Cơn sốt tiền ảo: Giấc mơ đầy cạm bẫy

Thứ Tư, 15/11/2017 08:56

|

Trong khi các loại tiền ảo đang giăng “vòi bạch tuộc” khắp nơi, sử dụng nhiều thủ đoạn để lôi kéo người chơi, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát thông cáo nêu rõ, việc sử dụng tiền ảo là không hợp pháp và bị cấm. Đây được xem là một động thái quyết liệt nhằm hạn chế những hệ lụy do “cơn sốt” tiền ảo gây ra trong thời gian qua.

đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) Thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều người tiếp tục đặt cược tài sản của mình vào giấc mơ làm giàu bằng tiền ảo mà không hay đó là cạm bẫy.

NHÀ NƯỚC CẤM

Hiện nay, ngoài Bitcoin, Onecoin..., tại Việt Nam còn nhiều loại tiền ảo khác với mức giá chênh lệch nhau, đang tạo nên những hệ thống giao dịch ngầm trên mạng internet có liên kết. Những hệ thống này đang ngày một lớn mạnh do thu hút đông người tham gia. Điều đáng nói, từ khi tiền ảo xuất hiện tại Việt Nam, liên tiếp những vụ “tiền mất tật mang” do người dân nhẹ dạ, cả tin bỏ tiền thật đầu tư vào tiền ảo, dù hoạt động này không được Nhà nước cho phép. Vấn đề này từng được Báo CATP thông tin qua loạt bài điều tra Theo dấu cơn mê tiền ảo (cuối tháng 6-2017), vạch trần những thủ đoạn chiêu dụ người chơi đầu tư vào tiền ảo theo hình thức đa cấp biến tướng.

Trước thực trạng này, NHNN phát thông cáo khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp và bị cấm tại Việt Nam. Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã được Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc các phương tiện thanh toán trên. Nghị định 80/2016/NĐ-CP còn cấm phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự) sẽ bị xử phạt từ 150 - 200 triệu đồng. Từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“THẾ GIỚI NGẦM” VẪN XÀI

Dù đã có thông báo cấm của NHNN, nhưng trên thực tế, hoạt động đầu tư vào các loại tiền ảo vẫn hoạt động lén lút, tạo ra “thế giới ngầm” tiền ảo mà người chơi vẫn hay gọi là “thế giới đào coin”. Anh Y. (26 tuổi, ngụ Q3) là người quay phim chuyên nghiệp cho một hãng phim. Ngoài công việc chính, anh hay rỉ tai với bạn bè về nghề tay trái của mình, đó là “đào coin”. Loại tiền ảo mà anh đầu tư là đồng Zcash (một đồng tiền con của Bitcoin). Để “đào” được Zcash, anh đầu tư hẳn một hệ thống máy tính với cấu hình mạnh, mỗi tháng tốn gần 10 triệu đồng tiền điện. “Mỗi tháng tôi đào được hơn 3 đồng Zcash (mỗi đồng bán được 270USD - PV). Trừ chi phí hư hao của dàn máy tính và tiền điện, mỗi tháng tôi lời hơn 10 triệu” - anh này khoe.

Tuy nhiên, khi được hỏi “đã từng gặp sự cố với những giao dịch ảo như vậy hay chưa?”, anh Y. thừa nhận khi hệ thống giao dịch qua mạng bị đánh sập bởi hacker, tất cả vốn liếng đã đầu tư trước đó bỗng chốc... “trôi sông” hết. Đến thời điểm hiện tại, anh Y. đã hơn 3 lần “cắn ớt” (tiếng lóng mà giới “đào coin” nói về việc bị đánh sập mạng), thiệt hại gần 100 triệu đồng, trong khi số tiền thu về nhờ bán được coin chẳng thấm vào đâu.

Trường hợp anh Y. thiệt hại vẫn còn nhỏ so với những vụ lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng do các đường dây tổ chức đầu tư tiền ảo như Bitcoin, Onecoin... gây ra trên khắp cả nước. Tại TPHCM, phóng viên Báo CATP từng thâm nhập vào những đường dây này. Kết quả cho thấy, hình thức đầu tư tiền ảo (đa số là Onecoin, Bitcoin) do những “quý ông”, “quý bà” thành đạt đứng đầu đều mang dáng dấp của hoạt động kinh doanh đa cấp, với lắm thủ đoạn, mưu mô. Bước đầu, các đối tượng tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo trá hình bên trong quán cà phê để “bàn” về bí quyết kinh doanh làm giàu trên mạng thời đại 4.0.

Trong các hội thảo đó, người tham dự sẽ được “rót mật vào tai” bởi những tấm gương làm giàu nhờ kinh doanh tiền ảo. Người mới sẽ được giới thiệu bằng slide trình chiếu trên màn hình về sàn giao dịch tiền ảo - gọi là Remitano - với giao dịch đổi từ tiền ảo qua tiền mặt. Tất cả chỉ để minh chứng rằng, cuộc đổi đời bằng cách đầu tư vào tiền ảo nằm trong tầm tay của tất cả mọi người (!). Khi lòng tham được khơi gợi, không ít nạn nhân nhắm mắt đưa chân vào “thế giới ngầm” tiền ảo đầy lọc lừa mà không nhận thức được những hệ lụy về sau.

Chúng tôi đã thu thập được thông tin về nhiều nạn nhân vì tin vào tiền ảo mà tán gia bại sản bởi “chủ đầu tư” một ngày đẹp trời bỗng... biến mất không rõ lý do, trang web lưu trữ “kho” tiền ảo của người chơi cũng bị sập. Người ít thì vài chục triệu, nhiều thì vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng. Đến khi họ vỡ lẽ, cầu cứu cơ quan chức năng thì đã quá muộn, vì quy định pháp lý chưa đủ chặt chẽ để phân định lằn ranh dân sự và hình sự trong những vụ việc tương tự như thế.

NÊN CẨN TRỌNG!

Tối 26-10-2017, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Trường Đại học FPT - phát đi thông báo trên mạng xã hội: “Chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại”. Sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm tranh luận từ nhiều phía. Một câu hỏi được đặt ra: việc thu học phí bằng Bitcoin của trường này sẽ bị cơ quan nhà nước xử lý ra sao?

Vấp phải làn sóng tranh cãi, ông Tùng nhanh chóng lên tiếng trần tình rằng trường chưa triển khai thu, nhưng trước động thái từ NHNN, trường sẽ lập một nhóm nghiên cứu về Bitcoin. Ông Tùng khẳng định, Bitcoin là một hiện tượng công nghệ, tài chính và hàng hóa mà các trường đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải hướng tới như một đối tượng nghiên cứu. Đại học FPT muốn thử nghiệm bằng cách chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng Bitcoin.

Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên, người dân nên cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư vào tiền ảo. Dù trên thế giới tiền ảo được một số nước công nhận, nhưng nó vẫn phát sinh nhiều lỗ hổng và tất cả thiệt hại đều đổ lên đầu người chơi.

Riêng tại Việt Nam, điều dễ nhận thấy là dù hoạt động dưới phương thức nào đi chăng nữa thì rõ ràng các đồng tiền ảo đã gây ra hậu quả tiêu cực, trong đó có nhiều đường dây đã biến tướng thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chưa kể sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh để chặt đứt những hoạt động lén lút của các tổ chức, cá nhân lợi dụng vào việc kinh doanh đồng tiền ảo để làm công cụ lừa đảo người dân.

Ý kiến trái chiều

Phát biểu thảo luận tại cuộc họp Quốc hội ngày 11-11-2017, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nhắc lại sự kiện Trường Đại học FPT định thu tiền sinh viên nước ngoài bằng tiền ảo Bitcoin, nhưng bị NHNN “tuýt còi”. Ông Nhường cho rằng, để bắt kịp xu thế toàn cầu, Chính phủ nên tìm lời giải sớm trong bối cảnh hợp đồng mua bán tiền ảo đã diễn ra nhộn nhịp. “Tôi kiến nghị Chính phủ nên cho đại học FPT triển khai thí điểm với sinh viên nước ngoài, trong một thời gian nhất định. Từ đó chúng ta đánh giá hiệu quả, tác động xã hội để tìm kiếm các phương án tiếp theo”, đại biểu Nhường nói.

Tuy nhiên, không đồng quan điểm trên, sau loạt bài Theo dấu cơn mê tiền ảo đăng trên Báo CATP, nhiều độc giả gửi ý kiến về tòa soạn, bày tỏ sự ủng hộ việc cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay để xử lý hoạt động của nhiều đường dây tổ chức đầu tư tiền ảo. “Loại tiền không được thừa nhận bởi Nhà nước, bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng vào sức ảnh hưởng và nguyên lý hoạt động của nó để lừa đảo thì bắt buộc phải xử lý. Nếu để tiền ảo hoạt động ngoài sự kiểm soát, chắc chắn sẽ “gây nhiễu” và làm bất ổn an ninh tiền tệ của đất nước” - bạn đọc Huỳnh Đức Hân (ngụ Q,Thủ Đức) kiến nghị.

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty luật 360:

Chưa nói đến việc dư luận có ủng hộ hay không, nhưng nếu cho phép đóng học phí bằng Bitcoin, Trường Đại học FPT sẽ đối mặt rủi ro lớn về kinh tế. Trước hết, trên thực tế giao dịch tiền ảo không được Nhà nước ta công nhận (hiện nay đã cấm). Không ai dám đảm bảo rằng những giao dịch ngoài luồng kiểm soát của Nhà nước sẽ được an toàn và không có sự cố xảy ra. Cạnh đó, nếu không cân nhắc, khéo léo xử lý theo pháp luật thì trường này có thể bị chế tài nghiêm khắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang