(CAO) UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương truy quét và xử lý vụ 'đại công trường khai thác gỗ lậu' mà Báo Công an TP.HCM đã phản ánh.
Ngày 20-12, Báo Công an TP.HCM có bài phản ánh về đại công trường gỗ lậu tại vùng giáp ranh giữa huyện Đắk Đoa và Chư Păh (Gia Lai), cùng ngày UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương truy quét và xử lý.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở NN&PTNT Gia Lai chủ trì phối hợp với UBND hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vụ việc khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn.
Trường hợp vượt quá giới hạn xử lý hành chính thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Sự việc phải báo cáo kết quả về tỉnh trước ngày 25-12.
Con đường được mở dẫn vào khu rừng bị khai thác
Tiếp đó, UBND huyện Chư Păh cũng đã có văn bản yêu cầu Công an, Hạt kiểm lâm huyện, UBND xã Chư Đăng Ya và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ khẩn trương kiểm tra, truy quét. Đồng thời đề xuất UBND huyện có biện pháp xử lý các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra sự việc.
Gỗ bị khai thác khắp nơi trong rừng
Theo kết quả kiểm tra bước đầu, UBND huyện Chư Păh phát hiện 24 lóng gỗ tròn với khối lượng 20,6 m3 gỗ nhóm 5-6.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết, vẫn đang cho mở rộng phạm vi kiểm tra nên chưa phải số liệu cuối cùng. Bước đầu xác định rừng bị phá nằm trên địa phận xã Đắk Tờ Ver (huyện Chư Păh, thuộc quản lý của Ban quản lý Dự án 661 của Tỉnh đội Gia Lai - đơn vị được UBND tỉnh giao trồng và bảo vệ rừng) và Đắk Krong (huyện Đắk Đoa).
Những cây gỗ lớn bị chặt hạ chưa kịp vận chuyển đi
“Ngày 26-12 tới đây, Công an, Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm, các chủ rừng sẽ cùng nhau vào khám nghiệm hiện trường, lập biên bản khám nghiệm, qua đó mới có đủ cơ sở kết luận cụ thể”, ông Quang cho biết thêm.
(CAO) Rừng giáp ranh tại 2 huyện Chư Pah và Đắk Đoa (Gia Lai) đang bị
lâm tặc đốn hạ gỗ không thương tiếc. Điều đáng nói, lâm tặc đã mở hẳn 1 con đường xuyên núi để cho xe cơ giới vào khai thác, vận chuyển gỗ ra.