Xung quanh vụ bắt giữ 3 bị can Đặng Thị Hàn Ni, Đặng Anh Quân và Trần Văn Sỹ:

Hệ quả tất yếu của sự coi thường luật pháp

Thứ Hai, 27/02/2023 10:00  | Ngọc Anh

|

(CATP) Ngày 25-02, Cơ quan CSĐT Công an (CA) TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với Đặng Anh Quân, Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Ba cá nhân này bị bắt tạm giam không phải là điều quá bất ngờ đối với dư luận, bởi đó là hệ quả tất yếu của sự coi thường pháp luật của các bị can.

Xem thường pháp luật

Là trí thức đang tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Luật TPHCM, Đặng Anh Quân (SN 1978, chỗ ở hiện nay: xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TPHCM) lại tham gia vào những ồn ào trên mạng xã hội. Đặng Anh Quân bị bắt với vai trò là đồng phạm của Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) trong vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do CA TPHCM đang điều tra.

Cơ quan CSĐT CA TPHCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Anh Quân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cụ thể, theo CA TPHCM, khoảng tháng 3-2021, thông qua 12 tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp qua mạng internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau. Các buổi livestream được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tại các buổi phát trực tiếp, bị can Nguyễn Phương Hằng đã phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (NSƯT Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh) và bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là ông Lê Công Vinh.

Cơ quan CSĐT CA TPHCM xác định, Đặng Anh Quân đã trực tiếp tham gia livestream cùng Nguyễn Phương Hằng 11 buổi, từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022. Tại những buổi livestream này, Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Quân giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Hành vi của Đặng Anh Quân đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 24-02-2023, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đặng Anh Quân. Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.

Vì sao Đặng Thị Hàn Ni bị bắt?

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT CA TPHCM (Phòng CSHS CA TPHCM) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977, chỗ ở hiện nay: P.Tân Thuận Đông, Q.7, TPHCM) và Trần Văn Sỹ (SN 1957, chỗ ở hiện nay: P.27, Q.Bình Thạnh) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự. Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.

Cơ quan CSĐT CA TPHCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Thị Hàn Ni. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trước đó, Phòng CSHS CA TPHCM tiếp nhận, thụ lý, xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng tố cáo Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CA xác định: Hàn Ni và Trần Văn Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong Nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.

Mâu thuẫn lời qua tiếng lại giữa Hàn Ni và Nguyễn Phương Hằng bắt đầu trên mạng xã hội. Sau đó, Nguyễn Phương Hằng gửi nhiều đơn đến CA tỉnh Bình Dương, CA TPHCM và các cơ quan chức năng khác, tố cáo Đặng Thị Hàn Ni có dấu hiệu hành vi "xúc phạm, vu khống" và tấn công quỹ Hằng Hữu của Công ty CP Đại Nam. Nguyễn Phương Hằng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý Hàn Ni, buộc chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của mình khi không được sự đồng ý và bồi thường thiệt hại...

Ngược lại, Đặng Thị Hàn Ni cũng gửi đơn tố giác tội phạm đến Bộ CA, CA TPHCM, CA tỉnh Bình Dương, cho rằng bị Nguyễn Phương Hằng vu khống, làm nhục, xúc phạm trong các buổi livestream. Vào tháng 11-2021, Nguyễn Phương Hằng và nhiều người còn kéo đến trụ sở cơ quan của Hàn Ni để livestream, yêu cầu ra gặp mặt, gây mất an ninh trật tự...

Diễn biến vụ án liên quan đến Nguyễn Phương Hằng

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, liên quan đến vụ án Nguyễn Phương Hằng đã có tất cả 7 người bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú” để điều tra tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", bao gồm: Nguyễn Phương Hằng (SN 1971), Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý bị can Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng truyền thông Công ty CP Đại Nam), Đặng Thị Hàn Ni, Đặng Anh Quân và Trần Văn Sỹ.

Cơ quan CSĐT CA TPHCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Văn Sỹ. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cụ thể, ngày 24-3-2022, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng để điều tra tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Cơ quan điều tra cáo buộc Nguyễn Phương Hằng từ tháng 3-2021 đã thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi livestream để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người. Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng thừa nhận các thông tin mà Hằng phát ngôn về các cá nhân này là do đọc trên internet, đọc báo và... nằm mơ chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh.

Ngày 01-12-2022, Cơ quan CSĐT CA TPHCM tiếp tục tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân do các bị can này có vai trò giúp sức cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 4-2021, Nguyễn Phương Hằng chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Nhi tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội TikTok và tạo tài khoản Facebook cá nhân "Hoàng Nhi" để thông báo lịch phát sóng livestream, đăng các bài viết theo yêu cầu của Hằng.

Từ tháng 3-2021, bị can Lê Thị Thu Hà tham gia hỗ trợ Nguyễn Phương Hằng livestream, sắp xếp góc máy quay, sắp xếp sân khấu khi Hằng livestream. Ngoài ra, Hà còn lập tài khoản Facebook "Ha Lee" để thông báo lịch phát livestream và đăng tải bài viết theo chỉ đạo của Hằng.

Bị can Huỳnh Công Tân phát các buổi livestream qua mạng xã hội YouTube bằng laptop và máy quay của Công ty CP Đại Nam, theo chỉ đạo của Hằng. Đồng thời, Tân đọc lại các bình luận, dẫn chương trình cho các buổi livestream này.

Tại cơ quan điều tra, ba bị can Nhi, Hà và Tân đều khai nhận không có mâu thuẫn với những người mà Nguyễn Phương Hằng livestream xúc phạm. Do là nhân viên được Nguyễn Phương Hằng trả lương nên làm theo chỉ đạo, bằng cách giúp sức cho Hằng livestream, liên tục đăng tải các bài viết lên mạng xã hội Facebook để xúc phạm những cá nhân nêu trên.

Ở một diễn biến khác, tháng 4-2022, Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Dương khởi tố cùng tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Tháng 9-2022, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Dương đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tỉnh Bình Dương truy tố bị can Hằng về tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Ngày 19-10, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ vụ Nguyễn Phương Hằng cho CA TPHCM điều tra. Ngày 31-10, Cơ quan CSĐT CA TPHCM ra quyết định nhập vụ án do CA Bình Dương điều tra để giải quyết triệt để, toàn diện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang