Liên quan vụ án vợ thượng tá biên phòng chứa hàng lậu:

Toà trả hồ sơ vì cần tiến hành định giá lại tài sản

Thứ Năm, 28/04/2022 18:45  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Sau 3 ngày xét xử, TAND TP.Châu Đốc (An Giang) quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án buôn lậu do Trần Thị Vàng (SN 1978, ngụ khóm Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Ngươn) cùng đồng phạm thực hiện. Bị cáo Vàng là vợ của một thượng tá biên phòng.

Các bị cáo tại toà.

HĐXX nhận định, kết luận định giá tài sản (ĐGTS) của Hội đồng định giá (HĐĐG) trong tố tụng hình sự tỉnh An Giang căn cứ dựa theo biên bản về việc khảo sát hiện trạng thực tế tài sản cần định giá là hàng điện tử, gia dụng, tiêu dùng các loại có nêu: “Do tài sản định giá là hàng điện tử, gia dụng, tiêu dùng các loại trong vụ buôn lậu xảy ra ngày 27-2-2021 tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang đã được Hội đồng xác định giả xử phạt vi phạm hành chính, HĐĐG tố tụng hình sự TP.Châu Đốc định giá tài sản và chụp lại chi tiết hình ảnh hàng hóa tại kho tang vật và cung cấp đầy đủ các hình màu.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TP.Châu Đốc cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến tài sản yêu cầu định giả. Do đó, các thành viên HĐĐG thống nhất không đi xem xét hiện trạng thực tế mà họp tại phòng họp Sở Tài chính tỉnh An Giang, cùng xem xét hồ sơ tài liệu, các hình màu hàng hóa để xem xét, đánh giá hiện trạng, xác định giá trị…”.

Qua các bảng kê ghi nhận, về hiện trạng chất lượng có hàng mới, có hàng đã qua sử dụng, rỉ sét, trầy xước. Như vậy giá trị sử dụng cũng như chất lượng hàng hóa phải có sự khác nhau. Thời điểm định giá, HĐĐG không thực hiện được việc xem xét hiện trạng thực tế của tài sản do địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, nên tiến hành định giá qua các hình ảnh màu.

Từ đó, tính chung bình quân các loại hàng hóa đều “khoảng 50% giá trị sử dụng còn lại” để xác định giá và là căn cứ để định lượng truy tố các bị cáo là chưa toàn diện, khách quan, chính xác đối với từng tang vật là hàng hóa các loại trong vụ án.

Ngoài ra, việc thành viên HĐĐG tài sản đã tham gia ĐGTS đang được trưng cầu định giá, tiếp tục tham gia HĐĐG lại tài sản là không đảm bảo tính khách quan trong thực hiện định giá.

Xét thấy, việc định giá lại tài sản là hàng hóa bị tạm giữ trong 3 căn nhà là cần thiết. Việc định giá lại tài sản cần xem xét hiện trạng thực tế, xác định giá trị sử dụng còn lại của từng hàng hóa tại kho tang vật; hàng hóa nào mới, còn sử dụng được, chất lượng còn lại bao nhiêu, hàng hóa không còn giá trị sử dụng,... dựa trên khảo sát giá, căn cứ để định giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định theo quy định. Không định giá trị tài sản là “khoảng và không định chung là 50%”…

Đồng thời, tại phiên tòa, bị cáo Vàng trình bày, có mua lô hàng hóa gồm 540kg chén, dĩa sành sứ; 30kg nắp thủy tinh các loại; 25kg nồi, chảo bằng inox. Theo diễn biến từ lời khai của những người liên quan, thì lô hàng hóa trên được bà Vàng mua qua trung gian của nhiều người và được bán ra từ UBND phường Vĩnh Nguơn (số tiền 6,2 triệu đồng), có hóa đơn, chứng từ…

Do chưa đủ cơ sở để xác định bị cáo Vàng có mua số lô hàng hóa trên theo biên bản bán hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng, hóa đơn bán tài sản của UBND phường Vĩnh Nguơn hay không?. Cần làm rõ ai là người bán số hàng hóa này cho bị cáo Vàng?; Ai là người vận chuyển số hàng này về cho bị cáo; Vận chuyển về căn nhà nào?; Bị cáo thuê ai dọn, rửa đối với số hàng hóa này?; Khi lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản vi phạm số hàng hóa này có bị tạm giữ hay không?; nếu có tạm giữ thì tạm giữ tại căn nhà nào?; Vì sao bị cáo Vàng có hóa đơn mua hàng của UBND phường Vĩnh Nguơn cung cấp cho cơ quan điều tra.

HĐXX TAND TP.Châu Đốc nhận định, để có đủ căn cứ xác định tội danh và quyết định khung hình phạt áp dụng chính xác đối với từng bị cáo trong vụ án, cần tiến hành định giá lại tài sản và thu thập thêm chứng cứ quan trọng có liên quan đến định lượng giá trị hàng hóa bị tạm giữ là thuộc trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa.

Vì vậy, HĐXX TAND TP.Châu Đốc quyết định trả hồ sơ cho VKSND TP.Châu Đốc để điều tra bổ sung.

Trước đó, ngày 26-4, TAND TP.Châu Đốc mở phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu do Trần Thị Vàng cùng đồng phạm thực hiện. Bà Vàng bị cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu, thuê 2 bị cáo Trần Thị Dũng (SN 1970, chị ruột của Vàng) và Lê Văn Lên (SN 1990) thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa qua biên giới trái pháp luật.

Số hàng hoá được phát hiện.

Theo cáo trạng, sáng 27-2-2021, lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang và Công an phường Vĩnh Nguơn tiến hành kiểm tra hành chính 3 căn nhà số 193, 276 (đường Tuy Biên, khóm Vĩnh Chánh 2) và số 142 (đường Phan Xích Long, khóm Vĩnh Tân, thuộc phường Vĩnh Nguơn).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia dụng, đồ sành sứ đã qua sử dụng. Tổng giá trị hàng hoá trên 315 triệu đồng.

Qua xác minh, những người có liên quan, gồm: Vàng, Dũng Lên. Trong ba căn nhà thì 2 căn nhà số 276 và số 142 là của vợ chồng bị cáo Vàng, nhà số 193 là của mẹ bị cáo Vàng và Dũng đang sống. Số hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ mà Công an thu giữ ở 3 căn nhà trên được xác định là Vàng mang từ Gò Tà Mâu (Campuchia) về Châu Đốc bán kiếm lời.

Bị cáo Lên và Dũng được Vàng thuê trông coi, dọn rửa và sửa chữa những hàng hóa này. Tuy nhiên Vàng không thừa nhận thực hiện hành vi trên.

Tuy nhiên quá trình điều tra, Dũng và Lên khai nhận hành vi vi phạm phù hợp tài liệu và các chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Dũng và Lên khai Vàng buôn bán hàng điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia dụng, đồ sành sứ đã qua sử dụng tại Gò Tà Mâu.

Từ tháng 3-2020, khi biên giới đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, khách không qua được Gò Tà Mâu, Vàng thuê Huỳnh Hoàng Tuấn vận chuyển hàng từ kho Gò Tà Mâu đưa về 3 căn nhà nêu trên. Tuấn thuê nhiều đối tượng vận chuyển và thuê Lên phụ giúp dọn, sửa hàng; đóng gói, nhận và chuyển hàng qua các địa điểm… với tiền công trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Riêng Dũng có nhiệm vụ dọn rửa hàng cũ thành mới, không nhận tiền công, chỉ được Vàng trả chi phí sinh hoạt trong nhà. Hàng hóa chuyển về 3 căn nhà, Vàng bán lại cho nhiều người đến mua hoặc cho người đến nhà livestream bán hàng qua Facebook...

Trước đó liên quan đến vụ án này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang đã thống nhất hình thức kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt đảng đối với thượng tá là chồng bà Vàng, vì thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến việc vợ cho người khác gửi hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong nhà, để lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.

Vụ việc đã tạo ra dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân, gia đình, đơn vị và lực lượng biên phòng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang