Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023):

Tôn vinh màu áo trắng thiên thần

Thứ Hai, 27/02/2023 08:56

|

(CATP) Ngành y tế nước ta đang trưởng thành rất nhanh. Trình độ ngành y của nước ta đang tiếp cận với thế giới, thậm chí vượt trước tốc độ phát triển kinh tế. Nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, đội ngũ y tế đã thể hiện bản chất tốt đẹp của mình.

Ngành y tế vượt khó

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-02), chia sẻ với báo chí, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: "Ba năm qua hết sức khó khăn, nhưng cũng thể hiện rõ phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ y tế trên cả nước và tại TPHCM. Một mặt, họ phải chịu áp lực rất lớn của đại dịch Covid-19, mặt khác làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị cho người dân trong điều kiện hết sức thiếu thốn".

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhắn nhủ tại bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang...".

Đó là cả một hành trình vượt khó, rất khó khăn của đội ngũ y tế TPHCM và cả nước, đặc biệt "hậu Covid-19", nhiều bệnh viện thiếu thốn thuốc men, vật tư y tế, vẫn không làm những chiến sĩ áo trắng chùn bước. Họ cùng nhau vì người bệnh vượt khó.

Ngày 25-02, tại Công viên Lưu Hữu Phước, Sở Y tế TP.Cần Thơ tổ chức cuộc đi bộ với chủ đề "Ngành Y tế Cần Thơ vượt khó sau đại dịch Covid-19", với sự tham gia của hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành y tế. Cuộc đi bộ như những lời động viên người lao động trong ngành y tế cần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hơn 1 tỷ đồng quyên góp được của ngành Y tế Cần Thơ nói lên sự chung tay của xã hội giúp các bệnh nhân nghèo, nhân viên ngành Y tế khó khăn sau đại dịch Covid-19, đã nói lên tất cả.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chụp hình lưu niệm cùng GS, bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 và các y bác sĩ

Những khủng hoảng đáng tiếc trong ngành Y tế, khi nhiều cán bộ y tế, trong đó có các chuyên gia đầu ngành vướng lao lý trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, dính líu tới Việt Á nhưng vẫn không làm những người lao động trong ngành y chùn bước. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu rằng ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, việc đúng thì cứ làm, minh bạch, bất vụ lợi thì làm. Thủ tướng nhắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

"Phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; "thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Làm việc phải thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật".

"Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật...".

(Thủ tướng Phạm Minh Chính)

Ngành Y tế đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp của mình qua hơn 2 năm lao vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 - cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ. Hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh; những "chiến sĩ áo trắng" tạm gác việc nhà, việc mình, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19, 10 nhân viên y tế tử vong trong đại dịch đã nói lên tất cả sự hy sinh to lớn của đội ngũ thầy thuốc.

Chỉ tính riêng việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn dân đã là một thành tích ấn tượng với thế giới, đưa nước ta trở thành một trong số ít quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, đã là một thành quả rực rỡ của ngành y tế.

Trình độ ngành y tiếp cận với thế giới

Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch, được cả xã hội trân trọng. Thành quả lớn nhất là chúng ta đã vượt qua đại dịch, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường để tập trung phát triển kinh tế như ngày hôm nay.

Các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng quận Tân Bình đang chăm sóc cho bệnh nhân tại khu điều trị

Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng một số chính sách đãi ngộ cho người lao động ngành y, như tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 01-01-2023. Trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ với cán bộ, nhân viên ngành y tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các cấp, ngành quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, với quan điểm "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".

Hiện toàn ngành Y có 500.000 cán bộ, y bác sĩ với chất lượng, trình độ chuyên môn ngày càng cao, nhiều chuyên gia ngang tầm thế giới. Đó là tài sản quý của quốc gia. Những thành tựu y học gần đây chứng minh rằng trình độ ngành y của nước ta đang tiếp cận với thế giới, thậm chí vượt trước tốc độ phát triển kinh tế.

Bệnh nhân đầu tiên được ghép đồng thời tim và thận thành công ở nước ta (ảnh do bệnh viện cung cấp)

Mới đây lãnh đạo TPHCM khen thưởng đột xuất cho tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì cứu chữa thành công bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp, tỷ lệ tử vong khá cao. Nhờ ứng dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cùng sự phối hợp kịp thời, chính xác của ê-kíp đã cứu sống được người bệnh. Trước đó cũng có một em bé chỉ 7 ngày tuổi nguy kịch, mạch máu còn quá nhỏ bé, mỏng manh, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO nên cứu được. Ngày 24-02, Bệnh viện Việt Đức đã thành công ca ghép đa tạng tim - thận đầu tiên cho bệnh nhân mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, là một thành công lịch sử nữa của ngành y nước ta, mở ra khả năng có thể thực hiện ghép 3 - 4 tạng cùng lúc.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành Y, cho phép chúng ta sẵn sàng đối phó với tình hình cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi; ô nhiễm môi trường; dịch Covid-19 khó dự báo. Bên cạnh đó, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số ca mắc tăng; xuất hiện một số dịch bệnh mới như đậu mùa khỉ, bệnh do virus Marburg..., đặc biệt sẵn sàng đối phó với cúm gia cầm A/H5N1 mà Campuchia vừa phát hiện ca tử vong tại tỉnh Prey Veng.

Ngành Y tế nước ta đang trưởng thành rất nhanh, những khó khăn hậu đại dịch Covid-19 chỉ là tạm thời, đặc biệt trong việc thiếu thuốc, thiết bị y tế. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa có chỉ đạo phải giải quyết cơ bản tình trạng này ngay trong tháng 2, đầu tháng 3-2023.

"Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật", những đóng góp to lớn của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được, nhất là trong việc khống chế thành công dại dịch Covid-19, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang