(CAO) Chiều qua (ngày 8-12), Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, do liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.
Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank).
Ông Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của PVN
Cụ thể, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank.
Từ ngày 24 đến 26/4/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
Ông Đinh La Thăng
Trong một số nội dung kết luận, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan tới vụ “mất trắng” 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Kết luận nêu rõ như sau: Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.
Trong đó, ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
"Ông Thăng cũng phải chịu trách nhiệm vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên", kết luận Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Cũng theo kết luận, ông Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.
Trước đó, tại phiên xét xử đầu tháng 3/2017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bất ngờ trả hồ sơ vụ đại án Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank và các đồng phạm để điều tra bổ sung. Một trong những lý do được nêu ra trong quyết định trả hồ sơ là liên quan đến số tiền 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thất thoát ở OceanBank. Liên quan đến số tiền nói trên, toà cho rằng cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm
Đến ngày 29/9/2017, kết thúc phiên toàn xét xử đại án Oceanbank, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án 51 bị cáo trong phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm về các tội: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị phạt tử hình về 3 tội; Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) tù chung thân về cả 4 tội danh; Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) 22 năm tù; Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) 22 năm tù. Tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã khai và các luật sư đã xuất trình các tài liệu về việc Sơn không có thẩm quyền chỉ đạo các công ty con của PVN gửi tiền vào OceanBank mà đây là chủ trương và chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn. Do đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người có liên quan đến việc chỉ đạo các công ty thành viên của PVN gửi tiền tại OceanBank, nếu có vi phạm thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật...
PVN đã mất trắng 800 tỷ tại OceanBank như thế nào?
Theo cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, cuối năm 2008, PVN đã ký thoả thuận với Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của ngân hàng này.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – khi đó là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm viên HĐQT kiêm chức vụ Tổng giám đốc của OceanBank từ ngày 1/12/2008 đến 27/12/2010, làm Uỷ viên HĐQT ngân hàng từ ngày 28/4/2009 đến 18/4/2011 và đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng từ 6/12/2010 đến 10/5/2011.
Đến thời điểm ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là PVN chiếm 20%, Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) chiếm 20%, Công ty TNHH VNT chiếm 20% và công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.
Quá trình chỉ đạo, điều hành có nhiều vi phạm, dẫn đến nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là 14.923.135 triệu đồng chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng Đại Dương, lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188.794 triệu đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu.
Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Đại Dương với giá 0 đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.