Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 433.441 tỷ đồng:

Kỳ 5: Những trường hợp không xem xét trách nhiệm hình sự

Thứ Sáu, 24/11/2023 08:50

|

(CATP) 5 bị can Nguyễn Văn Dũng (nguyên Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM), Võ Văn Thuấn (nguyên Phó Chánh thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TPHCM), Phan Tấn Trung (nguyên Phó Chánh thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TPHCM), Nguyễn Tín (Tổ trưởng Tổ giám sát) và Nguyễn Thị Phi Loan (nguyên Phó Chánh thanh tra phụ trách thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TPHCM) cùng bị cáo buộc về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục người được xem là "bàn tay sạch", trong vai trò, nhiệm vụ mình đảm đương.

Báo cáo không trung thực

Với vai trò là Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, phụ trách công tác thanh tra, giám sát (giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 01/2015 và từ tháng 7/2019 đến nay) và Cục trưởng Cục II, Cơ quan thanh tra giám sát (giai đoạn từ tháng 01/2015 đến 7/2019), Nguyễn Văn Dũng sau khi kiểm tra đã có hành vi báo cáo không trung thực thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của Ngân hàng SCB với NHNN và Cơ quan thanh tra giám sát. Dũng cũng báo cáo không trung thực kết quả giám sát SCB với cơ quan có thẩm quyền; không kiến nghị thanh tra để xử lý đối với các dấu hiệu sai phạm được phát hiện qua công tác giám sát theo nội dung chỉ đạo và không thực hiện thanh tra theo yêu cầu tại 17 văn bản của NHNN dẫn đến không kịp thời phát hiện, xử lý đối với sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.

Dũng vụ lợi nhận 400 triệu đồng và 15.000 USD (tương đương hơn 333 triệu đồng). Tương tự, bị can Võ Văn Thuần với vai trò Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM, nguyên Phó Cục trưởng Cục II, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cũng có hành vi báo cáo không đầy đủ các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB được phát hiện thông qua cuộc kiểm tra tại chỗ. Thuần chỉnh sửa nội dung công văn, chỉnh sửa báo cáo giám sát theo hướng có lợi cho Ngân hàng SCB, cố ý trì hoãn việc đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát toàn diện, không chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra theo đề xuất của Tổ giám sát dẫn đến không phát hiện được các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB để có biện pháp xử lý kịp thời. Thuần nhận 1,8 tỷ đồng của SCB.

Về vai trò là Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM, Phan Tấn Trung đã có các hành vi chỉnh sửa báo cáo giám sát lên Cơ quan thanh tra giám sát theo hướng có lợi cho Ngân hàng SCB. Trung không kiến nghị Cơ quan thanh tra giám sát về việc thanh tra pháp nhân Ngân hàng SCB theo đề xuất của Tổ Giám sát dẫn đến không phát hiện được các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB để có biện pháp xử lý kịp thời. Báo cáo không trung thực kết quả giám sát SCB với NHNN và Cơ quan thanh tra giám sát, không kiến nghị thanh tra để xử lý đối với các dấu hiệu sai phạm được phát hiện qua công tác giám sát theo nội dung chỉ đạo của Cơ quan thanh tra giám sát. Trung cũng không thực hiện thanh tra theo yêu cầu tại 17 văn bản của NHNN dẫn đến không kịp thời phát hiện, xử lý đối với sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB và đã nhận 1,1 tỷ đồng.

Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Bị can Nguyễn Tín, nguyên Phó Trưởng phòng Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục II - Tổ trưởng Tổ giám sát giai đoạn 2016 - 2019. Với vai trò Tổ giám sát và Tổ trưởng Tổ kiểm tra Ngân hàng SCB, lại báo cáo không trung thực thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của Ngân hàng SCB với NHNN và Cơ quan thanh tra giám sát NHNN. Tín cũng báo cáo không đầy đủ các sai phạm xảy ra tại SCB thông qua kiểm tra, nhận 500 triệu đồng của SCB. Bị can Nguyễn Thị Phi Loan, nguyên Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM cũng báo cáo không trung thực, không thực hiện theo yêu cầu tại 17 văn bản của NHNN dẫn đến không kịp thời phát hiện, xử lý đối với sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB và nhận 470 triệu đồng.

