Đinh La Thăng: "Bị cáo cũng có quyền trình bày lại..."

Thứ Ba, 20/03/2018 13:18  | Trà My

|

(CAO) Sáng 20-3, phiên tòa sơ thẩm xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm làm thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục với phần thẩm vấn.

Khi nghe đại diện Viện Kiểm sát công bố số liệu thanh tra cho thấy mặc dù Oceanbank kinh doanh bị lỗ gần 1.000 tỷ đồng, năm 2011 bị âm 1.000 tỷ đồng mà PVN vẫn quyết định đầu tư, dẫn đến mất khoản vốn 800 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN gay gắt phản pháo, cho rằng việc góp vốn của PVN đã có sự đồng ý Thủ tướng.

Theo cáo trạng, tháng 9-2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) trao đổi, bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank. Thắm được Sơn mời đến trụ sở PVN để gặp gỡ, làm việc với đại diện PVN gồm Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐQT PVN), Nguyễn Ngọc Sự (Phó TGĐ PVN), Nguyễn Xuân Sơn (Trưởng ban trù bị NH TMCP Hồng Việt) để thống nhất thỏa thuận: PVN tham gia góp vốn khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008, bằng hình thức PVN góp 20% vốn điều lệ tương đương 400 tỷ đồng.

Sáng 20-3, phiên tòa sơ thẩm xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm làm thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tiếp tục với phần thẩm vấn

Căn cứ vào kết quả làm việc với đại diện Oceanbank, ngày 18-9-2008, Nguyễn Ngọc Sự gửi Đinh La Thăng báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank, trong đó có nêu: Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, đang đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng…

Và cũng ngay trong ngày, dù không họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT, nhưng ông Thăng đã ký thỏa thuận với Thắm để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank theo các nội dung hai bên đã thống nhất...

Cáo trạng cho rằng, ông Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng không đưa ra bàn bạc, thảo luận và xin ý kiến HĐQT.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Ngọc Sự trình bày: Năm 2008, PVN có chủ trương thành lập Ngân hàng (NH) của ngành dầu khí, lấy tên NH TMCP Hồng Việt, kêu gọi vốn nước ngoài. PVN đã thành lập Ban trù bị NH Hồng Việt.

Nhưng trong quá trình thực hiện, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ra thông báo, các doanh nghiệp nhà nước không được thành lập riêng NH của ngành mình, chỉ được phép mua cổ phần NH khác với tỷ lệ không quá 20%. Khi đó PVN đã gặp gỡ một số NH để đặt vấn đề hợp tác, nhưng không thành công. Sau đó, được giới thiệu Oceanbank để cùng hợp tác đầu tư chiến lược. Lúc này, Trưởng ban trù bị NH Hồng Việt được giao đánh giá hoạt động của Oceanbank.

Theo ông Sự, bản thân ông gửi đến bị cáo Thăng báo cáo đánh giá Oceanbank, để HĐQT đánh giá thêm, đưa ra lộ trình trước khi đầu tư.

Quang cảnh phiên tòa

Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS về việc Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình Oceanbank trước khi góp vốn, bị cáo Thăng trình bày: Công văn đó chỉ để PVN biết, không để thực hiện, nhưng thực tế PVN đã triển khai trước các yêu cầu của Bộ Tài chính.

Khi đại diện VKS công bố kết luận thanh tra số 427, ngày 27-12-2012 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Oceanbank thua lỗ, bị cáo Thăng cho rằng: Bản thân không biết đến kết luận thanh tra này và các kết luận khác lúc bị cáo đang ở PVN đều cho thấy Oceanbank hoạt động tốt.

Thậm chí, khi đại diện VKS công bố số liệu tại kết luận thanh tra cho thấy Oceanbank kinh doanh bị lỗ gần 1.000 tỷ đồng, năm 2011 bị âm 1.000 tỷ đồng và khẳng định, việc PVN cho rằng Oceanbank làm ăn có hiệu quả là không có căn cứ.

Nghe vậy, bị cáo Thăng nói: "VKS nêu ra thì bị cáo cũng có quyền trình bày lại" và nói PVN khi đầu tư vào Oceanbank đã mang lại khoản lãi 200 tỷ đồng. Dù công tố viên nói "xét thấy không có gì phải hỏi bị cáo Đinh La Thăng nữa", ông Thăng vẫn gay gắt trình bày thêm rằng tất cả việc góp vốn của PVN đều có sự đồng ý của Chính phủ, "đã được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản". Việc đầu tư là có lãi, thể hiện ở việc được chia cổ tức.

Được hỏi về trách nhiệm, ông Thăng thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị Chủ tịch tập đoàn. Nhưng khả năng thu hồi 800 tỷ đồng thuộc trách nhiệm thuộc HĐTV PVN vì bị cáo đã chuyển công tác từ năm 2011. Trong nhiều câu trả lời sau đó với đại diện VKS, bị cáo Thăng vẫn khẳng định PVN làm đúng quy định trước khi đầu tư vào Oceanbank, "có báo cáo Thủ tướng và phải được Thủ tướng đồng ý mới đầu tư".

Bị triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng, Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank) trình bày, Oceanbank cần đối tác chiến lược nên việc hợp tác giữa PVN và Oceanbank là việc cần cho cả hai bên. Một điều kiện trong việc hợp tác này được ông Thăng đưa ra cho Thắm- Oceanbank phải tiếp nhận nhân viên và cơ sở vật chất của NH Hồng Việt. "Anh Thăng nói, nếu cậu ký thì phải chắc chắn tôi mới báo cáo lên Thủ tướng",Thắm khai.

Trước việc VKS công bố kết luận thanh tra Oceanbank "bị lỗ", Hà Văn Thắm cho rằng do áp dụng tiêu chuẩn "cách tính lỗ mới" của một số nước trên thế giới, còn ở Vệt Nam "10 năm tới cũng chưa áp dụng".

Thắm khai biết việc PVN chiếm 20% vốn của Oceanbank vào năm 2011 là sai quy định, vì thế đã báo cáo với cơ quan thanh tra và còn xin hướng dẫn để PVN có lộ trình thoái vốn. Xúc tiến việc này, ông đã giới thiệu một số đối tác mua cổ phần của PVN, có bên đồng ý mua 20% vốn của PVN với giá 800 tỷ. Tuy nhiên, sau khi ông vướng lao lý thì Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng và theo ông việc này "là không đúng". Hà Văn Thắm khẳng định Oceanbank không lỗ.

Đối chất về thông tin này, cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực khai có đối tác muốn mua lại 20% cổ phần của PVN ở Oceanbank. Tuy nhiên, PVN chưa bán được thì Oceanbank bị mua giá 0 đồng, vì thế 800 tỷ đồng coi như khoản thiệt hại của PVN khi đầu tư.

Lý do nào dẫn đến Đinh La Thăng góp 800 tỷ vào Oceanbank?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang