(CAO) Chiều 19-3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã 3 lần góp vốn vào Oceanbank với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại ngân hàng này, nhưng khi Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần bắt buộc tại Oceanbank với giá 0 đồng, đồng nghĩa với việc PVN mất toàn bộ số tiền trên.
Trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT/ Hội đồng thành viên PVN) và các đồng phạm. Trong đó, ông Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng xác nhận việc đã đồng ý góp vốn tối đa 20% của PVN vào Oceanbank (được ký vào ngày 6-9-2008). Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, thỏa thuận này được ký trước khi HĐQT có ý kiến, tức là không có giá trị pháp lý.
Khi được hỏi vì sao mặc dù ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó TGĐ PVN) từng có báo cáo đánh giá về năng lực của Oceanbank là yếu, thanh khoản kém,... nhưng bị cáo vẫn quyết định việc góp vốn vào ngân hàng này, ông Thăng giải thích chính bản thân bị cáo cũng biết, nhưng vì Oceanbank vốn thấp, khả năng thanh khoản thấp nên mới có nhu cầu tăng vốn và PVN mới có điều kiện góp vốn vào ngân hàng này.
Về việc góp vốn ra ngoài một công ty mẹ như PVN có cần phải xin ý kiến của Thủ tướng không, bị cáo Thăng xác nhận phải được sự đồng ý của Thủ tướng và cho rằng việc góp vốn vào Oceanbank của PVN là thực hiện theo đúng chủ trương.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn tại
phiên tòaKhi bị Hội đồng xét xử văn hỏi về chuyện khi ký Nghị quyết đồng ý góp vốn vào Oceanbank mà chưa có ý kiến của Thủ tướng, bị cáo Thăng trả lời: “Không có quy định nào quy định việc ký nghị quyết phải sau khi có ý kiến của Thủ tướng. Mà việc đầu tư ra ngoài từ công ty mẹ mới phải có ý kiến đồng ý của Thủ tướng. Trên thực tế, sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng, PVN mới quyết định chuyển tiền góp vốn”.
Vẫn theo lời khai của bị cáo Thăng, PVN đã thực hiện theo đúng các khuyến cáo của Bộ Tài chính về việc cần có báo cáo tình hình hoạt động của Oceanbank, xác định giá trị cổ phiếu... của ngân hàng này và khoản đầu tư của PVN vào Oceanbank là “có hiệu quả”.
Trước đó, khi tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Hội đồng xét xử yêu cầu lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo Đinh La Thăng và Phan Đình Đức vào phòng cách ly. Trong phần trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đều khai sở dĩ đặt bút ký đồng ý để PVN tham gia vào các lần góp vốn tại Oceanbank là do chưa nắm được Luật các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai có ký đồng ý để PVN tham gia vào lần góp vốn lần thứ 3 khi các thành viên khác đã đồng ý và ký trước. Nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN thừa nhận nghị quyết góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank được PVN thông qua song chưa báo cáo Thủ tướng. Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm cũng thừa nhận lần góp vốn thứ 3 vào Oceanbank không báo cáo Thủ tướng, và mình cũng chưa biết quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng.
Còn bị cáo Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) thì cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ án, ông không có mặt thường xuyên ở Tập đoàn. Khi đi công tác về, ông thấy có công văn trên bàn về việc góp vốn lần 3 thì ký nhưng "không thể hiện đồng ý hay không đồng ý".