Không bị đồng tiền "cám dỗ"

Tại Bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Liên quan vụ án, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 86 bị can với 6 tội danh "Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong Bản kết luận điều tra vụ án, cho thấy rất nhiều bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ có chức vụ quyền hạn, vai trò được giao đã nhận tiền với con số cực lớn (lên đến hàng triệu USD); vẫn còn hàng chục người được xem là "bàn tay sạch", trong vai trò, nhiệm vụ mình đảm đương. Đó là 11 thành viên Tổ giám sát giai đoạn 2016 - 2022.

Theo kết quả điều tra xác định, quá trình thực hiện công tác giám sát Ngân hàng SCB từ năm 2016 đến tháng 9/2022, 11 thành viên Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên (cụ thể là bị can Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung và Nguyễn Tín như nêu ở trên) chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau. Trong thời gian tham gia công tác giám sát, có 10/11 thành viên Tổ giám sát được Ngân hàng SCB đưa quà vào các dịp lễ Tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện nộp vào Tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT. Quá trình điều tra, các thành viên Tổ giám sát đã chủ động khai báo làm rõ sai phạm trong công tác giám sát đối với Ngân hàng SCB, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm.

Ngân hàng SCB

Bên cạnh đó, còn có 17 cá nhân là thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 01/2016 và 4 cá nhân liên quan đến Đoàn thanh tra theo Quyết định số 81 ngày 08/6/2020 và số 72 ngày 03/3/2022 của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TPHCM. Các thành viên này thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, kết quả thanh tra năm 2020 và 2022 đã chỉ rõ các sai phạm tại SCB và chuyển nội dung sai phạm cho Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định. Các cá nhân không nhận tiền, quà của Ngân hàng SCB. Do đó, không xem xét trách nhiệm hình sự với 21 cá nhân này.

Đối với ông Tô Duy Lâm, làm Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM từ tháng 6/2012 đến tháng 3/2021. Ngày 31/12/2020, ông Lâm có đơn xin thôi giữ chức vụ và thôi việc; được giải quyết nghỉ hưu từ ngày 15/3/2021. Trong đó, theo Kết luận thanh tra ngày 11/11/2020 (thời gian này ông Lâm đang giữ chức vụ Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM) cũng đã chỉ ra được các sai phạm nghiêm trọng, điển hình của Ngân hàng SCB trong việc cho vay đối với 27 khoản vay của 17 khách hàng, tổng dư nợ tại thời điểm 31/10/2020 là 14.654 tỷ đồng và ngày 19/5/2021 NHNN Chi nhánh TPHCM có văn bản chuyển nội dung sai phạm của Ngân hàng SCB theo Kết luận thanh tra số 17 đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Quá trình chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, giám sát đối với Ngân hàng SCB, ông Tô Duy Lâm không nhận lợi ích vật chất (tiền, quà) từ Ngân hàng SCB. Ông Lâm không can thiệp, tham gia chỉnh sửa, phê duyệt nội dung báo cáo của Tổ giám sát liên quan đến hành vi sai phạm, nên chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Tô Duy Lâm. Tuy nhiên, với trách nhiệm người đứng đầu NHNN Chi nhánh TPHCM, là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý với SCB, ông Tô Duy Lâm có trách nhiệm trong công tác quản lý đối với việc để xảy ra các hành vi sai phạm của cấp dưới; cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

(Còn tiếp...)

Chiều 22/11/2023, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào sáng cùng ngày. Với vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 ban hành cáo trạng truy tố vụ án Vạn Thịnh Phát.
Kỳ 4: Nhiều cựu Thanh tra Chính phủ bao che sai phạm để nhận tiền, quà
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang