Trồng 500 cây cóc trắng tại khu dự trữ sinh quyển thế giới

Thứ Bảy, 26/11/2016 16:02  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Sáng 26-11, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM phối hợp cùng BAT Việt Nam trồng hơn 500 cây cóc trắng tại rừng ngập mặn Cần Giờ, H.Cần Giờ, TP.HCM.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, tạo thêm mảng xanh, tăng độ bao phủ cho khu rừng ngập mặn ở TP.HCM.

Ước tính rừng ngập mặn Cần Giờ có 220 loài thực vật bậc cao với 155 chi, thuộc 60 họ

Trước đó, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM cũng phối hợp với BAT Việt Nam tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng trồng cây xanh tại rừng ngập mặn Cần Giờ và dọn vệ sinh hơn 3km bờ biển Cần Giờ.

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, giáp biển Đông ở phía Nam, giáp tỉnh Tiền Giang và Long An ở phía Tây, và giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ở phía Đông.

Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740 ha, trong đó: vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha, và vùng chuyển tiếp 29.880 ha. Đây là khu rừng ngập mặn với một quần thể động thực vật đa dạng, trong số đó nổi bật là đàn khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) cùng nhiều loài chim, cò.

Năm 1978, Cần Giờ được sáp nhập về TP.HCM và năm 1979 UBND TP.HCM phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, đồng thời thành lập Lâm trường Duyên Hải với nhiệm vụ khôi phục lại hệ sinh thái ngập mặn.

Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn hecta, trong đó có gần 20 nghìn hecta rừng trồng, hơn 11 nghìn hecta được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác.

Ngày 21-1-2000, khu rừng này đã được Chương trình Con người và Sinh Quyển - MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang