Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TPHCM:

Quyết liệt chống "cát tặc"

Thứ Sáu, 18/12/2020 10:42

|

(CATP) Nạn nạo vét, hút cát trái phép trên các con sông, kênh rạch của TPHCM từ lâu đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối dư luận. Do nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, lợi nhuận từ việc khai thác cát ngày càng cao nên nhiều đối tượng đã bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để tìm cách khai thác, hút trộm cát từ các con sông để bán ra thị trường. Từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát Đường thủy (CSĐT) Công an TPHCM đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn và liên tiếp phát hiện, bắt quả tang nhiều vụ bơm hút cát trái phép.

LỢI DỤNG ĐÊM TỐI ĐỂ HOẠT ĐỘNG

Nguồn tài nguyên sông rạch trên địa bàn TPHCM, khu vực cửa biển Cần Giờ trước nay luôn được xem là mỏ cát trong xây dựng, san lấp. Cũng chính vì thế, sông rạch TPHCM và vùng giáp ranh với các tỉnh trở thành địa bàn hoạt động của "cát tặc" nhiều năm qua.

Tính từ năm 2017 đến nay, Phòng CSĐT Công an TPHCM đã phát hiện hàng trăm vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay hiện trạng này vẫn đang tiếp diễn, khiến cho nhiều khúc sông trở nên tan hoang vì sạt lở, ngư dân lao đao vì tai nạn bất ngờ, nguồn lợi hải sản không còn. Nhận thấy vào thời điểm cuối năm, "cát tặc" có chiều hướng hoạt động rầm rộ, manh động hơn, Phòng CSĐT liên tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tổ chức tuần tra các tuyến sông, rạch trên địa bàn nhằm phát hiện, triệt phá các đường dây hút trộm cát.

Lực lượng CSĐT TPHCM ra quân truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép.

Mới đây, ngày 15-12, từ nguồn tin báo của người dân, Trạm CSĐT Đồng Tranh nắm được thông tin về một nhóm đối tượng nghi vấn khai thác cát trái phép trên khu vực sông Dừa (X.Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ). Quá trình mật phục điều tra, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng đang tổ chức hút trộm cát với quy mô lớn khi sử dụng 2 ghe hút và 4 phương tiện chuyên chở để thực hiện hành vi. Sau khi thu thập thông tin, Trạm CSĐT Đồng Tranh đã phối hợp cùng lực lượng Công an Kinh tế H. Cần Giờ tiến hành vây bắt nhóm đối tượng trên.

Khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, tổ công tác đi 2 chiếc cano tiến hành áp sát bất ngờ, bắt quả tang hành vi hút trộm cát trên sông Dừa của 6 đối tượng trên 2 chiếc ghe. Sau khi lập biên bản, lực lượng chức năng tạm giữ 2 phương tiện, hơn 15 mét khối cát cùng nhiều tang vật liên quan. 6 đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Hữu Phước (32 tuổi, chủ phương tiện), Phạm Vũ (41 tuổi), Phạm Văn Thảo (43 tuổi), Nguyễn Thanh Hải (30 tuổi), Nguyễn Văn Trường (40 tuổi) và Bùi Văn Thể (43 tuổi, đều ngụ Long An). Đấu tranh khai thác, nhóm "cát tặc" khai do biết hút cát bán có thể thu lợi lớn nên rủ nhau dùng 2 chiếc ghe hút cát chuyên dụng, không có giấy tờ đăng ký - đăng kiểm di chuyển từ Long An lên khu vực sông Dừa để khai thác trộm cát vào ban đêm.

"Cát tặc" bị bắt giữ

Giữa tháng 7-2020, Trạm CSĐT Cát Lái cũng phát hiện một vụ buôn bán, hút cát lậu công khai trên sông Đồng Nai. Cụ thể, ngày 12-7, tổ tuần tra của Trạm CSĐT Cát Lái mật phục di chuyển trên sông Đồng Nai, đến đoạn thuộc địa bàn P. Phước Long (Q9), trạm trưởng là trung tá Đoàn Duy Thao nhận tin mật báo về một phương tiện đang tổ chức hút cát trái phép nên nhanh chóng tiếp cận. Thấy lực lượng chức năng, nhóm "cát tặc" chống trả quyết liệt khi nhanh chóng rút ống bơm, nổ máy cho ghe chạy vào bờ sông Đồng Nai hòng lợi dụng đêm tối để tẩu thoát nhưng bất thành.

Đấu tranh khai thác, Võ Thành Diễm (34 tuổi, quê Tiền Giang) khai đang đi mua cát của Dũ và Thọ (chưa rõ lai lịch). Diễm quen biết Dũ do có người giới thiệu. Toàn bộ quá trình giao dịch, Diễm chỉ liên lạc với Dũ qua điện thoại. Ngày 12-7, Dũ yêu cầu Diễm điều khiển ghe tới địa điểm đã hẹn để bơm cát từ sông Đồng Nai lên thì bị phát hiện.

Ngoài khu vực sông Đồng Nai và các con sông nối TPHCM với H. Cần Giờ, khu vực nhánh sông Sài Gòn (đoạn đi qua địa bàn H. Củ Chi) cũng là nơi mà "cát tặc" liên tục hoành hành. Trước đó, các đội nghiệp vụ thuộc Phòng CSĐT Công an TPHCM cũng liên tiếp bắt nhiều vụ bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, do nguồn thu lợi bất chính quá lớn nên các đối tượng vẫn bất chấp, lợi dụng đêm tối để thực hiện việc bơm hút trái phép và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Đầu năm 2020, Trạm CSĐT Rạch Tra đã phối hợp cùng Công an H. Củ Chi tuần tra trên sông Sài Gòn, bắt quả tang Trần Ngọc Sang (42 tuổi, ngụ Đồng Tháp), Trương Quốc Tuấn (52 tuổi), Nguyễn Hoài Tâm (30 tuổi), Đặng Ngọc Tiến (59 tuổi, cùng ngụ Long An) điều khiển chiếc ghe gỗ có gắn thiết bị bơm hút cát và 1 ghe gỗ vận chuyển cát đang bơm hút cát trái phép trên sông.

Cùng ngày, Tổ tuần tra phát hiện và bắt quả tang Phạm Hoài Vũ (44 tuổi), Mai Văn Phèn (38 tuổi), Phạm Văn Vạn (42 tuổi), Nguyễn Văn Trường (49 tuổi, cùng ngụ Long An) đang điều khiển chiếc ghe gỗ bơm hút cát trái phép ở cách vị trí bắt giữ 2 phương tiện nói trên khoảng 1km trên sông Sài Gòn. Tổng số tang vật thu giữ gồm 3 ghe bơm hút cát và hơn 37 mét khối cát vừa hút dưới sông lên.

Hai chiếc ghe bơm cát cùng tang vật tại sông Dừa

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ

Liên tiếp trong năm 2020, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản, nêu ý kiến chỉ đạo phải kiên quyết chống nạn "cát tặc" đang hoành hành. Cụ thể, vào cuối tháng 7-2020, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Công an TPHCM và các sở ngành chỉ đạo đẩy mạnh xử lý tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực H. Cần Giờ. UBND TPHCM đã giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ trì, phối họp với Cục Cảnh sát hình sự (C02) và các phòng nghiệp vụ Công an TPHCM lập chuyên án triệt phá tận gốc các tổ chức, cá nhân và băng nhóm khai thác cát trái phép.

Chống "cát tặc", không quên cứu người

Ngày 15-12, lực lượng CSĐT Công an TPHCM đã cứu thành công một thanh niên trôi trên sông Sài Gòn, đoạn Bến Bạch Đằng (P.Bến Nghé, Q1). Nạn nhân là Trần Vương Quốc Hoàng (25 tuổi, ngụ TPHCM).

Anh Hoàng được lực lượng CSĐT TPHCM cứu sống khi trượt chân té xuống sông Sài Gòn

Trước đó, Hoàng đi xe máy từ nhà đến khu vực Bến Bạch Đằng để ngắm cảnh. Khi đang dùng điện thoại chụp hình thì té xuống sông Sài Gòn. Do không biết bơi, Hoàng bị dòng nước cuốn ra giữa sông. Phát hiện vụ việc, các chiến sĩ thuộc Thủy Đội - Phòng CSĐT nhanh chóng tiếp cận, đưa được Hoàng lên bờ trong tình trạng hoảng loạn. Phòng CSĐT cũng nhanh chóng liên hệ với gia đình nạn nhân và lực lượng Công an P.Bến Nghé để tiếp nhận, xử lý.

Công an TPHCM sẽ phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, truy rõ nguồn gốc cát được cung cấp cho các dự án có quy mô lớn; đồng thời công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng dọc trên các tuyến sông, các phương tiện thủy tham gia vận chuyến cát cũng phải được đẩy mạnh.

Tại hội nghị Phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, ông Lê Minh Dũng (Chủ tịch HĐND H. Cần Giờ, nguyên Chủ tịch UBND H. Cần Giờ) cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ nhiều năm qua luôn ở mức báo động, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2015, lực lượng chức năng phát hiện 12 trường hợp khai thác cát trái phép thì năm 2016 tăng lên 26 trường hợp; năm 2017 là 48 trường hợp và năm 2018 đã lên đến 65 trường hợp.

Ông Dũng nhìn nhận việc khai thác cát trái phép không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở đất mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân. Tuy vậy, công tác kiểm tra xử lý còn nhiều bất cập, người khai thác có nhiều thủ đoạn tinh vi như cử người cảnh giới, thực hiện vào ban đêm... Khi bị bắt quả tang, các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy, nhận chìm tàu, thậm chí không ngần ngại chống đối người thi hành công vụ.

Trong khi đó, vào tháng 9-2020, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã thông báo kết quả kiểm tra, rà soát tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố. Kết quả thu được cho thấy vẫn còn 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh – rạch, trong đó 14 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 21 vị trí nguy hiểm. Qua đó, vấn nạn khai thác trộm cát, sỏi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng sạt lở nhiều nơi với nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh - rạch nằm rải rác tại các H. Nhà Bè (9 vị trí), H. Cần Giờ (7 vị trí), Q2 (6 vị trí), Q. Bình Thạnh (4 vị trí), Q. Thủ Đức (3 vị trí), H. Bình Chánh (3 vị trí), H. Hóc Môn (2 vị trí) và Q8 (1 vị trí). Trong số này có 3 vị trí sạt lở mới phát sinh trong năm 2020 nằm trên địa bàn H. Cần Giờ, cũng là nơi mà hiện trạng "cát tặc" đang hoành hành ngày đêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang