(CAO) Chiều nay, 6-11, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 6-11, TP.HCM đã có 29 ca bệnh dương tính với vi rút Zika. Các ca bệnh xuất hiện tại 19 phường của 11 quận, huyện gồm: Quận 2 (3 ca), Quận 4 (2 ca); Quận 5 (2 ca), Quận 9 (4 ca); Quận 10 (1 ca); Quận 12 (4 ca); Bình Thạnh (4 ca); Tân Phú (3 ca); Bình Tân (2 ca); huyện Hóc Môn (3 ca); huyện Cần Giờ (1 ca).
Về kết quả xét nghiệm phát hiện bệnh do vi rút Zika, trong tuần vừa qua TP đã thực hiện xét nghiệm 47 mẫu và đã phát hiện 8 trường hợp dương tính với vi rút Zika (tỷ lệ số ca dương tính là 17% so với số mẫu xét nghiệm). Con số này của tuần kế trước là 16 ca dương tính/60 mẫu xét nghiệm (tỷ lệ 27%). Hiện còn 68 mẫu đang chờ kết quả.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, tới thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu phát hiện thêm các ca bệnh mới.
(CAO) Tại Việt Nam, Zika đã trở thành bệnh lưu hành, tính đến ngày 5-11-2016, đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika, trong đó tại TP.HCM đã ghi nhận 29 ca.
GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, công tác phòng chống dịch thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Quan trọng nhất hiện nay để kiểm soát sốt xuất huyết và Zika là diệt lăng quăng, diệt muỗi cho tận gốc và môi trường được tổng vệ sinh thường xuyên, liên tục hằng tuần.
Tuy vậy, qua giám sát cộng đồng vẫn còn nhiều hộ gia đình thực sự còn thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác dọn dẹp, vệ sinh và diệt muỗi, diệt lăng quăng. Thêm vào đó, cảnh quan môi trường với nhiều khu quy hoạch, công trình đang xây dựng dở dang là điều kiện làm phát sinh muỗi, lăng quăng.
Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, PGS TS Phan Trọng Lân cũng cho rằng, TP đang trong tầm kiểm soát được các trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, TS Phan Trọng Lân cũng lưu ý, TP đang trong quá trình đô thị hóa và có mật độ dân số cao nên công tác phòng chống dịch sẽ gặp những khó khăn.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, nguồn lây bệnh do vi rút Zika rất khó kiểm soát. Một trong những biện pháp căn cơ lâu dài trong công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika là diệt lăng quăng và muỗi.
Cộng đồng vẫn còn nhiều hộ gia đình thực sự còn thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác dọn dẹp, vệ sinh và diệt muỗi, diệt lăng quăng. Ảnh: NĐ
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, biến chứng do vi rút Zika gây ra cho trẻ sẽ theo suốt cả cuộc đời của trẻ nhỏ, không hồi phục được nên hậu quả tác động về mặt xã hội rất lớn, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi giá phải kiểm soát tình hình, không để dịch bùng phát.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để phòng chống dịch bệnh do virus Zika, TP.HCM đã ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoan vùng, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời thực hiện truyền thông tại nhà tới các hộ dân. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, khi có ca bệnh nghi ngờ, không chờ kết quả xét nghiệm, ngành y tế sẽ phun hóa chất, làm sạch mỗi trưởng; với những nơi xuất hiện ca bệnh thực hiện phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng toàn phường từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
Ngành y tế TP vừa đồng loạt tổ chức diệt lăng quăng tại 11 quận, huyện có ca bệnh do virus Zika; đồng thời triển khai phun hóa chất trên diện rộng trong tháng 11 và tháng 12 trên toàn TP nhằm khống chế bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika. Cùng với đó, Sở Y tế TP đã phối hợp Sở Tài nguyên – Môi trường, Thành đoàn TP.HCM triển khai chiến dịch về sinh môi trường toàn thành vào các ngày nghỉ cuối tuần.
Để làm tốt công tác phòng chống bệnh do virus, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, UBND TP chỉ đạo các quận, huyện kết hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp hàng tuần phát động toàn dân tham gia diệt mỗi, lăng quăng vào các ngày cuối tuần; đồng thời xem xét bổ sung kinh phí một cách hợp lý, minh bạch cho công tác phòng chống dịch. Cùng với đó, cần thực hiện phát tờ rơi về cách phòng, chống dịch bệnh đến từng hộ gia đình; thực hiện truyền thông hiệu quả, để người dân không hoang mang và biết cách phòng, xử lý bệnh hiệu quả.