Theo luật mới, nhiều doanh nhân tên tuổi ngành ngân hàng sẽ không được làm chủ tịch nhà băng kiêm doanh nghiệp.
Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/11. Theo đó, nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018.
Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, các vị trí khác trong ban điều hành của ngân hàng như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc cũng không được đồng thời là thành viên HĐQT hay ban kiểm soát của ngân hàng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng. Bản thân phó tổng giám đốc mỗi ngân hàng, theo quy định mới, cũng không được làm tổng giám đốc hay phó giám đốc ở bất cứ doanh nghiệp nào khác.
Với quy định này, hàng loạt sếp ngân hàng sẽ phải tìm cách chuyển đổi vị trí của mình ở một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ.
Ví dụ như, ông Đỗ Quang Hiển (hay được biết đến với tên gọi "bầu" Hiển đang vừa là Chủ tịch Ngân hàng SHB kiêm Chủ tịch T&T; ông Vũ Văn Tiền (Chủ tịch ABBank) đang là Chủ tịch Geleximco; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Seabank vẫn giữ chức Chủ tịch Tập đoàn BRG; ông Đỗ Minh Phú cũng là Chủ tịch TPBank kiêm Tập đoàn DOJI; ông Phương Hữu Việt (Chủ tịch Ngân hàng Việt Á) cũng đang kiêm nhiệm Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Phương...
Trả lời về sở hữu chéo trên diễn đàn Quốc hội chiều ngày 17/11, Thống đốc cho rằng Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ giải quyết triệt để các tình trạng hiện nay của sở hữu chéo. Đánh giá về tiến độ xử lý sở hữu chéo, ông Lê Minh Hưng cho biết tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý.
Cụ thể, theo ông, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012 xuống còn 2. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay còn 2. Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% còn 4, trong khi năm 2012 là 19.
https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/sep-ngan-hang-khong-con-duoc-lam-chu-cong-ty-san-sau-3673276.html