"Đại án trăm tỷ” liên quan Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House:

Từ quan hệ làm ăn đến "kéo nhau" phạm tội (kỳ 3)

Thứ Tư, 31/08/2022 10:04

|

(CATP) Trong vụ án này, Thuduc House chiếm đoạt hơn 365,5 tỷ đồng thì Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hoàng Nam Anh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lại liên quan đến "phi vụ” lừa đảo chiếm đoạt 19,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Bởi Nghiêm Nhật Nam (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam) và Nguyễn Thùy Quyên (Trưởng phòng kinh doanh Công ty Sài Gòn Tây Nam) gặp gỡ "sếp" của Công ty Hoàng Nam Anh...

Chiêu lừa tinh vi

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong vụ án này là hơn 538 tỷ đồng. Trong 3 công ty, Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) lừa chiếm hơn 365,5 tỷ đồng, Công ty Sài Gòn Tây Nam 153,2 tỷ đồng và Công ty Hoàng Nam Anh hơn 19,3 tỷ đồng.

Quá trình điều tra vụ án, các tổ chức, cá nhân liên quan đã nộp khắc phục các khoản tiền, như Thuduc House nộp hơn 365,5 tỷ đồng, Đào Thị Nga (nguyên cán bộ Chi cục thuế Q1) nộp 776 triệu đồng, Ngô Huỳnh Lũy (nguyên cán bộ Chi cục thuế Q5) nộp 497 triệu đồng... Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng phong tỏa tiền trong 9 tài khoản ngân hàng, kê biên, tạm dừng giao dịch tài sản là 34 bất động sản...

Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam là doanh nghiệp Nhà nước, tiền thân là Chi nhánh Tổng công ty Thương mại Sài Gòn Satra tại Mộc Bài, thành lập ngày 26-10-2006; đến ngày 25-5-2009 sáp nhập Chi nhánh của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn tại Mộc Bài và Tịnh Biên, thành Công ty TNHH MTV Satra Tây Nam. Ngày 15-10-2014, UBND TPHCM phê duyệt phương án chuyển Công ty TNHH MTV Satra Tây Nam thành công ty cổ phần và ngày 31-3-2015 quyết định về việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đối với Công ty TNHH MTV Satra Tây Nam.

Sau khi cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam, được Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ hơn 107,7 tỷ đồng (Nhà nước sở hữu 99,79% vốn điều lệ), Nguyễn Ngọc Quý làm Tổng giám đốc từ ngày 1-4-2015 đến 30-4-2019, sau đó là Nghiêm Nhật Nam làm Tổng giám đốc từ ngày 1-5-2019 đến 27-5-2021.

Công ty CP TM Sài Gòn Tây Nam báo cáo doanh thu 2015 - 2020 đạt hàng ngàn tỷ đồng

Khoảng tháng 2-2018, "trùm buôn lậu" Trịnh Tiến Dũng và Trần Hoàn Tiên đến Công ty Sài Gòn Tây Nam gặp Nguyễn Ngọc Quý (Tổng giám đốc) và Nguyễn Thùy Quyên (Trưởng phòng kinh doanh) bàn bạc về việc Dũng sẽ cung cấp linh kiện điện tử gồm chip, ram... cho Công ty Sài Gòn Tây Nam. Đến tháng 3-2018, đối tượng Lâm (thuộc nhóm lừa đảo của Trịnh Tiến Dũng, đang ở Mỹ) gọi điện thoại cho Quyên giới thiệu là Việt kiều Mỹ có nhu cầu mua linh kiện điện tử, rồi gửi đơn đặt hàng qua email cho Quyên.

Nhận thấy có nhu cầu từ nước ngoài, Quyên liên hệ với Trần Hoàn Tiên để trao đổi, thống nhất việc Công ty Sài Gòn Tây Nam mua linh kiện điện tử của Trịnh Tiến Dũng để xuất khẩu... Tháng 9-2018, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo Nguyễn Thiên Phú làm việc với Quyên để đưa thêm đối tác Campuchia ký hợp đồng nhập khẩu linh kiện điện tử của Công ty Sài Gòn Tây Nam. Từ tháng 3-2018 đến tháng 6-2019, Công ty Sài Gòn Tây Nam đã ký hợp đồng đầu vào với các công ty của Trần Hoàn Tiên làm giám đốc, như Công ty Vùng đất Máy tính, Công ty Mega E&T VN và các công ty ở nước ngoài của Lâm - Phú.

Đến tháng 5-2019, Nghiêm Nhật Nam giữ chức Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam thay cho Nguyễn Ngọc Quý, tiếp tục chỉ đạo Quyên thực hiện các hợp đồng xuất khẩu linh kiện điện tử với lợi nhuận ròng tối thiểu 1% và giao cho Quyên lo các chi phí bên ngoài, như tiếp khách, thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế. Cuối tháng 5-2019, Trần Nhất Thanh thay Tiên điều hành toàn bộ việc mua bán, xuất khẩu với Công ty Sài Gòn Tây Nam.

Theo đó, Thanh trao đổi và thống nhất với Quyên để tiếp tục để Công ty Sài Gòn Tây Nam ký hợp đồng đầu ra với các công ty của Thanh ở nước ngoài và ký hợp đồng đầu vào với các công ty ở trong nước. Thanh "chi ngoài" cho Quyên số tiền theo tỷ lệ là 0,1% đến 0,2% trên tổng giá trị lô hàng. Chưa hết, Thanh còn chi ngoài cho Tổng giám đốc Nghiêm Nhật Nam số tiền theo tỷ lệ là 0,15% đến 0,2% trên tổng giá trị lô hàng.

Nghiêm Nhật Nam trước khi bị bắt

Từ thỏa thuận ăn chia, Quyên và Nghiêm Nhật Nam đồng ý, Thanh đưa cho Nam CMND giả mang tên Lê Đông Nam, nhưng lại dán ảnh của Nghiêm Nhật Nam. Dùng CMND giả mạo này, Tổng giám đốc Nghiêm Nhật Nam đi mở tài khoản ngân hàng và chuyển thông tin cho Thanh để nhận tiền ngoài hàng tháng. Đến cuối tháng 6-2019, "ông trùm" Trịnh Tiến Dũng nói với Nam nếu doanh số xuất khẩu linh kiện điện tử trên 5 triệu USD/tháng, thì sẽ chi thêm cho Nam từ 0,15% đến 0,2% trên tổng giá trị lô hàng, Dũng chỉ đạo cho Thanh trực tiếp chuyển tiền cho Nam...

Qua điều tra, tổng giá trị xuất khẩu linh kiện điện tử của Công ty Sài Gòn Tây Nam từ tháng 3-2018 đến tháng 5-2019 là hơn 1.936 tỷ đồng. Theo tỷ lệ "ăn chia", Công ty Sài Gòn Tây Nam hưởng 31,8 tỷ đồng.

Những ai bắt tay với "ông trùm"?

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT hơn 19,3 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hoàng Nam Anh, do xuất phát từ trước đây công ty này tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) có quan hệ làm ăn kinh doanh thực phẩm đóng hộp và hàng tiêu dùng với Công ty Sài Gòn Tây Nam ở Tây Ninh nên Công ty Sài Gòn Tây Nam bàn bạc trao đổi với Công ty Hoàng Nam Anh về việc xuất khẩu linh kiện điện tử cho đối tác nước ngoài, mà khách hàng là do Công ty Sài Gòn Tây Nam giới thiệu.

Từ ngày 6-3-2020 đến 21-7-2020, Công ty Sài Gòn Tây Nam (do Nghiêm Nhật Nam làm Tổng giám đốc) ký 22 hợp đồng, xuất 33 hóa đơn GTGT bán linh kiện điện tử cho Công ty Hoàng Nam Anh (do Nguyễn Thị Ngọc Thương làm Giám đốc), với tổng trị giá hơn 361 tỷ đồng (gồm hơn 328,2 tỷ đồng tiền hàng và hơn 32,8 tỷ đồng tiền thuế GTGT). Sau khi mua hàng, Công ty Hoàng Nam Anh ký 33 hợp đồng xuất khẩu linh kiện điện tử cho 2 đối tác nước ngoài, tổng trị giá hơn 14,3 triệu USD (tương đương 333,5 tỷ đồng).

Cũng theo kết quả điều tra, từ tháng 3-2020 đến tháng 8-2020, Công ty Hoàng Nam Anh do Nguyễn Thị Ngọc Thương làm giám đốc đại diện đã ký đề nghị Cục thuế tỉnh Đồng Nai hoàn thuế 5 lần và đã được hoàn tiền thuế GTGT hơn 19,3 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Ngọc Thương (nguyên Giám đốc Công ty Hoàng Nam Anh) khai chỉ ký hợp đồng mua vào rồi bán ra, được hưởng lợi nhuận cố định 1,5% trên tổng doanh số, không biết về nguồn gốc hàng hóa trong nước và không làm việc với đối tác nước ngoài.

Trụ sở Công ty Hoàng Nam Anh khi cơ quan chức năng tìm đến đã đóng cửa

Cũng xuất phát từ chỗ "làm ăn" lâu nay, khi Nguyễn Thị Ngọc Thương - Giám đốc Công ty Hoàng Nam Anh được Nghiêm Nhật Nam - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam trao đổi về cung cấp hàng hóa là linh kiện điện tử. Điều rất "ấn tượng" là hàng linh kiện điện tử có nguồn sẵn do Công ty Sài Gòn Tây Nam cung cấp cho Công ty Hoàng Nam Anh, ngay cả đối tác nước ngoài đặt mua các linh kiện điện tử này cũng là do Công ty Sài Gòn Tây Nam giới thiệu.

Chưa hết, lượng hàng hóa, giá cả đều do Sài Gòn Tây Nam cung cấp, như vậy Công ty Hoàng Nam Anh như "ngồi mát ăn bát vàng", trong khi đó Công ty Sài Gòn Tây Nam còn "quảng cáo" là nguồn hàng ổn định từ năm 2018, phía nước ngoài cũng đặt hàng liên tục khiến Hoàng Nam Anh tham gia vào đường dây mua bán linh kiện điện tử dỏm trong nước rồi xuất đi nước ngoài, hưởng tiền chênh lệch và lập hồ sơ đề nghị hoàn tiền thuế GTGT chiếm đoạt của Nhà nước hơn 19,3 tỷ đồng.

Như vậy, đối với Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam) phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ký hồ sơ mua bán, xuất khẩu và hoàn thuế, giúp Trịnh Tiến Dũng lừa đảo chiếm đoạt hơn 25,5 tỷ đồng tiền thuế GTGT, nên phải liên đới chịu trách nhiệm. Còn Nghiêm Nhật Nam (nguyên Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Tây Nam) cũng phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", vì giúp cho Trịnh Tiến Dũng lừa đảo chiếm đoạt của Nhà nước hơn 137,5 tỷ đồng và Nam còn phạm vào tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức", vì sử dụng CMND giả để mở tài khoản ngân hàng.

Cùng với bị can Quý và Nam, Nguyễn Thùy Quyên (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty Sài Gòn Tây Nam) phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", giúp cho "ông trùm" Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 172,6 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Đối với nguyên Giám đốc Công ty Hoàng Nam Anh - Nguyễn Thị Ngọc Thương phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc ký hồ sơ mua bán, xuất khẩu và thuế, giúp Dũng lừa chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thuế GTGT của Nhà nước.

(Còn tiếp...)

Lừa đảo chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng (kỳ 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang