Lâm Đồng: Người đàn bà mòn mỏi chờ công lý

Thứ Bảy, 22/10/2016 10:06  | Việt Anh

|

(CAO) Vụ án đang gây dư luận xôn xao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vì những phán quyết vô cảm, bất tuân pháp luật của ngành toà án, cơ quan thi hành án (THA) dẫn đến việc dây dưa, không THA để trả lại cho bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích số tiền gần 5 tỷ đồng hợp pháp của bà.

Có hay không việc những cá nhân núp bóng pháp luật, giúp cặp vợ chồng Phạm Văn Thẩm – Nguyễn Thị Loan tẩu tán tài sản để không phải thi hành án trả cho bà Mích?

Làm ơn mắc oán

Theo hồ sơ vụ án: vào tháng 7-2011, bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích (SN 1959, trú đường Thống Nhất, TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng - Lâm Đồng) cho vợ chồng ông Phạm Văn Thẩm (SN 1952), bà Nguyễn Thị Loan (SN 1957) – cùng ở đường Thống Nhất, TT. Liên Nghĩa vay số tiền 700 triệu đồng, trả bằng lãi suất ngân hàng. Việc vay mượn này được xác lập bằng hợp đồng vay nợ.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích trình bày vụ việc tại Toà soạn báo CATP

Sau đó, vợ chồng bà Loan đến nhà, đặt vấn đề nhờ bà Mích vay cho số tiền 4 tỷ đồng, bằng việc sang tên tài sản của họ (gồm căn nhà, đất tại số 5 Thống Nhất, TT.Liên Nghĩa) cho bà Mích đứng tên vay. Tài sản này, vợ chồng bà Loan đang thế chấp ở Ngân hàng Sacombank vay 2,3 tỷ. Nay đến hạn trả nợ, nhưng vì mất uy tín, ngân hàng từ chối không cho vay thêm, vợ chồng bà Loan hứa trả nợ số tiền đã vay của bà Mích. Vì muốn lấy lại số tiền của mình, phần muốn giúp vợ chồng Thẩm - Loan, bà Mích nhận lời. Bà Loan sau đó giới thiệu bà Mích đến ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – CN Đức Trọng (Agribank) để chuẩn bị thủ tục cho việc vay này.

Giữa hai bên lập “văn bản thỏa thuận”: bà Mích đứng tên chủ sở hữu đối với căn nhà, đất của vợ chồng Thẩm - Loan, vay số tiền 4 tỷ đồng, đưa cho họ. Sau khi vợ chồng bà Loan trả hết nợ ngân hàng, bà Mích sẽ trả lại họ tài sản. Tuy nhiên, việc đầu tiên là cần có 2,3 tỷ đồng để vợ chồng Thẩm – Loan trả nợ ngân hàng, lấy Giấy CNQSSDĐ ra công chứng. Bà Mích lại giúp họ, dùng tài sản là toàn bộ căn nhà đang ở của mình (số 151 Thống Nhất, TT.Liên Nghĩa) thế chấp ngân hàng, vay 2,3 tỷ đưa vợ chồng Thẩm – Loan. Sau đó, hai bên cầm sổ đỏ đến phòng công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản nhà, đất từ vợ chồng Thẩm – Loan sang tên bà Mích.

Theo bà Mích, do việc sang tên tài sản đúng vào dịp cận tết nên việc làm thủ tục vay tiền bằng sổ đỏ của vợ chồng bà Loan (lúc này đã đứng tên bà Mích) gặp khó khăn. Phía bà Loan hối thúc cần tiền trả nợ cho các chủ nợ, nài nỉ bà Mích cho mượn đủ 4 tỷ đồng, coi như là tiền vay cá nhân bà Mích, đã thế chấp bằng sổ đỏ. Trong đó, trừ đi 2,3 tỷ đồng đã đem trả nợ ngân hàng và 700 triệu đồng bà Loan đồng ý để bà Mích trừ nợ, còn 1 tỷ. (Số tiền này ghi trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản).

Do không hiểu biết pháp luật, nghĩ rằng sổ đỏ của vợ chồng Thẩm – Loan đã mang tên mình, bà Mích yên tâm ra ngân hàng vay thêm 1 tỷ đồng để đưa bà Loan. Lúc này, bị các chủ nợ truy đòi, bà Loan thông báo với họ, đã bán nhà cho bà Mích nên cùng đến nhà bà Mích lấy tiền. Theo xác nhận của bà Nguyễn Thị Định cùng 4 chủ nợ khác của bà Loan, trong ngày 21-1-2012, tại nhà bà Mích, bà Loan nói bà Mích đưa tiền để trả cho những người này, tổng cộng 520 triệu đồng. Còn lại 480 triệu đồng (là tròn 4 tỷ), bà Mích khai đưa nốt cho bà Loan. Bất ngờ, tháng 1-2013, vợ chồng bà Loan khởi kiện bà Mích để đòi tài sản.

Toà án bênh nguyên đơn?

