(CAO) Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa công bố thêm 3 ca nhiễm vi rút Zika, nâng con số lên 20 ca trên toàn TP tính đến ngày 2-11-2016. Ngành Y tế cảnh báo, vi rút Zika có dấu hiệu lưu hành và bệnh có nguy cơ lan rộng trên toàn TP.
Theo đó, tính đến ngày 2-11, đã có 11/24 quận/huyện ghi nhận có ca bệnh do vi rút Zika, bao gồm: quận 2 (2 ca), quận 4 (2 ca), quận 5 (1 ca), quận 9 (3 ca), quận 10 (1 ca), quận 12 (3 ca), quận Bình Thạnh (3 ca), Hóc Môn (1 ca), Cần Giờ (1 ca), Tân Phú (2 ca) và Bình Tân (1 ca).
Trước đó, trong cuộc họp với Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ trình 9 trường hợp đã điều tra xác minh để công bố dịch ở cấp phường xã. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục công bố sau khi điều tra xác minh ổ dịch theo quy định.
Qua việc phát hiện thêm những ca mắc mới vi rút Zika trong tuần qua rải rác ở các quận/huyện trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM nhận định: Bệnh do vi rút Zika hiện đang lưu hành và sẽ phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc mới trong thời gian tới tại TP.HCM.
(CAO) Như vậy, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP.HCM.
Do TP.HCM có mật độ dân số đông và đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết (mỗi tuần có hơn 500 ca nhập viện vì sốt xuất huyết, tính đến ngày 20-10, có hơn 14.600 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 16% so với cùng kì năm 2015) nên nếu vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao sẽ dễ xảy ra dịch bệnh.
Theo ghi nhận, tại các khu nhà trọ, khu công trình xây dựng là những nơi tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Nhiều khu trọ còn chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng,... Các công trình xây dựng chung quanh nhiều nước bẩn, rác thải bừa bãi,... TP.HCM cũng đang trong mùa mưa kết hợp triều cường cũng khiến nhiều khu vực ngập, nước tù đọng,... tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, đều này dễ phát sinh mầm bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết và Zika vì vi rút Zika cũng có cùng một phương thức truyền bệnh chính là qua muỗi vằn.
Nhiều khu nhà dân, nhà trọ còn ẩm thấp, thiếu ánh sáng, kênh rạch chưa thông thoáng là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: NĐ
Trước tình hình trên, GS TS BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế sẽ triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Song song với việc tổng vệ sinh môi trường tại các quận huyện; ngành y tế sẽ tiến hành phun hóa chất diện rộng tại các phường xã có phát hiện vi rút Zika và những khu vực có nguy cơ cao đối với sốt xuất huyết và Zika.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại 24 quận/huyện.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn sự lây lan của vi rút Zika, TP cũng sẽ chủ động tiến hành các biện pháp xử lý dịch ngay khi có trường hợp nghi ngờ, không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm; tiến hành đồng bộ các biện pháp vệ sinh môi trường, phun hóa chất chủ động, vận động nhân dân tham gia với ngành y tế bằng cách: Mỗi người, mỗi nhà tự thực hiện việc diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt để tự phòng bệnh cho mình và cho cộng đồng.
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng vi rút Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt).
Nhiễm vi rút Zika tạo ra triệu chứng nhỏ và di chứng của nó rất khó lường. Ngoài sự nguy hiểm cho phụ nữ có thai, gây ra dị tật đầu nhỏ, những nghiên cứu mới đây cho thấy có sự liên quan giữa vi rút Zika với hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng mà hệ thống miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh sau khi nhiễm vi rút, gây nên tình trạng yếu cơ và liệt.