Đồng bằng sông Cửu Long: Tôm tạp chất lại hoành hành

Thứ Năm, 17/06/2021 11:57  | Thiện Thảo

|

(CATP) Sau thời gian lắng xuống, tình hình tôm tạp chất (TTC) ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tái phát. Lực lượng tăng cường kiểm tra phát hiện số lượng lớn TTC. "Hiện nay, tình hình Covid-19 tái diễn, việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản hết sức khó khăn. Các đối tượng chích TTC là hành vi "phá nền kinh tế mũi nhọn" khu vực ĐBSCL cần phải xử lý nghiêm", một doanh nghiệp thừa nhận.

Có kiểm tra, có phát hiện

Theo các cơ quan chức năng, sau thời gian chích tạp chất vào tôm lắng xuống, đến nay, TTC lại hoành hành. Để tăng trọng lượng tôm từ 10% - 20%, các đối tượng chích tạp chất vào sẽ làm tôm trông to hơn, cỡ lớn hơn, "mẫu mã” đẹp hơn... Người mua nếu không phát hiện sẽ phải trả giá cao hơn so với tôm cùng loại chưa chích tạp chất. Các đối tượng thu lợi nhuận đáng kể, mẫu mã tôm cũng đẹp. Do đó, một số đại lý "khuyến khích" người dân chích tạp chất vào con tôm.

Khoảng 23 giờ 45 ngày 11-6, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Cà Mau kết hợp với các đơn vị có liên quan, đã dừng phương tiện và tiến hành kiểm tra xe container BS: 63H-007.85 đang vận chuyển số lượng lớn tôm sú đã được đóng gói thành phẩm có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, trong thùng xe lúc này có chứa 1.768 thùng tôm sú nguyên con, loại 6kg, với tổng trọng lượng 12.504kg. Tiến hành kiểm tra đã phát hiện số hàng trên có chứa tạp chất Agar. Kết quả điều tra ban đầu, lô hàng trên là của bà Châu Thị Thùy Trang (SN 1986, ngụ xã Định Bình, TP.Cà Mau), đang được vận chuyển đi tiêu thụ thì bị lực lượng công an phát hiện và tạm giữ.

UBND tỉnh Cà Mau vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối ông Nguyễn Vĩnh Nghi (SN 1977, trường trú khóm 6, phường 1, TP.Cà Mau, nơi ở thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) vì đã thu gom, vận chuyển tôm sú chứa tạp chất. Cụ thể, ông Nguyễn Vĩnh Nghi bị xử phạt vì hoạt động thu gom, vận chuyển 659 kg tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất để kinh doanh với mức phạt hành chính 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nghi còn vi phạm khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh và bị phạt 12,5 triệu đồng.

Theo phản ánh của bạn đọc, việc bán tôm tạp chất xuất hiện gần đây chủ yếu cho đầu nậu người Trung Quốc (tạm trú tại huyện Giá Rai, Bạc Liêu) tổ chức thu gom. "Thời gian qua, một số đối tượng người Trung Quốc đến Bạc Liêu bằng visa du lịch từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, việc mua tôm họ không đứng ra mua mà nhờ đại lý người việc thu gom các nơi. Công an tỉnh bắt nhiều tụ điểm thu gom, TTC. Thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra... trên địa bàn xử lý đưa và kinh doanh TTC", một lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu xác nhận.

Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Cà Mau, phối hợp Cảnh sát giao thông và Công an phường 9, kiểm tra phương tiện ôtô tải BS: 68C-127.52 đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (thuộc khóm 6, phường 9, TP.Cà Mau) phát hiện trên xe vận chuyển 659kg tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất Agar do ông Nghi làm chủ. Làm việc với cơ quan công an, ông Nguyễn Vĩnh Nghi khai nhận, số tôm nói trên được ông thu gom của nhiều người tại thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, vận chuyển về TP.Cà Mau để bán thì bị phát hiện vi phạm như trên. Quá trình thu gom, Nghi biết trong tôm có chứa tạp chất nhưng không xác định rõ là chất gì.

Nhà nhà thi nhau chích tạp chất

Nhận được tin báo của người dân, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc QLTT tỉnh Kiên Giang kết hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (QLCLNL&TS) đã đột xuất tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Châu Văn Bạc (ở ấp Cờ Trắng, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, Kiên Giang), có dấu hiệu kinh doanh thủy sản chứa tạp chất. Qua kiểm tra cảm quan và thử nhanh hóa học tạp chất trong tôm, Chi cục QLCLNL&TS xác định, 100kg tôm thẻ chân trắng đang được kinh doanh tại cơ sở có chứa tạp chất Agar. Đại diện cơ sở kinh doanh khai nhận, toàn bộ số tôm nguyên liệu trên được thu mua từ người dân địa phương và đem bán lại để thu lợi.

Trinh sát Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra và phát hiện 12,5 tấn tôm có chích tạp chất

Trước đó, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang và chính quyền địa phương triệt xóa một điểm bơm chích tạp chất Agar vào tôm (tại tổ 7, ấp Cờ Trắng, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương). Qua kiểm tra tại cơ sở của ông Lê Hoài T., lực lượng chức năng đã phát hiện có khoảng 500kg tôm đã được bơm tạp chất. Tại thời điểm kiểm tra, khoảng 80 người tham gia chích tạp chất vào tôm. Cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ số tôm trên và tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật. Trong năm 2020, Chi cục QLCLNL&TS tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai 16 đoàn thanh kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra phát hiện 16 lô tôm sú và tôm chân trắng nguyên liệu với trọng lượng gần 5.000kg có chứa tạp chất agar và CMC (chất phụ gia làm đặc); xử phạt vi phạm hành chính 390 triệu đồng.

Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã kết hợp Công an phường 3 bắt quả tang 8 đối tượng đang dùng ống chích bơm tạp chất vào tôm sú tại phòng trọ số 6 (nhà trọ số 174/33 đường 30-4, khóm 2, phường 3, TP.Sóc Trăng). Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ trên 100 ký tôm, 1 máy nén hơi, 50 lít tạp chất đã pha chế cùng một số tang vật khác có liên quan. Phòng trọ này do Đặng Ngọc Minh Châu (SN 1995, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Long Phú) thuê. Để có thu nhập, Châu mua sắm thiết bị và thuê các đối tượng để bơm tạp chất vào tôm sú. Số tôm này bơm xong sẽ được vận chuyển xuống Bạc Liêu tiêu thụ.

Ông Văn Đình Nhu (SN 1985, ngụ huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị UBND tỉnh Cà Mau xử phạt hành chính vì thu gom tôm sú chứa tạp chất và kinh doanh không có giấy phép với số tiền 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nhu cũng bị phạt 10 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh, đồng thời bị tịch thu 16kg tôm sú nguyên liệu, có chứa tạp chất. Ông Nhu được xem là người thu mua TTC ở huyện Đầm Dơi. Khi đến con nước thu hoạch tôm, ông Nhu tìm đến chỗ chích tạp chất thu mua TTC cho các đại lý. Ông đã bị Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau phát hiện và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

Bột agar chuẩn bị chích cho tôm

Xử lý chưa đủ sức răn đe

Do TTC ảnh hưởng đến xuất khẩu sang các nước bạn, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13-12-2016 (Đề án 2419) chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để đến cuối năm 2018, phải chấm dứt triệt để tình trạng này. Trong 2 năm (2017 và 2018), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm tại các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thanh Hóa và TP.Hà Nội, phát hiện, bắt quả tang và xử lý 8 cơ sở thu mua, sơ chế và 2 doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất, xử phạt gần 500 triệu đồng. Tại hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 2419, nhiều ý kiến thống nhất rằng, nạn bơm chích tạp chất vào tôm có xu hướng giảm nhưng lại có diễn biến phức tạp, tập trung ở các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, vùng giáp ranh các tỉnh, hoạt động lén lút và tinh vi hơn trước.

Hiện trường vụ chích TTC

Và hiện nay, tình hình bơm chích TTC lại tái diễn khi Đề án 2419 kết thúc. Theo các cơ quan chuyên môn, nếu cơ quan chức năng không xem xét việc xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, TTC hoành hành, đe dọa nền kinh tế nước ta. Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt nam tại Cà Mau năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) kỳ vọng: "Mục tiêu trước năm 2025, phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm 10 tỷ USD, có thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới, gắn nuôi tôm với phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP quốc gia". Nhưng những đối tượng kinh doanh TTC xử lý nhẹ nhàng. Tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP thì chế tài xử phạt hành chính cho hành vi bơm tạp chất vào tôm mức phạt hành chính đối với cá nhân có hành vi trực tiếp bơm tạp chất vào tôm dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng tùy vào mức độ, tính chất. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức bơm tạp chất vào tôm thì mức phạt tăng lên rất nhiều lần, mức phạt tiền có thể lên đến 70 triệu đồng.

Việc xem xét xử lý hình sự rất khó. Theo nghị định trên, người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị truy tố về "Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" tại khoản 119, Điều 1, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó, nếu có từ 5 đến 20 người tiêu dùng ăn phải tôm có tạp chất dẫn đến ngộ độc, hoặc thực phẩm tôm đó gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp tôm nhiễm tạp chất gây chết người thì người bơm tạp chất vào tôm có thể bị phạt phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; nếu có 3 người chết trở lên thì mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm...

Để không còn tình trạng TTC ảnh hưởng đến ngành tôm Việt Nam, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra TTC...

Theo các chuyên gia, thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, trong trường hợp gian thương "phù phép" những con tôm đã bị ươn, hỏng để trở nên bắt mắt, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa và đối mặt với nguy cơ ngộ độc cao. Ngoài ra, nếu người bán sử dụng các chất bảo quản độc hại như hàn the, ure... thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Người ăn phải có khả năng bị ngộ độc cấp tính. Sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn hoạt động của tuyến giáp, hệ thần kinh...

Tạp chất được được đưa vào tôm nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ, thay đổi kết cấu tôm. Loại tạp chất thường được sử dụng giúp tôm thêm cân nặng thường là bột agar (hay còn gọi là bột rau câu), CMC (chất làm đặc)...

Bình luận (0)

Lên đầu trang