Ông chủ Dược Sơn Lâm hàng chục lần nhờ người thân chuyển tiền hối lộ viện trưởng

Thứ Ba, 20/05/2025 11:56

|

(CATP) Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố ông Phạm Văn Cách - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần dược Sơn Lâm (Công ty Sơn Lâm) - về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ". Trong 22 người còn lại của vụ án có 18 lãnh đạo, cán bộ của 13 bệnh viện y dược cổ truyền, trung tâm y tế bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Trong số các đơn vị được bị can Phạm Văn Cách đưa hối lộ, tại Hưng Yên có tới 5 trung tâm y tế, bệnh viện.

Theo cáo trạng, từ năm 2014 - 2019, Công ty Sơn Lâm thực hiện 6 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên, tổng giá trị hơn 21,4 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ năm 2018 - 2019, bà Quách Thị Lịch - cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán - yêu cầu ông Cách đưa chi phí hoa hồng với mức 10 - 15%/hóa đơn mua bán (chưa tính VAT), và chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Lịch. Thời điểm đưa tiền là sau các đợt Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên thanh toán tiền mua thuốc cho Công ty Sơn Lâm. Để không bị gây khó khăn, ông Cách đã chỉ đạo con dâu 4 lần chuyển hơn 507 triệu đồng vào tài khoản bà Lịch.

Tại Trung tâm y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, từ năm 2017 - 2021, Công ty Sơn Lâm đã ký kết, thực hiện 4 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giá trị hơn 4,2 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Ngát - Giám đốc Trung tâm đã yêu cầu ông Cách phải đưa chi phí hoa hồng 12%/hóa đơn mua bán (chưa tính VAT) và tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng của Nguyễn Thị Thúy Bình - Trưởng phòng Tài chính kế toán. Sau đó, ông Cách cũng chỉ đạo con dâu 9 lần chuyển hơn 476 triệu đồng hối lộ.

Cựu Chủ tịch Sơn Lâm Phạm Văn Cách

Cũng trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021, Công ty Sơn Lâm thực hiện 5 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Trung tâm Y tế huyện Kim Động, giá trị hơn 2,8 tỷ đồng. Cơ quan Công an cáo buộc, ông Vũ Đức Thắng - Trưởng Khoa dược của trung tâm yêu cầu bị can Cách phải đưa chi phí hoa hồng là 12%/hóa đơn mua bán (chưa tính VAT) và chuyển vào tài khoản của vợ ông này. Cũng như hai lần trước, ông Cách chỉ đạo con dâu 6 lần chuyển vào tài khoản của vợ ông Thắng, số tiền là hơn 287 triệu đồng.

Hai đơn vị khác là Bệnh viện Đa khoa Phố Nối và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cũng được nêu trong kết luận điều tra liên quan đến Công ty Sơn Lâm. Kết luận chỉ ra, từ năm 2015 - 2017, Công ty Sơn Lâm thực hiện 3 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền cho Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, tổng giá trị hơn 4,3 tỷ đồng. Còn ở Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, số tiền của 2 hợp đồng mà Công ty Sơn Lâm thực hiện là hơn 1,1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Thanh - cán bộ Khoa dược của Bệnh viện Đa khoa Phố Nối đã yêu cầu bị can Cách đưa chi phí hoa hồng 10 - 12%/hóa đơn mua bán. Ông Cách đã chỉ đạo con dâu 8 lần chuyển tiền vào tài khoản để hối lộ, tổng cộng hơn 626 triệu đồng.

Để quá trình cung cấp thuốc được thuận lợi, ông Phạm Văn Cách đã phải chi tiền cho một số cá nhân có thẩm quyền thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế trước, trong hoặc sau khi thực hiện hợp đồng.

Tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, trong khoảng năm 2017 - 2023, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu 10 hợp đồng cung cấp dược liệu trị giá hơn 230 tỷ đồng. Viện trưởng Huỳnh Nguyễn Lộc có vai trò quyết định trong việc lựa chọn nhà thầu, thực hiện mua bán. Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Lộc đã yêu cầu ông Cách chi hoa hồng từ 20 - 25% trên một hóa đơn mua bán, chưa tính VAT. Tiền đưa trực tiếp cho ông Lộc hoặc thông qua nhân viên Phạm Văn Chuân. Thời điểm đưa hối lộ thường sau mỗi đợt viện thanh toán tiền mua dược liệu cho Công ty Sơn Lâm hoặc khi ông Lộc cần tiền gấp. Để không bị viện trưởng gây khó khăn, ông Cách đồng ý. Tổng số tiền ông Lộc đã nhận là 47,1 tỷ đồng. Trong đó, ông Lộc một lần trực tiếp nhận 500 triệu đồng, 34 lần chỉ đạo Chuân nhận 26,8 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng, 12 lần giao Chuân 4,7 tỷ đồng tiền mặt.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, ông Cách chi tiền hoa hồng cho hai lãnh đạo bệnh viện, tổng hơn 1,2 tỷ đồng. Ông Cách còn chi 940 triệu đồng cho Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, ông Cách chỉ đạo con dâu 24 lần chuyển khoản cho Trương Thị Thu Hương, Giám đốc bệnh viện, tổng 10 tỷ đồng. Số tiền này tương ứng với 10 - 30% giá trị hợp đồng do bà Hương đưa ra.

Một số bị can trong vụ án

Với Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh, từ năm 2017 - 2020, Công ty Sơn Lâm ký 6 hợp đồng cung cấp dược liệu, vị thuốc cổ truyền, trị giá 16,8 tỷ đồng. Khi thực hiện, bà Đinh Thị Mộng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện, yêu cầu Sơn Lâm chi 20% hoa hồng cá nhân và chi 17% cho Trưởng phòng Tài chính kế toán Nguyễn Thị Hiệu. Ông Cao Hữu Hạng, Phó Giám đốc bệnh viện, cũng đề nghị doanh nghiệp chi 1 - 3%. Nhằm không bị gây khó khăn, Công ty Sơn Lâm đã đồng ý chi tiền cho ba người này. Trong đó, bị can Thanh cầm 15 lần với tổng 2,3 tỷ đồng; Hiệu nhận 16 lần với tổng 2,6 tỷ đồng; Hạng nhận 9 lần với 188 triệu đồng.

Theo kết luận điều tra, bà Thanh chuyển lại 868 triệu đồng nhờ bị can Lê Văn Tình, Phó Giám đốc Công ty Sơn Lâm, đưa chi phí hoa hồng cho Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, tuy nhiên người này không đưa mà chiếm hưởng.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Bình Định và Bệnh viện Y dược cổ truyền phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum, Công ty Sơn Lâm đã chuyển cho ba lãnh đạo, cán bộ bệnh viện, tổng 434 triệu đồng.

Ở Đà Nẵng, bị can Tình thống nhất chuyển cho ông Tống Viết Phải, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược thiết bị y tế Đà Nẵng, 22% giá trị hợp đồng để đi chi phí hoa hồng cho lãnh đạo Sở Y tế và 12 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Công ty Sơn Lâm đã chuyển 27 lần, tổng 7,8 tỷ đồng cho Phải. Sau khi nhận tiền, ông Phải chỉ đạo cấp dưới dùng 4,2 tỷ đồng làm phong bì đưa chi phí cho giám đốc, trưởng khoa dược, y học cổ truyền thuộc 12 bệnh viện, trung tâm y tế ở thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các cá nhân của 12 đơn vị trên không thừa nhận đã nhận tiền.

Kiến nghị rà soát các quy định đấu thầu dược liệu

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng, đây là vụ án tham nhũng trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Quá trình điều tra còn làm rõ một số cá nhân có thẩm quyền thuộc nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng mua sắm vị thuốc cổ truyền, dược liệu phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi, nhận tiền của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, y học dân tộc và bảo hiểm xã hội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có văn bản kiến nghị Bộ Y tế rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu vị thuốc cổ truyền, dược liệu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đấu thầu đúng quy định, đảm bảo công bằng, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng nâng giá thuốc, trục lợi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với các cơ sở y tế về công tác kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang