Đà Nẵng:

Lô hàng lậu 500 triệu đồng lọt qua hải quan bằng cách nào?

Thứ Năm, 15/03/2018 09:59  | Hoàng Quân

|

(CAO) Lô hàng từ tàu nước ngoài sau khi qua kiểm soát hải quan, ra khỏi cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) thì bị bắt giữ. Đơn vị nhập lô hàng là doanh nghiệp “ma”. Vì sao số hàng lậu này thông quan được?

Hàng lậu ung dung ra khỏi cảng

Trao đổi với Báo Công an TP.HCM, lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng cho biết, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã nhận được hồ sơ khởi tố vụ án từ đề nghị của Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng và đang xác minh, điều tra vụ việc liên quan đến lô hàng điện lạnh nhập lậu.

Vụ việc xảy ra vào lúc 20 giờ 30 ngày 22-11-2017, tại kho hàng của Công ty TNHH F.D.T (P.Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Thực hiện chuyên án và kế hoạch tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới biển, hàng hóa qua cửa khẩu, cảng biển, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng kiểm tra, bắt quả tang vụ vận chuyển hàng từ 2 xe đầu kéo chở 2 container số hiệu EGSU 9067608 và số hiệu TCNU 2894795 của Công ty TNHH May Gia Đạt.

Hàng từ tàu nước ngoài đưa xuống xe đầu kéo chở container ra khỏi cảng Tiên Sa, đến Công ty F.D.T thì bị phát hiện, lập biên bản, tạm giữ các phương tiện. Toàn bộ số hàng gồm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa và nồi cơm điện không có giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trụ sở Công ty TNHH F.P.T (25 Phạm Văn Xảo, Đà Nẵng) nơi bắt giữ vụ buôn lậu

Lái xe Tạ Văn Thiên (SN 1992, ngụ TP.Hà Nội) khai nhận, được thuê chở hàng thông qua điện thoại và chưa biết địa điểm giao hàng cụ thể. Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự Đà Nẵng đã định giá lô hàng trên trị giá hơn 500 triệu đồng để làm căn cứ khởi tố vụ án “Buôn lậu” theo Khoản 2 Điều 153 Bộ Luật Hình sự.

Từ cơ sở này và sau khi điều tra, BĐBP khởi tố vụ án “Buôn lậu”, chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra chuyên trách. Toàn bộ lô hàng, phương tiện đã được niêm phong ở một đơn vị thuộc BĐBP Đà Nẵng để bàn giao cho Cơ quan CSĐT.

Trung tá Nguyễn Hùng Lâm – cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Đà Nẵng cho biết: “Đơn vị mới tiếp nhận quyết định chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền ngày 5-2-2018 từ BĐBP Đà Nẵng và đang xác minh, điều tra. Đối với tang vật, phương tiện thì đơn vị đang làm thủ tục để chuyển tang vật về kho của đơn vị. Chắc chắn điều tra phải làm triệt để, làm việc với các cơ quan đơn vị liên quan”.

Doanh nghiệp "ma" buôn lậu

Lô hàng này đã được thông quan qua Chi cục hải quan Cảng Đà Nẵng trước khi bị BĐBP phát hiện. Đơn vị nhận lô hàng là Công ty TNHH May Gia Đạt (Quảng Nam). Thủ tục khai hải quan là khai điện tử và doanh nghiệp khai là “linh kiện, máy móc phục vụ ngành may” và đã đúng địa chỉ, ngành nghề của công ty trong lĩnh vực về may mặc, phù hợp với đăng ký kinh doanh, mã số thuế: 4001115498.

Theo quy trình, thực hiện thủ tục điện tử hải quan, doanh nghiệp chỉ cần lên mạng đăng ký, gửi tờ khai điện tử. Hệ thống hải quan phân luồng: Luồng đỏ thì kiểm tra thủ công 100% lô hàng (mở hàng hóa ra kiểm tra thực tế); luồng vàng là kiểm tra hồ sơ, giấy tờ và luồng xanh được đi thẳng. Tất cả các luồng đều có giấy thông quan của hải quan. Công ty May Gia Đạt mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà (thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam). Lô hàng được giám sát bởi Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng và được phân vào luồng vàng (kiểm tra hồ sơ giấy tờ).

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Thọ - Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết: “Việc khai hải quan điện tử áp dụng quản lý rủi ro bằng cách phân tích, đánh giá các doanh nghiệp đã phát huy tác dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người khai báo thủ tục hải quan trong quá trình thông quan.

Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi trường hợp khai báo không đúng thì có thể có những lô hàng được phân luồng xanh hoặc vàng nên dễ dàng được thông qua hải quan từ cảng không đúng như hồ sơ khai”.

Ông Thọ cho biết thêm, hàng nhập về cảng Đà Nẵng thì chức năng của hải quan Cảng Đà Nẵng chỉ là giám sát còn trách nhiệm chính thuộc về đơn vị đăng ký, mở tờ khai, căn cứ theo hồ sơ khai báo.

Ban chuyên án của BĐBP Đà Nẵng được khen thưởng trong đấu tranh phòng chống tội phạm

Nguyên tắc hàng nhập về đến cảng Đà Nẵng sau đó về cảng Kỳ Hà kiểm tra. Trường hợp hàng đi trên đường mà bị các lực lượng kiểm tra, bắt giữ thì đơn vị đó phối hợp với hải quan nơi đăng ký tờ khai để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật”.

Ông Lê Thành Khang – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Cơ quan Biên phòng, công an đang làm rõ. Đơn vị đã cung cấp toàn bộ thông tin, hồ sơ vụ việc để phục vụ điều tra và khi nào có kết quả thì chúng tôi sẽ thông tin cụ thể”.

Lãnh đạo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP TP.Đà Nẵng cho biết, qua điều tra, xác minh thì Công ty TNHH May Gia Đạt không có thật. Nghĩa là thành lập doanh nghiệp giả. Ai đó thuê kho của Công ty F.P.T sau đó đưa hàng ra thị trường tiêu thụ. Tài xế khai nhận, không biết chở hàng hóa gì, chỉ nhận điện thoại rồi chở hàng.

PV cũng đã về địa phương xác minh và được biết, Công ty TNHH May Gia Đạt đăng ký doanh nghiệp có địa chỉ là thôn Nam Đông, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Cao Cường là không có thực. Ông Nguyễn Giúp – Chủ tịch UBND xã Tam Tiến và nhiều người dân khẳng định không hề có Công ty May Gia Đạt hay ông Nguyễn Cao Cường nào.

Ông Nguyễn Tiến Thọ - Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng nhận định: “Nếu doanh nghiệp đăng ký nhận lô hàng trên hồ sơ có đầy đủ mã số thuế, địa chỉ, tên người đại diện, đăng ký kinh doanh nhưng qua kiểm tra thực tế mà không có thì đó là hành vi làm giả hồ sơ, có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang