Hàng loạt chung cư TĐC nằm giữa khu đất "vàng" trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) đã bỏ hoang nhiều năm qua, không có người ở. Đây là khu TĐC đồ sộ và lớn nhất thành phố. Trong khi đó, khu TĐC Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) cũng có ít người đến sinh sống. Việc giải quyết sinh kế cho người dân TĐC cần được tính toán cho phù hợp hơn.
Chung cư chờ người dân
Sáng 18-02-2023, chúng tôi có mặt trên đường Lưu Đình Lễ (P.Bình Khánh, TP.Thủ Đức), lối vào khu TĐC Bình Khánh. Hai bên đường là hàng loạt chung cư cao tầng đang bỏ hoang, không có người ở. Vài nhân viên bảo vệ của Công ty vệ sĩ Phú An ngồi trong chốt gác của một số khu vực, ngăn chặn người lạ vào bên trong.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn vào bên trong để xem phòng ốc, một bảo vệ gọi điện cho cấp trên rồi nói: "Mong anh thông cảm, có gì cứ tới trụ sở số 255 Trần Hưng Đạo, Q1 (đây là trụ sở của Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm - PV) thì mấy "sếp" mới cung cấp thông tin. Chứ tụi em mới vào làm bảo vệ được mấy tháng thôi". Theo lời anh ta, khu này có hơn 30 block chung cư. Chúng tôi đi tiếp thì gặp một quầy tín dụng hoạt động, đối diện là công viên đang có vài công nhân cắt cỏ. Phía sau các dãy chung cư là ngôi trường cấp 2 - 3 khang trang, nhưng rất ít người qua lại.
Một dãy chung cư từng sử dụng làm bệnh viện dã chiến
Đường số 4 - BK, Đường số 8 - BK, Đường số 11 - BK... giữa khu vực Dự án Vietracimex khá vắng người, thỉnh thoảng có vài xe máy đi tắt từ đường Lương Định Của qua Đại lộ Mai Chí Thọ. Cách đó vài trăm mét, cuối đường này là khu chung cư New City rất sầm uất, nằm cạnh mặt tiền Đại lộ Mai Chí Thọ.
Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, khu TĐC Bình Khánh đã hình thành, khang trang, đồng bộ. Khu TĐC có diện tích 38,4 héc-ta. Dự án thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ TĐC cho Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án được đầu tư để TĐC tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của Khu đô thị này, gồm 3 khu: khu 30,2 héc-ta Bình Khánh (4.216 căn hộ), khu 38,4 héc-ta Bình Khánh (6.220 căn), khu 17,3 héc-ta An Phú - Bình Khánh (1.844 căn). Các block nhà được giao cho nhiều đơn vị xây dựng như: Tiến Phước, Trần Thái, Thuận Việt, Đức Khải, Keppel Land...
Hiện nay, hàng loạt block cao tầng của khu TĐC trên đã hoàn thiện, san sát nhau. Đây là dự án được thành phố yêu cầu phải trở thành dự án kiểu mẫu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nơi ở mới khang trang, hiện đại cho người dân, để từ đó nhân rộng cho các dự án TĐC tiếp theo. Trả lời phóng viên, ông Phạm Ngọc Lâm (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải) cho biết, đã bàn giao các chung cư diện TĐC cho thành phố. Tương tự, dự án An Phú - Bình Khánh do Công ty Nam Rạch Chiếc (liên doanh 3 bên Keppel Land - Tiến Phước và Trần Thái) đã bàn giao cho chính quyền từ rất lâu. Do đó, việc quản lý các block chung cư trống thuộc về cơ quan chức năng.
Chung cư tại khu
tái định cư Vĩnh Lộc B có 5 tầng, nhưng không lắp thang máy
Tại các lô chung cư R4, R5, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Sao Kim (trụ sở tại Q3) trúng thầu gói cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành, với số tiền mỗi năm lên đến khoảng 4,4 tỷ đồng. Còn nhớ từ tháng 6-2021 đến tháng 9-2021, khu vực này được sử dụng làm bệnh viện dã chiến, thu dung và chữa trị cho bệnh nhân Covid-19. Sau khi vượt qua đại dịch Covid-19, khu này trở lại hiện trạng vắng vẻ.
Đầu tư hơn ngàn tỷ không hiệu quả
Giống tình cảnh khu TĐC Bình Khánh (TP.Thủ Đức), nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20km, khu TĐC Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, trên khu đất diện tích hơn 30 héc-ta, dành để bố trí TĐC cho người dân bị giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn thành phố từ năm 2013. Toàn khu có hơn 500 nền TĐC và 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ. Tuy nhiên, khoảng 10 năm qua, nhiều lô chung cư vẫn bỏ trống, xuống cấp, gây lãng phí, vì nhiều hộ dân không đồng ý đến sinh sống. Một trong những điều bất tiện của các lô chung cư tại đây là xây dựng cao 5 tầng, nhưng không có thang máy.
Khu tái đình cư Bình Khánh thưa thớt người qua lại
Chị Vũ Thị Thanh (45 tuổi) cho biết, gia đình chị chuyển về đây TĐC khi thành phố thực hiện dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q6). Mười năm ở đây, gia đình chị phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Chị Thanh nói: "Trước đây, khu TĐC vắng lắm, nhưng từ khi có Trường học cấp 2 và cấp 3 thì vui hơn. Ai có công việc gần thì còn đỡ, chứ nếu làm việc tại trung tâm thành phố thì đi lại rất xa. Đó là lý do vì sao còn nhiều khu chung cư tại đây bỏ trống".
Đến nay, 23 block chung cư đã có người dân vào ở, nhưng chưa thể lấp đầy khi chỉ có 480 hộ. Hiện vẫn còn 22 lô bỏ trống, tổng số căn hộ chưa bố trí là gần 1.500 căn. Chi phí vận hành mỗi năm khoảng 5-6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022, thành phố đã quyết định bàn giao những lô chung cư trống ở khu TĐC Vĩnh Lộc B cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng) quản lý. Thời điểm tăng cường chống dịch Covid-19 trong năm 2021, giống như khu TĐC Bình Khánh (TP.Thủ Đức), nhiều block chung cư của khu TĐC Vĩnh Lộc B cũng được trưng dụng để làm bệnh viện dã chiến. Hiện nay, nhiều căn hộ ở TĐC Vĩnh Lộc B đang xuống cấp.
Nhiều block bị rào chắn
Đối với 3.790 căn hộ TĐC thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ TĐC trong Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hoàn thành, nhưng không còn nhu cầu sử dụng, thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho chuyển từ phục vụ TĐC sang nhà ở thương mại và đã được chấp thuận. Nhưng sau 3 lần bán đấu giá, đến nay vẫn chưa có người mua.
Trên địa bàn TPHCM, hiện có 3.429 căn hộ và nền đất đã được thành phố phân bổ cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức để bố trí TĐC cho các công trình công ích, chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Ngoài ra, còn có 2.878 căn hộ và nền đất được dùng làm quỹ dự phòng để phục vụ tạm cư cho các chung cư hư hỏng hoặc do thiên tai, cháy, nổ, bệnh viện dã chiến thu dung... UBND TPHCM cũng có chủ trương bán đấu giá 5.063 căn bộ và nền đất.
(Còn tiếp...)