Bác sĩ kể giây phút nghẹt thở cứu bé trai bị cọc sắt đâm xuyên ngực, thủng tim

Chủ Nhật, 30/10/2016 00:26  | Ngô Đồng

|

(CAO) "Vừa mổ ra thì thấy máu trong lồng ngực ào ra, tôi dùng ngón tay đút vào lỗ thủng thì thấy máu ngưng chảy...", bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM kể lại.

Các bác sĩ hai bệnh viện Thống Nhất và Nhi Đồng 1 TP.HCM chỉ có đúng đúng 1 phút hội chẩn và phải thực hiện mổ tim không cần siêu âm. Ê kip trãi qua 4 giờ mổ nghẹt thở, phải "đấu trí với tử thần" để giành lại mạng sống cho bé

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, hiện sức khỏe bé trai, người ngã từ tầng 3 và bị thanh sắt hàng rào đâm thủng tim, phổi đã tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định. Bệnh nhi hiện vẫn phải thở máy nhưng cơ bản đã tỉnh táo, qua cơn nguy kịch.

Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất, khoảng 20 giờ, ngày 26-10, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi H.V.N.M (5 tuổi) trong tình trạng bất tỉnh, mạch khó bắt, vật vã, máu chảy nhiều. Bé bị một vết thương trước ngực trái, sau lưng có hai vết thương. Gia đình bệnh nhi cho biết bé té từ tầng 3 xuống và bị hai thanh sắt hàng rào xuyên từ sau ra trước ngực, phải gỡ ra mới đưa được bé đi cấp cứu.

Rơi từ lầu 3, bé trai 5 tuổi bị hàng rào sắt đâm thấu ngực
 

60 giây hội chẩn

Thuật lại ca mổ thần tốc ngoài dự kiến trong đêm, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, khoảng hơn 20 giờ ngày 26-10, ông đang chuẩn bị đi công việc riêng thì nhận được điện thoại từ giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất ở khu vực quận Tân Bình gọi thông báo có ca bệnh nguy kịch cần hỗ trợ theo quy trình “Báo động đỏ liên viện”.

"May mắn là nhà tôi gần bệnh viện và sẵn có taxi đang chờ. Ngay lập tức, tôi lên taxi và đến bệnh viện Thống Nhất khoảng 10 phút sau cuộc gọi. Đến nơi tôi thấy thằng bé đã xanh như tàu lá. Vết thương trên ngực đã được đồng nghiệp ở Bệnh viện Thống Nhất khâu tạm nhưng trông sắc diện bệnh nhi, tôi biết chắc bên trong đang chảy máu nghiêm trọng nên đề nghị mổ ngay mà không cần phải chẩn đoán thêm", bác sĩ Hiếu kể.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM thuật lại câu chuyện

Với kinh nghiệm về nhi, trước tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Hiếu xác định khả năng bé bị thủng tim. Theo đánh giá của bác sĩ Hiếu, phải vừa hồi sức, vừa mổ ngay mới có cơ may cứu sống em bé được mà không cần phải làm siêu âm tim vì không thể tốn thêm thời gian.

Các bác sĩ đã thảo luận chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút ngay trên bàn mổ và thống nhất ý kiến. Lệnh báo động đỏ được phát đi, toàn bộ êkíp trực và các bác sĩ giỏi nhất và cả Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đều có mặt để cùng bác sĩ Hiếu tiến hành mổ. Tổng cộng, có khoảng 20 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên phẫu thuật tim, phổi có mặt tại phòng mổ để tiến hành ca cấp cứu.

Bác sĩ Hiếu cho biết: “Vừa mổ ra thì thấy máu trong lồng ngực ào ra. Nhận thấy ở màng tim có một vết rách khoảng chừng 3cm. Máu thoát ra từ vết rách đó. Tôi nhận định đây là một trường hợp đâm trúng tim rồi. Lúc đó, máu vọt ra rất là nhiều. Chúng tôi đưa một ngón tay vô chặn nó lại. May mắn là ngón tay tôi đưa vô trúng chỗ lỗ thủng của tim nên giảm được một lượng máu chảy ra đáng kể”.

"Khi mở lồng ngực của bé, chúng tôi mới thấy sự quyết đoán của bác sĩ Hiếu là vô cùng chính xác. Tim bệnh nhi thủng một lỗ khoảng 3cm. Máu từ vết thương chảy ra liên tục", một bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất nói.

"Việc khâu bít lập tức được tiến hành, tuy nhiên khâu xong vết thương ở tim và kiểm tra đến phổi thì chúng tôi tiếp tục phát hiện 2 vết thủng nữa. Phải mất hơn một giờ căng thẳng, các vết thương mới được khâu kín thành công", bác sĩ Hiếu thuật lại.

Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thám sát phần phổi. “Phổi bệnh nhân có hai vết rách nữa ở vùng thùy dưới phổi bên phải, mỗi vết rách khoảng chừng 3cm”, bác sĩ Hiếu nói.

Do bệnh nhi bị mất máu quá nhiều, bệnh nhi còn bị 2, 3 vết thương ở thành ngực, đội ngũ y tế phải khâu các vết thương hở, hồi sức tích cực, liên tục tiếp tổng cộng 5 đơn vị máu cho bé. Có thời điểm, tim bệnh nhi đã ngưng đập nhưng nhờ bóp bóng kịp thời nên hoạt động trở lại.

Ca mổ kết thúc hơn nữa đêm. Khi tình trạng bệnh nhi vừa ổn định, huyết áp trở lại, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển sang BV Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị.

"Không còn chảy máu tim phổi nhưng tình trạng sức khỏe của bé tiếp tục xấu, qua chẩn đoán hình ảnh, chúng tôi phát hiện một khối máu lớn nằm trong ngực nên một lần nữa mở lồng ngực để tìm nguyên nhân. Thủ phạm được xác định một vết thương khác nằm ở phần xương sườn", bác sĩ Hiếu nói.

Giành giật mạng sống của bé với tử thần

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé đang chơi ở lầu 3 (khoảng hơn 10m) thì rơi ra khỏi lan can.

"Nghe tiếng động, chúng tôi chạy ra xem thì thấy bé nằm ngửa, lưng bị hai thanh sắt ngọn của bờ rào đâm thấu. Quá hoảng sợ, chúng tôi tháo bé ra khỏi hai thanh sắt và đưa ngay lên xe cứu thương", phụ huynh cho biết.

Ngay từ ban đầu, không thể chuyển bệnh nhi từ Bệnh viện Thống Nhất qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì tình trạng bé rất yếu, sốc, máu chảy ồ ạt, mất máu nhiều. Nếu chuyển liền thì bé sẽ không chịu nổi, tử vong.

Một cuộc đấu trí quá kỳ diệu, căng thẳng và cũng cực kỳ nhanh gọn của các bác sĩ, nhiều lúc tưởng chừng như nghẹt thở với mong muốn duy nhất cứu bé thoát khỏi nguy hiểm. Và bây giờ, các bác sĩ đã có thể tạm an lòng để tiếp tục giúp bé hồi phục.

Hiện sức khỏe bé đã tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định

Ngoài các vết thủng, các bác sĩ có xác định bé bị gãy xương sườn và một đốt sống lưng. Tổn thương này khiến hai chân bé bị yếu, nhưng khả năng hồi phục vận động tương đối cao.

Hiện BV Nhi Đồng 1 sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhi, trước khi thực hiện các bước điều trị tiếp theo.

Khá khiêm tốn khi nói về quyết định quan trọng, góp phần giữ tính mạng bệnh nhi, BS Hiếu cho biết đó là thành công của quy trình báo động đỏ. “Sự quyết đoán của GS Công trong quyết định không chuyển viện mà đưa vào phòng mổ ngay đã cứu mạng bệnh nhi”, BS Hiếu  cho biết.

Tiên lượng sức khỏe của bệnh nhân còn chưa rõ ràng, tuy nhiên theo bác sĩ Hiếu, đây là trường hợp bị thủng tim thủng phổi được phẫu thuật thành công do rất nhiều yếu tố và có cả may mắn.

"Với các vết thương thủng tim do dị vật đâm, nếu rút dị vật ra khỏi cơ thể, nạn nhân có thể chết do mất máu. Trường hợp này, bé thoát chết do nhà ở gần bệnh viện, ngoài ra khi đến bệnh viện thì được truyền máu và mổ kịp thời", bác sĩ Hiếu lý giải.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyên phụ huynh có con nhỏ phải hết sức cẩn trọng, không cho bé đùa nghịch ở những vị trí có thể gây té ngã dẫn đến tổn thương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang