"Đại án trăm tỷ” liên quan Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House:

Lừa đảo chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng (kỳ 2)

Thứ Ba, 30/08/2022 13:00  | Quốc Phong

|

(CATP) Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hơn 538 tỷ đồng. Trong 3 công ty, số tiền bị chiếm đoạt nhiều nhất là Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã mua linh kiện điện tử để xuất khẩu và hoàn hơn 365,5 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Trong số 34 bị can bị đề nghị truy tố, có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng khi đó là Tổng giám đốc Thuduc House và nhiều đồng phạm...

Mánh khóe "cuỗm" tiền hoàn thuế

Trong 3 công ty lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế GTGT hơn 538 tỷ đồng, gồm: Thuduc House hơn 365,5 tỷ đồng, Công ty Sài Gòn Tây Nam hơn 153,3 tỷ đồng và Công ty Hoàng Nam Anh hơn 19,3 tỷ đồng.

Tại các hồ sơ đề nghị Cục thuế TPHCM hoàn tiền thuế GTGT, Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (nguyên Tổng giám đốc Thuduc House), Nguyễn Ngọc Trường Chinh (nguyên Phó tổng giám đốc Thuduc House) đều ký cam kết, giải trình với Cục thuế TPHCM: "Cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những số liệu đã kê khai".

Theo điều tra, Thuduc House đăng ký kinh doanh theo dạng công ty cổ phần từ năm 2001, có trụ sở tại đường Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q1. Vốn tiền thân là Công ty Quản lý và Phát triển nhà Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, thành lập từ năm 1990). Vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, đến tháng 8-2020 Thuduc House có vốn điều lệ là hơn 1.126 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 67 tỷ đồng (chiếm 6% vốn điều lệ).

Nguyễn Vũ Bảo Hoàng - Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, cũng là người đại diện theo pháp luật của Thuduc House (được bổ nhiệm từ ngày 1-6-2005). Trong đó, Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Trading là công ty "con" của Thuduc House. Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Trading là công ty 100% vốn góp của Thuduc House.

"Ông trùm" Trịnh Tiến Dũng (đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế) và A Lưu (quốc tịch Singapore) làm ăn chung từ năm 2016 đến tháng 12-2018. Từ tháng 1-2019 đến tháng 9-2019, Dũng làm ăn riêng. Việc mua hàng của các công ty trong nước rồi bán cho Thuduc House để xuất cho các đối tác nước ngoài đều do A Hoạt (quốc tịch Singapore) và Nguyễn Thiên Phú (nhân viên của A Lưu và Trịnh Tiến Dũng) trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận với Nguyễn Văn Lành theo phương thức, là nhóm của Trịnh Tiến Dũng chỉ định về hàng hóa, đối tác ký hợp đồng đầu vào, đầu ra, giá mua, giá bán, đối tác nước ngoài sẽ thanh toán trước 100% giá trị tiền hàng.

Nguyễn Vũ Bảo Hoàng từng ký cam kết đề nghị hoàn tiền thuế GTGT để chiếm đoạt

Thuduc House chỉ ứng trước 10% tiền thuế GTGT và được trả lại khi Nhà nước hoàn thuế GTGT. Công ty của Lành làm trung gian được hưởng lợi theo số tiền chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra của Công ty TNHH Thương mại Bình Thạnh (Công ty Bình Thạnh) và Công ty TNHH An Lành Phát (Công ty An Lành Phát). Thực hiện thỏa thuận này, khoảng tháng 12-2016, Lành gặp Quan Minh Tuấn (kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Bích Ngọc (trưởng phòng xuất nhập khẩu) của Thuduc House để bàn bạc và thống nhất về việc 2 công ty của Lành là Công ty Bình Thạnh và An Lành Phát bán linh kiện điện tử cho Thuduc House để xuất khẩu cho đối tác nước ngoài (do Lành chỉ định).

Đường đi của linh kiện điện tử dỏm

Từ việc bàn bạc, thống nhất kiểu làm ăn phi pháp, Lành dùng 2 công ty của mình bán linh kiện điện tử cho Thuduc House, rồi từ đó Thuduc House lại đi xuất khẩu linh kiện điện tử ra nước ngoài (đều là linh kiện điện tử dỏm), nhưng đối tác ở nước ngoài cũng do Lành chỉ định. Mục đích của "liên minh ma quỷ” này là hợp thức hóa hồ sơ nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước. Cũng theo thỏa thuận, kiểu "làm ăn" được thỏa thuận giữa Lành và Thuduc House, thì Thuduc House được hưởng 0,6% trên tổng giá trị tiền hàng mua vào.

Với "chiêu" mua bán lòng vòng nhằm tránh bị phát hiện, từ tháng 2-2018 đến tháng 8-2019, Thuduc House chuyển cho công ty "con" của mình là Công ty Thuduc House Wood Trading mua hàng của Công ty Bình Thạnh và Công ty An Lành Phát (đều của Lành). Sau đó, Công ty Thuduc House Wood Trading lại bán hàng linh kiện điện tử này cho công ty "mẹ”, đó là Thuduc House, để Thuduc House mang hàng đi xuất khẩu, nhằm hợp thức các thủ tục hồ sơ hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt. Cứ mỗi lần "mua bán lòng vòng" như vậy, thì Công ty Thuduc House Wood Trading được hưởng thêm 0,1% trên tổng giá trị tiền hàng mua vào.

Qua công tác điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ tháng 2-2018 đến tháng 6-2019, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo Nguyễn Thiên Phú trực tiếp liên hệ với Nguyễn Văn Lành qua phần mềm Whatsapp để cung cấp thông tin hợp đồng, tờ khai hàng hóa xuất khẩu (thông tin về công ty ở nước ngoài, chủng loại, số lượng, giá cả hàng hóa, trị giá hợp đồng).

Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Quan Minh Tuấn và Nguyễn Văn Lành (từ trái sang)

Tiếp đó, theo chỉ định của Nguyễn Văn Lành, các đối tượng tại Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng kinh tế, với 8 công ty ở nước ngoài bán hàng hóa là linh kiện điện tử cho các đối tác (mà giá cả, chủng loại, trị giá hợp đồng đều do Lành định sẵn). Thuduc House mở tờ khai làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, tổng trị giá hàng xuất khẩu lên đến gần 158 triệu USD (tương đương hơn 3.676 tỷ đồng), thuế GTGT hàng xuất khẩu bằng 0%.

Cũng nhằm hợp thức đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với Công ty Bình Thạnh (2 hợp đồng), còn lại 332 hợp đồng là Thuduc House lập và ký với công ty "con" của mình, đó là Công ty Thuduc House Wood Trading có tổng trị giá hơn 4.023 tỷ đồng (trong đó tiền hàng là hơn 3.657 tỷ đồng, tiền thuế GTGT 10% là hơn 365,7 tỷ đồng). Với chiêu trò này, Thuduc House từ tháng 2-2018 đến tháng 6-2019, lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục thuế TPHCM đề nghị hoàn thuế GTGT hơn 365,7 tỷ đồng.

Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hoàn thuế, từ ngày 20-4-2018 đến 23-7-2019, Cục thuế TPHCM đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế GTGT cho Thuduc House hơn 365,5 tỷ đồng.

Dùng chiêu chuyển tiền lòng vòng

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, để chiếm đoạt được tiền thuế của Nhà nước, "ông trùm" Nguyễn Tiến Dũng thông qua Nguyễn Văn Lành thỏa thuận với nhóm đối tượng tại Thuduc House bằng thủ đoạn, khi đại diện Thuduc House ký xong hợp đồng với các công ty nước ngoài, công ty nước ngoài chuyển tiền cho Thuduc House. Theo đó, Thuduc House bỏ ra 10% giá trị lô hàng trước, ký hợp đồng và chuyển tiền cho các công ty của Lành làm giám đốc.

Thuduc House được hưởng lợi nhuận từ 0,6 đến 0,7% giá trị lô hàng trên cơ sở chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra trên hợp đồng. Trong thời gian từ tháng 2-2018 đến tháng 6-2019, để hợp thức hóa đầu vào, thực hiện chiếm đoạt tiền hoàn thuế, Trịnh Tiến Dũng và Lưu Thị Ngát sử dụng 10 công ty "ma" (không có thực), như Công ty Vùng đất Máy Tính, Công ty Vạn Tùng Nguyên, Công ty Nguyên Tùng, Công ty Việt Khánh Hưng, Công ty Phúc Thiên Tân, Công ty Alex Vina, Công ty BTC Việt Nam, Công ty Goodluck, Công ty Hiếu Bảo và Công ty Royal Power để ký hợp đồng và xuất 333 hóa đơn GTGT, thể hiện bán linh kiện điện tử cho 2 công ty của Lành (Công ty Bình Thạnh và Công ty An Lành Phát).

Với tổng trị giá hàng hóa gần 4.016 tỷ đồng (gồm hơn 3.650 tỷ đồng là tiền hàng và hơn 365 tỷ đồng tiền thuế GTGT), sau khi Lành nhận được tiền từ Thuduc House và Thuduc House Wood Trading, Lành chuyển cho các công ty do Dũng chỉ định. Sau đó Trịnh Tiến Tiến Dũng chỉ đạo chuyển tiền lòng vòng qua các công ty "ma" hoặc chỉ đạo các cá nhân rút tiền mặt toàn bộ số tiền này để chiếm đoạt.

Từ tháng 2-2018 đến tháng 6-2019, Thuduc House nhận gần 158 triệu USD (tương đương hơn 3.676,6 tỷ đồng) từ 8 công ty nước ngoài do Trịnh Tiến Dũng và đồng bọn điều hành. Nguyễn Văn Lành làm giám đốc 2 Công ty Bình Thạnh và An Lành Phát chuyển cho 10 công ty ở nước ngoài do Dũng và đồng bọn chỉ đạo với hơn 4.015,9 tỷ đồng... Sau đó, Dũng và đồng bọn rút toàn bộ số tiền.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện dấu hiệu tội phạm trong việc Thuduc House chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT. Ngày 12-1-2020, Cục thuế TPHCM đã có văn bản đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật. Tại văn bản này, Cục thuế TPHCM đã xác định hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của Thuduc House.

Ngoài ra, Thuduc House sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, cụ thể là hợp đồng xuất khẩu lập giao dịch xuất khẩu giả tạo và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn đầu vào. Các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu chiếm đoạt tiền thuế GTGT liên quan đến hồ sơ hoàn thuế GTGT tại Thuduc House tổng số tiền hơn 365,5 tỷ đồng.

(Còn tiếp...)

Vụ án lừa đảo, nhận hối lộ và buôn lậu cực lớn (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang