(CAO) Liên quan đến phản ánh của CAO “Hơn 23 héc-ta cà phê, được định giá có 7,3 triệu đồng”, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Gia Lai đã họp và đề nghị UBND H.Chư Sê lập ngay phương án, khẩn trường đền bù cho dân.
Như CAO đã phản ánh, ngày 30-9-2019, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định, về việc thu hồi hơn 190 héc-ta đất của Công ty CP Cà phê Gia Lai (trong đó có 23,4 héc-ta của 32 hộ dân H.Chư Sê), và giao lại H.Chư Sê để thực hiện theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.
32 hộ dân huyện Chư Sê từ khi bị thu hồi rẫy cà phê bỗng dưng mất việc làm mà không có sự hỗ trợ gì Ban đầu, UBND H.Chư Sê kiểm kê tài sản trên đất đối với 23,4 héc-ta của 32 hộ dân bị thu hồi đất có rẫy cà phê nhận khoán được hơn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 20-2-2020, UBND H.Chư Sê có văn bản thông báo, trong tổng số 23,4 héc-ta của 32 hộ dân trên sổ sách chỉ còn 7,3 triệu đồng. Tức giá trị tài sản hơn 9 tỷ đồng này chỉ còn 7,3 triệu đồng.
Theo lý giải, do trên sổ sách của Công ty CP Cà phê Gia Lai, tài sản trên 190 héc-ta (gồm cả 23,4 héc-ta của 32 hộ dân) bị thu hồi chỉ có hơn 58,7 triệu đồng.
Ngoài ra, theo thông báo này, thêm một bất lợi cho người dân nữa là, chỉ có những cây cà phê trồng những năm 1981 và cà phê trồng tái canh năm 2014 thuộc diện bồi thường, hỗ trợ. Còn những cây cà phê trồng ngoài 2 năm đó, hay các loại cây trồng khác sẽ không được đền bù, hỗ trợ.
Những vườn cà phê được người dân đầu tư chăm sóc sau khi bị thu hồi đã chết khô
Mới đây, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc họp đối thoại với 32 hộ dân và UBND H.Chư Sê để giải quyết những vướng mắc.
Ông Bùi Trung Kiển (đại diện cho 32 hộ dân bị thu hồi đất) cho biết, các hộ dân đồng ý chủ trương thu hồi đất của tỉnh và huyện để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các hộ đề nghị H.Chư Sê bồi thường tài sản trên đất theo đúng quy định Nhà nước khi thu hồi đất. Bởi thực tế, từ năm 2006 đến nay, người dân đầu tư trồng và chăm sóc rất nhiều vào rẫy.
Chị Lý và các hộ dân thắp lên hi vọng sau khi làm việc với Đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai Về phía H.Chư Sê, UBND huyện đã thống nhất đền bù theo quy định. Tuy nhiên, phía UBND H.Chư Sê cũng đưa ra một số vướng mắc cần tháo gỡ, như việc khi nhận bàn giao, UBND huyện nhận đất và tài sản trên đất là 23,4 héc-ta từ Công ty CP Cà phê Gia Lai, giá trị thực còn lại chỉ hơn 58 triệu đồng. Do vậy, UBND huyện để nghị cho kiểm đếm, áp giá lại thay thế Quyết định số 05 năm 2019.
Theo kết luận của Đoàn liên ngành, việc đền bù cho người dân là xác đáng và phải làm. Trách nhiệm thực hiện thuộc về UBND H.Chư Sê. Đồng thời, nêu rõ ý kiến việc UBND H.Chư Sê thực hiện việc đền bù cho dân còn chậm, chưa giải quyết đến nơi đến chốn, đề nghị UBND H.Chư Sê tiếp tục xác minh lại tài sản trên đất của dân để làm cơ sở lập lại phương án bồi thường. Quá trình thực hiện cần đảm bảo đúng quy định, quy trình quy phạm theo Luật đất đai.
(CAO) Hơn 23 héc-ta cà phê chủ yếu là đang thu hoạch chỉ được định giá có 7,3 triệu đồng (!?). Cách định giá kỳ lạ này đang khiến 35 hộ dân ở H.Chư Sê, Gia Lai có nguy cơ trắng tay khi bị thu hồi diện tích cà phê nhận khoán.