia đình đành phải nhổ trụ tiêu để bán. Nhưng ngặt nỗi, giờ trong xã cũng nhiều người nhổ trụ bán nên người mua ép giá, khiến người trồng tiêu khó trăm đường”.
Dọc tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã Ia Blứ, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến tiêu của bà con hai bên đường chết đứng trên trụ. Nhiều hộ dân vẫn đang tranh thủ đào trụ tiêu lên để bán trang trải nợ nần.
Ghé qua vườn tiêu của anh Lê Thanh Hưng ở thôn Thiên An (xã Ia Blứ), hơn 1.300 trụ tiêu nhà anh cũng chỉ còn trụ, cây đã chết sạch. Anh Hưng buồn bã cho biết, nhà anh vay mượn để về đầu tư vào cây tiêu, hiện còn nợ hơn 90 triệu đồng.
“Tiêu nhà tôi đang trong giai đoạn thu hoạch đột nhiên chết hàng loạt. Lúc đầu tiêu chết rải rác, tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật về cứu chữa, vệ sinh vườn nhưng không hiệu quả. Đến nay, tiêu chết quá nhiều vô phương cứu chữa nên gia đình tôi đã bỏ mặc vườn tiêu”, anh Hưng nói.
Trường hợp giống anh Hưng ở xã Ia Blứ giờ là chuyện bình thường. Do chi phí đầu tư trồng tiêu quá lớn so với các loại cây công nghiệp khác. Riêng tiền mua giống, mua trụ, cải tạo vườn 1 ha năm đầu tốn hơn nửa tỷ đồng, nếu tiêu không chết cũng phải mất 3 năm sau mới cho thu hoạch. Chi phí lớn, người trồng tiêu chủ yếu vay mượn để đầu tư.
Tiêu chết ngoài dịch bệnh còn do phân bón kém chất lượng
Nói về tình trạng tiêu chết hàng loạt trên địa bàn xã, ông Lê Quang Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, nguyên nhân tiêu chết là do hạn hán, sâu bệnh và phân bón giả. Tiêu chết ảnh hưởng cực lớn đến đời sống của người dân trong xã. Trước đây, ở xã Ia Blứ những trường hợp thu nhập tiền tỷ mỗi vụ từ tiêu rất nhiều, giờ thì rất hiếm.
Anh Hưng khốn đốn vì vườn tiêu chết sạch
Một số trường hợp hộ dân trong xã do tiêu chết đã phải vay nóng ở ngoài để trả nợ cho ngân hàng. Do không có tiền để trả nợ vay nóng, khiến cả gia đình phải bỏ trốn biệt xứ tránh sự truy tìm của chủ nợ. UBND xã sẽ có đề xuất với cấp trên để đề nghị các ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ cho người dân bị thiệt hại do tiêu chết, nhằm giúp bà con giảm bớt khó khăn trước mắt, ông Vang chia sẻ.
Không riêng gì xã Ia Blứ, tình trạng hồ tiêu chết cũng diễn ra trên diện rộng tại huyện Chư Pưh. Tại xã Ia Phang người trồng tiêu cũng đang điêu đứng, ông Siu Y Bé – Bí thư Đảng ủy xã thừa nhận, hồ tiêu trên địa bàn chết rất nhiều. Hiện rất nhiều vườn người dân đã bỏ mặc. Tiêu chết do sâu bệnh đã đành nhưng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng cũng góp phần gây thiệt hại.
Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn rất nhiều. Xã phát hiện nhiều trường hợp và đã báo cáo cấp trên. Cái khó là xã không đủ thẩm quyền xử lý, nhiều công ty phân bón lại trực tiếp đến các hộ dân quảng cáo và bán phân, không qua đại lý hay chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Long Khánh – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho biết, huyện cũng đã thành lập Đoàn liên ngành đi kiểm tra phân bón, đoàn đã xử phạt các đơn vị trên 62 triệu đồng. Chủ yếu là các lỗi vi phạm do quảng bá không đúng sự thật, thông tin trên bao bì không đúng bản chất của hàng hóa. Phân bón tràn ngập nên việc kiểm soát chất lượng rất khó.
Nhờ tiêu mà nhiều hộ xây được nhà to, cùng vì tiêu mà giờ họ rơi vào cảnh nợ nần
Còn đối với các diện tích tiêu chết trên địa bàn huyện, ông Khánh cho hay, theo thống kê của Phòng, đến cuối năm 2016 toàn huyện có 2.800ha tiêu chết. Đối với những vườn tiêu bị bệnh, các nhà khoa học khuyến cáo luân phiên cây trồng từ 3 đến 4 năm rồi trồng lại.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có trồng trên đất mới mới có độ an toàn cao hơn. Ở góc độ nông nghiệp, Phòng khuyến cáo người dân trồng xen canh cà phê và hồ tiêu, mô hình này hiện rất hiệu quả trong huyện.