Căn nhà vợ chồng bà Loan chuyển nhượng sang tên bà Mích

Xử sơ thẩm, Toà án nhân dân (TAND) H.Đức Trọng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích được quyền sở hữu, sử dụng tài sản là căn nhà và diện tích 269,8m2 đất tại số 5 Thống Nhất, TT.Liên Nghĩa đã chuyển nhượng từ vợ chồng bà Loan. Không đồng ý bản án, vợ chồng bà Loan kháng cáo.

Xử phúc thẩm, ngày 16-4-2014, TAND tỉnh Lâm Đồng, do thẩm phán Nguyễn Kim Đồng làm chủ toạ, căn cứ vào “văn bản thoả thuận” giữa hai bên (bà Mích và vợ chồng Loan – Thẩm), tuyên hợp đồng chuyển nhượng tài sản vô hiệu, buộc bà Mích phải giao trả lại tài sản là nhà – đất cho nguyên đơn. Phía nguyên đơn (vợ chồng Loan – Thẩm) “có trách nhiệm bồi thường cho bị đơn số tiền 6,5 triệu đồng”, là tiền đóng thuế trước bạ bà Mích đã thanh toán để sang tên tài sản (!?).

Đối với số tiền 4 tỷ đồng bà Mích và các nhân chứng khai rằng, đã nhận nợ và đưa cho vợ chồng bà Loan vay, thẩm phán Kim Đồng tuyên: tách ra để xem xét giải quyết bằng một vụ án khác. Bản án này gây phẫn nộ dư luận, gây bức xúc tận cùng cho bị đơn là bà Mích. Thẩm phán, chủ toạ Kim Đồng viện dẫn “Căn cứ vào Điều 137 Bộ luật dân sự”, nhưng lại áp dụng nửa vời điều luật này nhằm tuyên bản án có lợi cho nguyên đơn. Một số thẩm phán, luật sư cho rằng, tuyên như thế, khác gì “cướp trắng” tài sản của bị đơn.

Theo Điều 137 Bộ luật Dân sự, quy định “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu”, nêu rõ: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Nhiều thẩm phán, luật sư cho rằng, căn cứ điều luật trên, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Kim Đồng làm chủ toạ tuyên án như trên là thiếu khách quan, không đúng với tình hình thực tế; bất chấp đạo đức, pháp luật. Từ phán quyết thiếu công tâm này của thẩm phán Kim Đồng, dẫn đến việc, từ tháng 4-2014, bà Mích theo đuổi một vụ án khác để đòi lại tiền vợ chồng Thẩm – Loan, trải qua 2 phiên xử sở thẩm, phúc thẩm, đến tháng 11-2014 mới kết thúc; thì từ tháng 5-2014, xuất hiện 6 quyết định thoả thuận của TAND H.Đức Trọng, công nhận món nợ trên 10 tỷ đồng của vợ chồng Thẩm – Loan nợ 6 người khác, khiến việc THA trở nên rắc rối.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư (LS) Phạm Tuấn Anh – Hãng luật Phú & Luật sư, Đoàn LS TP.HCM cho rằng: Trong vụ án này, việc thẩm phán Kim Đồng tuyên “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” vô hiệu, là đúng. Giao dịch dân sự (chuyển nhượng tài sản) vô hiêu do hợp đồng giả tạo. Tuy nhiên, khi toà án tuyên giao dịch vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, áp dụng Điều 137 BLDS năm 2005. Vụ án này, hành vi: chuyển nhượng tài sản và đưa tiền (4 tỷ đồng) giữa hai bên có quan hệ biện chứng, liên quan với nhau. Việc HĐXX chỉ tuyên nghĩa vụ của bà Mích “trả lại tài sản” cho vợ chồng Thẩm – Loan mà không tuyên nghĩa vụ của vợ chồng Thẩm – Loan trả nợ số tiền đã vay của bà Mích (nếu có chứng cứ) là thiếu khách quan, không đảm bảo quyền lợi cho phía bị đơn.

LS Nguyễn Đức Chánh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh – Đoàn LS TP.HCM, nêu quan điểm: Vụ án này, phía bị đơn bà Mích phải làm đơn phản tố, nội dung yêu cầu HĐXX buộc nguyên đơn trả lại khoản tiền bị đơn đã cho bên nguyên đơn vay thì việc đòi lại tiền của bị đơn mới được toà xem xét trong cùng một vụ án. Trên thực tế, người dân mấy ai hiểu được phản tố là gì. Việc này, thẩm phán thụ lý vụ án phải hướng dẫn cho người dân. Tiếc rằng, bà Mích đã không gặp được người tư vấn pháp luật tốt để thực hiện nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của mình một cách kịp thời, dẫn đến phải mất công theo đuổi một vụ án khác (để đòi lại tiền). Đây là vấn đề đạo đức, trách nhiệm của người thẩm phán, nhằm đảm bảo kịp thời nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Xử như này, thẩm phán – chủ toạ không sai, nhưng đạo đức là không thể chấp nhận được. Rõ ràng, HĐXX vụ án này chỉ làm những gì có lợi cho bên nguyên đơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang