(CAO) Tết Nguyên đán 2017 đang đến gần cũng là thời điểm nhiều người có nhu cầu đổi tiền mới, mệnh giá nhỏ để mừng tuổi, lì xì dịp đầu năm. Nắm được tâm lý này, những điểm đổi tiền “ngoài luồng” rục rịch hoạt động để ăn chênh lệch.
Phí đổi tiền 1.000 đồng là 50%
Thời công nghệ, chuyện đổi tiền công khai trên đường gần như lui vào dĩ vãng mà thay vào đó là hàng loạt website lớn nhỏ được lập ra để kinh doanh dịch vụ này. Song song với đó, mạng xã hội facebook cũng là môi trường vô cùng lí tưởng để những người đổi tiền hoạt động. Để thu hút sự chú ý, trang fanpage “Đổi tiền lì xì tết 2017 giá rẻ” rao: “Chuyên cung cấp các loại tiền lì xì tết độc lạ các năm, tiền hình con gà, tiền Long Lân Qui Phụng, tiền USD, tiền lẻ các mệnh giá…, ưu tiên giao dịch tại TP.HCM...”.
Nhiều fanpage facebook rao đổi
tiền mới, tiền độc lạ
Trong vai là người cần số lượng lớn tiền mới mệnh giá nhỏ để lì xì dịp Tết Nguyên đán, PV liên hệ với 2 số điện thoại: 0903.786.XXX và 0977.496.XXX để tham khảo giá cả. Người đàn ông tên Trí nhiệt tình giới thiệu các dịch vụ và cung cấp địa chỉ giao dịch kèm câu khẳng định: “Anh đến shop em lấy cho đảm bảo nhé. Em không bán tiền giả nên anh cứ yên tâm”.
Sau nhiều cuộc gọi, PV tìm đến đúng địa chỉ mà Admin fanpage đưa ra - đó là một phòng trệt trong toà nhà nhiều tầng, rộng chừng 20m2 ở giữa con hẻm 440 Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Người tự nhận tên Trí là một thanh niên tầm 29 - 30 tuổi, ngồi trên chiếc ghế xoay sau cái bàn trưng bày nhiều loại tiền độc lạ như: tiền Ma Cao, tờ 2 đôla in hình con gà trống, tiền 4 nước in hình tứ linh...
Khi PV đề nghị đổi tiền mệnh giá 5.000 đồng thì Trí nhanh chóng lấy trong chiếc ba lô của mình ra một thếp (tép) tiền, nói: “Một tép gồm 100 tờ, 1 bó là 10 tép. Giá đổi tiền mệnh giá 5.000 đồng là 10%. Nếu đổi 1 tép thì anh phải đưa 550.000 đồng. Đây là tiền mới hoàn toàn đó, còn nguyên số seri. Tiền 20.000 đồng và 50.000 đồng cũng 10% tiền phí. Còn nữa, chỗ em cũng có tiền 100 đồng lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước, giá 1 tờ là 65.000 đồng”.
PV tiếp tục ngỏ ý đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ hơn là 2.000 đồng và 1.000 đồng thì Trí lắc đầu: “2.000 đồng em đổi cho khách hết rồi, còn tiền 1.000 đồng thì em không có. Nhưng nếu anh muốn đổi thì cứ báo số lượng, em sẽ lấy về cho anh, khoảng 2 ngày là có. Nhưng mà phí đổi tiền 1.000 đồng cao lắm nha, 50% lận đó”. Giải thích thắc mắc của PV, Trí nói rằng: “Cứ đếm dịp Tết, các ngân hàng sẽ đổi tiền lẻ cho nhân viên và khách hàng. Mình có người quen trong đó thì biết thông tin nên đến đổi, rồi về đổi lại”.
Không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống
Thếp tiền mới mệnh giá 5.000 đồng nguyên seri được Trí đổi để ăn chênh lệch. Cùng với đó là tiền mới mệnh giá 20.000 đồng nguyên seri, tờ 100 đồng lưu niệm, tờ 10.000 đồng cũ và tiền các nước
Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2014 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đối với hành vi “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. |
Ngày 31-12-2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành công văn số 10088/NHNN-VP về việc đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Về thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, công văn nêu: Căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông (đã qua sử dụng) đang bảo quản trong kho, NHNN sẽ chuyển Sở giao dịch và các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để đưa ra lưu thông.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân. Nghiêm cấm cán bộ NHNN, các TCTD lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch (kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…).
Trên thực tế, đây là năm thứ 5 liên tiếp, NHNN không đưa tiền lẻ mới in mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng ra lưu thông dịp Tết để tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam, hạn chế sử dụng tiền nhỏ hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng... Trong những năm qua, NHNN tiết kiệm được gần 1.900 tỉ đồng chi phí phát hành; riêng năm 2016 là khoảng 400 tỉ đồng.
Dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ không in mới các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống. Với các mệnh giá khác, NHNN vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định đổi cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để người dân đổi tiền với số lượng đủ để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo anh N.T.K (nhân viên ngân hàng Techcombank), vào dịp Tết, các NHTM được phân bổ lượng tiền lẻ nhất định, tuỳ theo phạm vi hoạt động của ngân hàng mà số tiền được phân bổ sẽ khác nhau. “Năm nay, việc đổi tiền cho nhân viên và khách hàng thân thiết rất hạn chế. Tiền mệnh giá nhỏ từ dưới 5.000 đồng, còn nguyên seri thì không được đổi hay chi ra lưu thông”, anh K. nói.
Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, trên thị trường vẫn có thể xuất hiện những thếp tiền mới do các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp giữ lại để đổi, bán kiếm chênh lệch. Riêng trong ngành ngân hàng nghiêm cấm hành vi này. Trường hợp nào cán bộ trong ngành tiếp tay bị phát hiện, NHNN sẽ xử lý nghiêm, công khai cho dư luận.