Tiến tới chỉ còn 190 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Thứ Ba, 25/10/2016 23:09

|

(CAO) Ngày 25-10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM phối hợp cùng Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức “Hội nghị về thoái vốn Nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán” nhằm phổ biến các chính sách, chủ trương mới liên quan đến hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương – Văn phòng Chính phủ cho biết, trong 10 tháng qua của năm 2016, cả nước sắp xếp 60 doanh nghiệp. Đến nay, cả nước còn 718 doanh nghiệp nhà nước.

Các đại biểu tại Hội nghị

Ông Dũng đánh giá, nếu thời điểm năm 2001, doanh nghiệp nhà nước dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực; đại bộ phận có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng quy mô và năng lực tăng lên. Doanh nghiệp nhà nước đã cơ bản tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lũy kế giai đoạn 2011-2015 và 10 tháng năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 547 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp. Như vậy, tính đến nay đã có 4.502 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 47 tổng công ty nhà nước và nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng được cổ phần hóa. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được cổ phần hóa, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2015, để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và nâng cao hiệu quả thoái vốn nhà nước, một số cơ chế, chính sách về thoái vốn nhà nước có tính đột phá đã được ban hành. Kết quả, cả nước đã thoái được 26.222 tỷ đồng (giá trị sổ sách), thu về 36.537 tỷ đồng (bằng 1,4 lần giá trị sổ sách). Trong đó, thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9.835 tỷ đồng, thu về 11.086 tỷ đồng; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 16.387 tỷ đồng, thu về 25.451 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị

Về kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, ông Dũng cho biết, sẽ chỉ còn 333 doanh nghiệp có sở hữu nhà nước. Trong đó có 190 doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, 4 doanh nghiệp nhà nước nắm trên 65% vốn điều lệ. Ngoài ra, nhà nước cũng nắm giữ 50-65% vốn tại 30 doanh nghiệp và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 109 doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cũng cho biết, tính đến tháng 9-2016, trong số gần 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 doanh nghiệp với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng. Trong đó bán hết vốn tại 830 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 79 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp. Mức chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn, cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần.

Theo ông Hiển, điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và doanh nghiệp để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch…

Ông Hiển cho hay, kinh nghiệm bán vốn nhà nước của SCIC đang được nhiều doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty tham khảo nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang