Lại có thêm ca mắc Zika, TP.HCM họp khẩn cấp triển khai chống dịch

Thứ Năm, 03/11/2016 19:28  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trước sự gia tăng dồn dập số ca mắc bệnh do vi rút Zika trên địa bàn TP, chiều 3-11, UBND TP.HCM do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu chủ trì, đã triệu tập đột xuất khẩn cấp các sở, ban ngành để triển khai giải pháp phòng chống dịch.

Gần 80% ca mắc vừa qua không có biểu hiện lâm sàng

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn TP đã ghi nhận 21 ca mắc bệnh do vi rút Zika. Các ca bệnh nằm rải rác ở 11/24 quận huyện, và đang có nguy cơ lây lan nhanh.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Trước tình hình dịch bệnh, TP.HCM đã triển khai 30 điểm xét nghiệm nhằm tầm soát dịch bệnh. Việc tầm soát vi rút Zika sẽ tiếp tục được thực hiện đến cuối năm.

TP.HCM là một trong những tỉnh thành đầu tiên tổ chức tầm soát vi rút Zika. Cụ thể, đã thực hiện xét nghiệm 912 trường hợp, phát hiện 21 trường hợp, còn gần 56 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân được tư vấn trực tiếp. Đối với phụ nữ mang thai sẽ được giám sát chặt chẽ đến khi sinh.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Vại Việt Nam, hiện đã có 7 tỉnh thành phát hiện vi rút Zika với 28 trường hợp, trong đó TP.HCM có 21 trường hợp.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng cho biết, vi rút Zika lây truyền do muỗi, qua đường máu và từ mẹ sang con. Biểu hiện bệnh: phát ban trên da và một số triệu chứng khác như: sốt nhẹ, mắt đỏ, đau khớp, phù khớp… kéo dài 5 ngày và thường tự khỏi.

Zika không phải loại vi rút mới, đã được phát hiện từ năm 1947. Thường xuất hiện tại khu vực các nước nhiệt đới. Những năm gần đây, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng bộc phát tại các quốc gia châu Mỹ và Châu Á, nhất là từ 2014-2016. Đáng ngại là vi rút Zika là nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Theo PGS TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện trưởng Paster TP.HCM, trong tổng số ca Zika trong thời gian qua, 14 trường hợp là phụ nữ mang thai. Gần 80% ca mắc vừa qua không có biểu hiện lâm sàng nên kiểm soát nguồn nhiễm bệnh là rất khó.

PGS TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện trưởng Paster TP.HCM

Cũng theo TS Lân, TP.HCM có nguy cơ ca phát sinh dịch bệnh do dân số đông, khách vãng lai nhiều. Mặc khác, TP.HCM có mật độ muỗi cao, đang trong cao điểm của bệnh sốt xuất huyết.

Tính đến nay, TP.HCM đã có 15.274 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 13% so với năm 2015, với khoảng 500 ca/tuần. Hiện, mỗi tuần TP.HCM xử lý 50 ổ dịch có liên quan đến lăng quăng và muỗi. Do đó phải kiểm soát tốt các ổ muỗi, diệt lăng quăng, kéo giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thành lập ban chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết và Zika

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, ngành y tế hiện nay phải đối mặt với hai loại bệnh phải kiểm soát và ngăn chặn lồng ghép là Zika và sốt xuất huyết. Nguồn lây chủ yếu vẫn là do muỗi đốt. Do đó, biện pháp phòng ngừa vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường sống.

TP.HCM họp khẩn cấp triển khai giải pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, vi rút Zika đang có dấu hiệu lan rộng toàn thành phố. Do đó, công tác phòng chống dịch cần phải triệt để và hiệu quả hơn nữa ở các xã, phường.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho rằng qua kiểm tra vẫn còn nhiều quận, huyện lơ là trong công tác vệ sinh môi trường trong khi dịch bệnh đang tăng. Hiện nay, còn 3 quận, huyện chưa thực hiện vệ sinh môi trường tốt, vẫn còn nhiều rác, muỗi và lăng quăng là huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh, dẫn đến tỷ lệ người dân bị nhiễm tăng cao nhất trong thời gian gần đây.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP

Bà Thu yêu cầu ngành y tế và các sở ngành liên quan tổ chức phun xịt muỗi, phát động người dân dọn dẹp môi trường. Bên cạnh đó, cần nắm danh sách các thai phụ trên địa bàn để theo dõi, tư vấn, tuyên truyền, đối với trường hợp mắc bệnh thì phải theo dõi sát, tư vấn để họ yên tâm điều trị.

Bà Thu cũng đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường cùng các cơ quan, đoàn thể. Tránh đưa tin hoang mang, tạo dư luận không tốt.

Đồng thời, Thành phố quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết và Zika do UBND, Sở Y tế và đơn vị liên quan phụ trách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang