(CAO) Trịnh Xuân Thanh cùng với Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy vừa bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo điểm a, khoản 4 Điều 278 Bộ luật hình sự.
Ngày 27-12-2017, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng số 12/CTr-VKSTC-V3 truy tố Trịnh Xuân Thanh cùng các đối tượng trên tội tham ô tài sản.
Trịnh Xuân Thanh
Theo cáo trạng, ngày 27-3-2010, Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 với giá 20.756,34 đồng/cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.
Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông Công ty TNHH Nam Hà Thành; Công ty CP Bất động sản Bưu chính viễn thông Việt Nam; Công ty CP đầu tư Vietsan và ông Nguyễn Minh Quý được ký theo giá như thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc (52 triệu đồng/m2).
Riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN ngày 2-4-2010 của Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) do Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc ký chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần thể hiện giá chuyển nhượng chỉ là 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza); tổng giá trị hợp đồng là gần 192 tỷ đồng.
So với giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng giảm hơn 87 tỷ đồng.
Kết quả điều tra đã xác định được các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị can Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 với số tiền hơn 87 tỷ đồng để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt.
Trong đó, bị can Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt được 14 tỷ đồng; bị can Đinh Mạnh Thắng đã chiếm đoạt 5 tỷ đồng; bị can Đào Duy Phong đã chiếm đoạt 8 tỷ đồng; bị can Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 2 tỷ đồng; bị can Đặng Sỹ Hùng đã chiếm đoạt 20 tỷ đồng; tổng cộng các bị can đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số 87 tỷ đồng.
Toàn bộ 12.120.000 cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thuộc phần vốn góp của PVC là doanh nghiệp Nhà nước có 87,87% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT và Đào Duy Phong - Chủ tịch HĐQT PVP Land, Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.
Số cổ phần này thuộc tài sản của Nhà nước giao cho các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh là những người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp quản lý, nhưng các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế để rút ra nhằm chiếm đoạt 87 tỷ đồng và thực tế đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện.
Các bị can Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng biết rõ việc chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn thực tế; nhưng tích cực thực hiện để rút tiền chênh lệch, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước….
Trong quá trình điều tra, bị can Đặng Sỹ Hùng đã chết, nên VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Đặng Sỹ Hùng.