Zika lan nhanh ở Sài Gòn, bà bầu đừng quá run!

Thứ Sáu, 25/11/2016 06:23  | Ngô Đồng

|

(CAO) Thông tinh từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến 8 giờ sáng ngày 24-11, TP.HCM ghi nhận có 69 trường hợp nhiễm virus Zika, tập trung tại 17 quận/huyện trên địa bàn TP.HCM, trong đó có 9 thai phụ.

Người bệnh được khám và tầm soát Zika như thế nào?

Trước tình hình diễn biến phức tạp của Zika, Sở y tế TP.HCM vừa thống nhất một quy trình điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là theo dõi và chăm sóc bệnh cho thai phụ, quy định rõ điều kiện tiếp nhận, theo dõi chăm sóc và phân tuyến điều trị phù hợp, tránh bỏ sót.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh do virus Zika chỉ thực hiện khi có những triệu chứng nghi ngờ và phải có chỉ định xét nghiệm của bác sĩ, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu.

TP.HCM: Thêm 8 người mắc Zika, ngành Y tế khẩn trương ban hành quy trình khám chữa bệnh
 

Trong đó, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sẽ là đơn vị đầu mối và là đơn vị chủ lực thực hiện xét nghiệm chẩn đoán điều trị bệnh do virus Zika của thành phố theo tiêu chí của Bộ Y tế về chỉ định xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trả kết quả trong thời gian 24 giờ.

Việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh do virus Zika chỉ thực hiện khi có những triệu chứng nghi ngờ, không xét nghiệm theo yêu cầu

Đồng thời, tất cả hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn thành phố đều thực hiện lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán điều trị bệnh do virus Zika theo tiêu chí của Bộ Y tế, đặc biệt ưu tiên chủ yếu đối với những trường hợp phụ nữ mang thai và chuyển mẫu về bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thực hiện kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bệnh đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Kết quả xét nghiệm này cũng sẽ được chia sẻ với Viện Pasteur trong hoạt động tầm soát dịch bệnh trọng điểm.

Sau kết quả xét nghiệm, trường hợp thai phụ nhiễm Zika sẽ được chuyển sang 2 bệnh viện phụ sản là bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương để được trực tiếp theo dõi và điều trị trong suốt thời gian thai kì.

Thai phụ có nên giữ thai nhi khi nhiễm virus Zika?

Đối với nội dung Quy trình tiếp nhận, điều trị nhiễm virus Zika trên phụ nữ có thai tại TP.HCM, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng cũng lưu ý các đơn vị cần tập trung nội dung quy định rõ điều kiện tiếp nhận, theo dõi chăm sóc và phân tuyến điều trị phù hợp đối với trường hợp thai phụ nhiễm virus Zika.

Trường hợp thai phụ nhiễm Zika sẽ được chuyển sang 2 bệnh viện phụ sản là bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương để được trực tiếp theo dõi và điều trị

Trong quá trình tầm soát bệnh do virus Zika trên thai phụ, khi có chẩn đoán xác định thai nhi có tật đầu nhỏ sẽ chấm dứt thai kì theo hướng dẫn khuyến cáo của Bộ y tế.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, đối với trường hợp này cần cẩn trọng và phải có quy trình thẩm định chặt chẽ để ra quyết định chấm dứt thai kỳ nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ lẫn thai nhi.

Mẹ nhiễm Zika, bé có an toàn?

Các chuyên gia y tế cho biết, không phải trường hợp thai phụ bị nhiễm Zika nào thai nhi cũng bị dị tật đầu nhỏ. Tỉ lệ thai nhi bị tật đầu nhỏ do trong thai kỳ mẹ bị nhiễm virus Zika được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo chỉ khoảng 1-13% và cũng chưa có khẳng định chắc chắn dị tật đầu nhỏ là do virus Zika.

Từ khi dịch Zika được ghi nhận tại TP.HCM đến nay, TP.HCM mới chấm dứt thai kì cho một thai phụ. Đó là trường hợp của thai phụ (33 tuổi, ở P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM) được xác định bị nhiễm virus Zika hồi đầu tháng 4-2016 khi mang thai tám tuần.

Thai phụ này đã được bác sĩ chấm dứt thai kì sau khi đến theo dõi sức khỏe thai nhi tại bệnh viện và kết quả siêu âm thai tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ cho thấy thai nhi đã bị chết lưu (siêu âm không thấy tim thai) nên thai phụ được chỉ định chấm dứt thai kì.

Về việc thai chết lưu có liên quan đến người mẹ mang thai bị nhiễm virus Zika hay không, theo bác sĩ tại đây cho biết, không khẳng định được vì có rất nhiều nguyên nhân làm cho thai bị chết lưu.

TP.HCM: Ghi nhận thêm 3 ca mắc Zika, một thai phụ mắc Zika đã sinh con
 

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika tại TP, trong số những trường hợp có thai bị nhiễm virus Zika tại TP, có một trường hợp vừa sinh và không ghi nhận di chứng đầu nhỏ. Các trường hợp còn lại đang tiếp tục được theo dõi.

Đàn ông, phụ nữ sau khi nhiễm virus Zika thì bao lâu sau mới nên sinh con?

Theo các chuyên gia y tế, hầu hết bệnh nhân nhiễm virus Zika đều có nguyên nhân bắt đầu từ muỗi. Khi vào cơ thể người, virus Zika sẽ lưu trú trong máu, tinh dịch và đây là nguồn lây tiếp theo.

Khoảng 60-80% người nhiễm virus Zika không có biểu hiện bệnh. Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện bệnh sau khi bị nhiễm virus từ 3 ngày đến 14 ngày. Bệnh thường nhẹ, điều trị ngoại trú với các biểu hiện thường gặp như phát ban, sốt (thời gian sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày), viêm kết mạc, đau đầu, đau cơ, đau khớp. Tuy nhiên, người nhiễm virus Zika dù có hay không có triệu chứng đều nguy cơ lây nhiễm cho muỗi và cho người khác.

Cộng đồng cần vào cuộc diệt muỗi, loăng quăng nhằm cắt đứt đường lây truyền chủ yếu từ muỗi

Theo khuyến cáo của PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM, virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch lên đến 6 tháng, lâu hơn so với máu, nước tiểu của người bệnh. Do đó kể từ thời điểm có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm Zika sau ít nhất 2 tháng đối với phụ nữ, 6 tháng đối với nam giới và khi cơ thể hết virus, được tư vấn của cán bộ y tế mới nên quyết định việc mang thai.

Phụ nữ dự định mang thai trước 2 tháng không để muỗi chích, cũng như tình dục an toàn thì sẽ bảo vệ thế hệ sau trước dịch Zika nguy cơ lưu hành trên toàn cầu.

Ngày 18-11 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Mặc dù tổ chức Y tế Thế giới hiện đã hạ mức báo động dịch bệnh do virus Zika trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn những nguy cơ với phụ nữ mang thai. Do đó, cộng đồng cần vào cuộc diệt muỗi, loăng quăng nhằm cắt đứt đường lây truyền chủ yếu từ muỗi, giúp giảm số mắc Zika, cũng như sốt xuất huyết trong cộng đồng và làm giảm cơ hội lây virus Zika sang phụ nữ mang thai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang