Nhận thấy việc giải quyết khiếu nại lần hai của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chưa đúng quy định pháp luật, ông Trần Anh Hào - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty gạch men Thạch Anh (Vicera), đã khởi kiện cơ quan này ra tòa án yêu cầu hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 8.
Hai bản án đối lập!
Ngày 18-5-2015, ông Trần Anh Hào-nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty gạch men Thạch Anh, đã khởi kiện Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương ra tòa hành chính - TAND tỉnh Bình Dương về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đăng kí kinh doanh”.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7-9-2015, TAND tỉnh Bình Dương xác định, ngày 16-5-2014, ông Hào đã có đơn ngăn chặn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 và Phòng ĐKKD không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cho ông Hào là trái quy định của Luật khiếu nại.
Ông Hào yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận (GCN) ĐKKD thay đổi lần thứ 8 ngày 4-7-2014 của Phòng ĐKKD với lý do không trung thực, bởi vì ông Nguyễn Thành Cư-Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty Vicera, đã làm đơn cớ mất Giấy CNĐKKD lần 7 có xác nhận của CAP Bến Nghé, Q1, TPHCM là gian dối vì ông Hào đang giữ giấy này và con dấu của công ty đang bị ông Cư chiếm giữ trái pháp luật.
Từ nhiều chứng cứ được trình bày trước toà, TAND tỉnh Bình Dương đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hào đối với yêu cầu hủy GCNĐKKD thay đổi lần 8 đã cấp cho Cty Vicera. TAND tỉnh Bình Dương xét thấy, theo quy định tại Khoản 2, Điều 60, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp; Khoản 2 Điều 38 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thì khi có căn cứ xác định nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKDN thay đổi lần thứ 8 ngày 4-7-2014 của Cty Vicera là giả mạo, thì Phòng ĐKKD phải hủy bỏ GDNĐKDN được đăng ký trên cơ sở thông tin giải mạo và khôi phục lại GCNĐKDN gần nhất được cấp trên cơ sở hợp lệ.
Không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm tỉnh Bình Dương, Phòng ĐKKD đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM để xét xử phúc thẩm. Tại bản số 98/2015/HC-PT ngày 18-11-2015 của TAND Cấp cao tại TP.HCM, hội đồng xét xử phúc thẩm đã sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hào đối với yêu cầu hủy giấy CNĐKDN thay đổi lần thứ 8 của Phòng ĐKKD thuộc Sở KH&ĐT tỉnh.
Điều đáng nói, tòa cấp phúc thẩm có những nhận định và nêu viện dẫn áp dụng pháp luật sai của tòa cấp sơ thẩm. Chẳng hạn, tại tòa cấp sơ thẩm đại diện Phòng ĐKKD thừa nhận trong hồ sơ xin cấp đổi có đơn đề nghị cấp đổi giấy đăng ký doanh nghiệp, trong khi đó tòa cấp phúc thẩm lại nhận định trong hồ sơ cấp đổi không có đơn đề nghị.
Còn đơn cớ mất Giấy CNĐKKD lần 7 tòa cấp sơ thẩm xác nhận là gian dối, còn tòa cấp phúc thẩm lại cho rằng có mâu thuẫn lời khai lúc thì nhân viên làm mất, lúc thì ông Cư làm mất nên không xem xét. Về đơn cớ mất, chính ông Hào làm đơn xin trích lục hồ sơ doanh nghiệp tại Phòng ĐKKD phát hiện có bản sao đơn cớ mất.
Từ đây, ông Hào mới làm đơn khởi kiện ra tòa. Về cuộc họp thành viên ngày 10-6-2014, tòa sơ thẩm nhận định không có đầy đủ các thành viên góp vốn theo điều lệ công ty, có sự không trung thực của người đại diện theo pháp luật mới của công ty là ông Nguyễn Thành Cư, còn tòa cấp phúc thẩm cho rằng thành viên dự họp đại diện 70,37% vốn điều lệ công ty đã biểu quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm người đại diện theo pháp luật cũ của công ty.
Áp dụng pháp luật chưa chính xác
Trao đổi với chúng tôi luật sư Nguyễn Thiện Đức - Đoàn Luật sư TP.HCM, có ý kiến như sau: Bản án hành chính sơ thẩm số 07/2015/HC-ST ngày 7-9-2015 của TAND tỉnh Bình Dương đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 38 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT và khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 để hủy Giấy CNĐKKD lần thứ 8 là hoàn toàn chính xác. Còn Bản án số 98/2015/HC-PT ngày 18-11-2015 của TAND cấp cao tại TPHCM đã áp dụng vào Điều 38 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP để công nhận giữ nguyên Giấy CNĐKKD lần thứ 8 của Công ty Vicera là chưa chính xác trong việc áp dụng pháp luật.
Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm này đã viện dẫn sai việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm tại phần xét thấy. Tòa cấp sơ thẩm căn cứ điểm a khoản 2 Điều 38 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT và khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 để hủy giấy chứng nhận, trong khi đó tòa cấp phúc thẩm lại cho rằng tòa cấp sơ thẩm căn cứ điều 58 Nghị định 43/2010 cho rằng có sự gian dối để hủy giấy là không đúng. Do đó, bản án phúc thẩm đã vi phạm tố tụng và về nguyên tắc phải bị hủy bỏ theo quy định pháp luật.
Một thẩm phán xét xử lâu năm (xin không nêu tên) cho biết trong bản án phúc thẩm phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị, nhận định phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị; nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm; điểm, khoản và điều của văn bản quy phạm pháp luật mà Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ để giải quyết vụ án.
Trong nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể, trong bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương nhận định căn cứ điểm a khoản 2 Điều 38 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT và Điều 60 của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Trong khi đó, hội đồng xét xử phúc thẩm lại nhận định tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 58 của Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ để cho rằng cấp sơ thẩm sai là vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 206 của Luật Tố tụng Hành chính năm 2010. Chính sự vi phạm tố tụng này, bên nguyên đơn phải có đơn đề nghị Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC cần kháng nghị để hội đồng giám đốc thẩm xem xét huỷ bản án phúc thẩm.