TPHCM: Hai nhà đầu tư xin khảo sát làm điện gió ngoài khơi huyện Cần Giờ

Thứ Tư, 01/03/2023 11:16

|

(CAO) Có 2 nhà đầu tư đang đề xuất TPHCM cho phép khảo sát tiềm năng để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ với quy mô tổng công suất khoảng 7000MW.

Theo Sở Công thương TPHCM, qua khảo sát cho thấy huyện Cần Giờ có giá trị tốc độ gió trung bình tương đối cao và cũng là khu vực có tiềm năng gió lớn của TPHCM. Chỉ riêng điện gió trên bờ của khu vực này có tiềm năng lắp đặt có thể đạt đến 55MW.

Tuy nhiên, do hạn chế về quỹ đất, quy hoạch định hướng sẽ nghiên cứu phát triển điện gió tại TP vào giai đoạn sau năm 2025. Hiện nay, đang có 2 nhà đầu tư đề xuất UBND TP cho phép khảo sát tiềm năng để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ.

Cụ thể, cụm dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ với quy mô công suất 1.000MW tại hai khu vực ven biển các xã Lý Nhơn, Long Hòa và TT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Hai nhà đầu tư xin khảo sát làm điện gió ngoài khơi huyện Cần Giờ - Ảnh minh họa

Ngoài ra còn có nhà đầu tư xin khảo sát để triển khai nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ với quy mô công suất lên đến 6000MW. Trong đó, 4000MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 2000MW cho mục đích sản xuất Hydrogen xanh trong giai đoạn sau 2030. Khu vực khảo sát nằm cách bờ từ 30km đến 150km.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Công thương đã có văn bản gửi Sở, ngành góp ý. Sau khi nhận được ý kiến của các Sở ngành, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND TP đề xuất các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, Sở Công thương cho biết đối với điện mặt trời mái nhà, năm 2017 Ngân hàng thế giới đã phối hợp các Sở, ngành của TP thực hiện khảo sát và ban hành “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam”.

Theo đó, tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà của TPHCM ước tính khoảng 6.300MW, gấp 1,4 lần công suất cực đại của TP hiện nay.

Với tiềm năng đó, TP chủ trương khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà giúp bổ sung nguồn điện tại chỗ cho nhu cầu sử dụng chung của TP. Đây cũng là nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí C02 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực căng thẳng về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới.

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Công thương đã phối hợp các sở, ngành chức năng và Tổng công ty Điện lực TP xây dựng Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP đến năm 2030 trình UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương, cơ chế đế triển khai thực hiện.

Theo Sở Công thương, trong năm 2022 tình hình cung cấp điện trên địa bàn TP ổn định, an toàn, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Cụ thể, sản lượng điện năm 2022 đạt 27.885,28 triệu kWh, tăng 10,41% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng điện thương phẩm đạt 27.092,52 triệu kWh, tăng 11,03% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng điện tiết kiệm đạt 553,96 triệu kWh, chiếm 2,04% điện thương phẩm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang