Vì sao ông Đinh La Thăng bị bắt?

Thứ Sáu, 08/12/2017 21:36  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Ngày 8-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 8-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và lệnh trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Đinh La Thăng theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Quốc Khánh (SN1960, trú tại nhà A, 88 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Chiều 8-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết về việc cho thôi tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.

Ông Đinh La Thăng - Ảnh: Linh Vũ

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp này, cơ quan chức năng xác định ông Đinh La Thăng đã vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn. Cụ thể, ông Thăng ký thỏa thuận tham gia góp vốn giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank ra sao? Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất trắng khi nhà băng này bị mua lại với giá 0 đồng. Trong phiên xử Hà Văn Thắm, đại diện của PVN đã xuất hiện.

Ngày 31-8, mở rộng giai đoạn 2 sai phạm trong vụ Oceanbank, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó tổng giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào Oceanbank. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 5 bị can trên về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Khu vực trước nhà ông Đinh La Thăng ở Hà Nội tối 8-12 - Ảnh: Đoàn Tuấn

Cuối tháng 8, TAND Hà Nội đưa 51 bị cáo liên quan vụ án ra xét xử với 4 tội danh: Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tàn sản. Tòa Hà Nội đã tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc), án chung thân với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT), 22 năm tù với Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng giám đốc)... liên quan đến hàng loạt các sai phạm về kinh tế tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Cơ quan điều tra xác định, mặc dù mới chỉ có chủ trương giao Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam thực hiện gói thầu EPC, chưa ký Hợp đồng EPC nhưng trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lãi phát sinh từ thời điểm tạm ứng đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (11-10-2011).

Sau đó, PVC lại dành 1.080 tỷ đồng tiền tạm ứng đem đi tất toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng, trả lãi vay ủy thác của PVN, hỗ trợ vốn Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng; hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cá công trình khác 156 tỷ đồng…

Tính đến năm 2012, báo cáo tài chính của PVC mới chỉ thể hiện khoản đầu tư vào đây là 133 tỷ đồng vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đến năm 2013 mới chỉ là 802 tỷ đồng. Trước đó năm 2011, báo cáo tài chính của PVC chưa xuất hiện khoản đầu tư này.

Ngoài ra, tiền tạm ứng dự án này còn bị PVC góp vốn vào 5 công ty con, 3 công ty trong đó gặp thua lỗ, không thu hồi được vốn khiến PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.Trong khi đó, PVN phải chuẩn bị nguồn tiền để khởi động lại dự án nhiệt điện này, tháng 8-2013, PVN đã vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số tổ chức tín dụng khác tổng số 226 triệu USD. Tháng 12-2013, PVN lại tiếp tục phải vay thêm 795,25 triệu USD… để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.

Liên quan đến vụ việc, ngoài ông Lê Đình Mậu (45 tuổi, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), VKSND Tối cao còn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 3 người khác là các ông Vũ Hồng Chương (64 tuổi, nguyên Trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN), Trần Văn Nguyên (38 tuổi, Kế toán trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) và Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ghi nhận của phóng viên, từ chiều 8-12, nhiều người ra vào liên tục nhà ông Đinh La Thăng ở khu đô thị Sông Đà, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đến thời điểm hơn 20 giờ cùng ngày vẫn có một xe biển xanh và công an ở khu đô thị Sông Đà.

Nhiều người tập trung phía trước và sau cửa nhà ông Thăng. Cảnh sát khu vực đã xuất hiện để dẹp an ninh và kiểm soát người lạ ra vào khu vực này. Thời điểm trên, có rất nhiều phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đang có mặt tại đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang