Về 'thủ phủ' khai thác đất trái phép

Thứ Năm, 10/03/2016 08:06  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Hàng ngày, chỉ riêng địa bàn xã Mỹ Hội Đông (thuộc huyện Chợ Mới, An Giang) có đến hàng trăm phương tiện ngày đêm khai thác đất lậu phục vụ cho các lò sản xuất gạch, dù hành vi này đã từ lâu bị ngăn cấm.

Đồng lúa biến thành ao cá, ruộng ấu

Với nguồn lợi nhuận cao hơn gấp hàng chục lần xử phạt nên rất nhiều nông dân ở các xã như: Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Kiến An, Long Giang, Long Điền A… vẫn ồ ạt bán đất mặt ruộng cho các chủ lò gạch (chủ cối).

Phương tiện sử dụng khai thác chủ yếu là máy kobe, máy ủi, xe tải, máy ép tà lệch. Với việc khai thác rầm rộ, lén lút đã làm cho nhiều tuyến đường, cầu cống bị băm nát, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Vì lợi nhuận trước mắt nên người dân ùn ùn bán đất ruộng cho các chủ lò gạch

Khốn khổ trước nạn khai thác đất lậu tại địa phương, ông N. (45 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hội Đông) bức xúc nói: “Xe chở đất chạy nườm mượp mỗi ngày làm khói bụi bay mù mịt, đất rơi vãi trên các đoạn đường đi qua và chúng tôi sống ở khu vực này như bị tra tấn. Quần áo, đồ đạc trong nhà lúc nào cũng bị bụi bám đầy".

"Xe chở đất đều chạy với tốc độ cao và quá trọng tải gấp nhiều lần, làm cho các tuyến lộ bị băm nát. Việc vận chuyển lúc nào cũng có lực lượng canh đường. Người dân ở đây ai cũng bị ám ảnh bởi việc vận chuyển diễn ra từ 4 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm”, ông N. nói.

Mới đây, chúng tôi tìm về xã Mỹ Hội Đông - nơi được gọi là “thủ phủ” khai thác đất trái phép. Tại đây, hầu như tất cả các ấp trong xã đều có diễn ra tình trạng mua, bán đất. Hiện nơi diễn ra sôi động nhất là cống Tha La.

Con đường độc đạo vào cống này lúc nào cũng trong cảnh lầy lội, ổ gà ổ voi, cây cối thì bụi bám trắng xóa, nhà cửa đóng chặt để trốn bụi và giảm tiếng ồn của những đoàn xe quá tải. Dọc theo đường là những chiếc xe tải chất đầy đất ép thành tà lệch để đợi khi nào vắng lực lượng chức năng thì phóng nhanh về điểm tập kết. Thấy có người lạ vào công trường thì họ lập tức ngưng hoạt động để dò xét tình hình.

Mỗi ngày, riêng địa bàn Mỹ Hội Đông có hàng trăm lượt xe tải chở đất trái phép

Hầu hết các chủ lò gạch thỏa thuận với chủ đất rồi thuê nhân công sử dụng kobe múc đất đổ lê máy ép ra tà lệch tại ruộng rồi dùng xe tải vận chuyển về nơi tập kết. Khi bị phát hiện thì người dân lí giải rằng bán lớp đất mặt ruộng là do đất gò cao, bán lớp này để cải tạo mặt ruộng, vừa có vốn đầu tư cho vụ tiếp theo… Và xuất phát từ những lí do đó mà những cánh đồng vàng ngày đêm bị “xẻ thịt”.

Đang chờ đất chất đầy xe để đưa về lò, ông Hồ Văn Nhơ (44 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thành) nói: “Đây là vùng bao đê, chuột nhiều, đất gò cao nên người dân bán đất thấp xuống để làm ruông. Đất tôi không bán nên năng suất lúa chỉ đạt từ 800 – 900kg/công. Đoạn đường khai thác này dài 2km nhưng chỉ 1km có nhà ở. Mỗi công (1.000m2) đất mặt tiền và tốt sẽ có giá từ 100 – 120 triệu đồng/công còn đối với những nơi bình thường sẽ được thu mua theo giá 20 triệu đồng/tấc/công và cứ lấy bao nhiêu thì tính bấy nhiêu".

"Tuy nhiên thường nông dân bán từ 3 – 4 tấc hoặc bán thành hầm (ao). Việc mua bán, khai thác chúng tôi biết là trái phép nhưng đã lỡ mua rồi thì ráng đeo khai thác cho hết. Mỗi ngày, xe vận chuyển được khoảng 10 chuyến”, ông Nhơ cho biết.

Vận chuyển dập dìu, xử phạt nhỏ giọt

Việc khai thác, lấy tầng mặt của đất trồng lúa là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, tạo vùng trũng dẫn đến việc canh tác nông nghiệp không đồng bộ, ảnh hướng đến sản xuất, làm ô nhiễm môi trường…

Cầu có giới hạn trọng tải 1 tấn nhưng xe chở 3 - 4 tấn đất vẫn lưu thông rầm rộ

Ông N.L.P (ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hội Đông) có 5 năm chở đất tà lệch mướn nói: “Giờ chỉ còn con rễ chở mướn cho các chủ cối chứ bản thân tôi đã chuyển sang chở hàng hóa, dù ít tiền nhưng an tâm. Xe chở đất ở đây chở từ 3 - 4 tấn đất và cộng với thân xe là gần 6 tấn. Mỗi xe chở 350 cục đất, mỗi cục nặng 11kg. Ngoài việc chở quá tải thì nhiều xe không còn niên hạn sử dụng, tài xế không có bằng lái. Đất mua tính bằng tấc, 4 tấc đầu là 12 triệu đồng/tấc/công, rồi tấc thứ 5 là 10 triệu, thứ 6 là 9 triệu, thứ 7 là 8 triệu….từ 1m trở xuống là 5 triệu đồng/tấc”.

Được biết, mỗi chuyến xe chở đất với đoạn đường từ 2 – 5km thì chủ xe được chủ lò trả 130.000 đồng. Sau khi trừ các khoản như tiền tài xế, dầu, bốc vác thì chủ xe có nguồn thu nhập 60.000 đồng/chuyến.

Với nguồn thu nhập có phần hấp dẫn nên rất nhiều người dân ở các xã hiện đang khai thác đất trái phép bỏ vài chục triệu đồng để mua xe về chở mướn, tự làm tài xế khi không có bằng lái. Tuy nhiên, với việc chạy với tốc độ cao, không giờ giấc, chở quá tải và sử dụng xe hết hạn sử dụng đã gây ra không ít vụ tai nạn.

Nhiều tuyến đường bị băm nát bởi xe chở đất quá tải

Trước vấn nạn trên, ngoài việc thành lập đoàn kiểm tra, UBND huyện Chợ Mới ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh và chỉ đạo UBND các xã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất. Thế nhưng, tình trạng khai thác trái phép ở các địa phương không có chiều hướng giảm.

Ông Hồ Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông cho biết:

“Toàn xã có 9/10 ấp diễn ra tình trạng mua bán đất trái phép và đang có chiều hướng phức tạp do các chủ sản xuất chuyển sang lò công nghệ nên cần nguồn nguyên liệu nhiều.

Địa phương có có 42 cơ sở sản xuất gạch gồm: 36 lò thủ công, 22 lò Hoffman. Mỗi lò thuê từ 40 – 50 lao động. Hiện trên địa bàn có 126 xe tải chở đất có đăng kiểm, còn số lượng xe tự chế, quá hạn thì chưa thống kê được.

Đối với những trường hợp vận chuyển trái phép thì bị phạt 4 triệu đồng. Từ tháng 9-2015 đến nay xã đã xử phạt 9 trường hợp. Những trường hợp bán đất mà bị lập biên bản 3 lần thì sẽ bị thu hồi đất do sử dụng sai mục đích.

Tất cả đất diện tích đất ở đây đều canh tác cho năng suất cao, không phải vùng gò đồi hay vùng cần được cải tạo. Do lợi nhuận cao hơn xử phạt nên người dân bất chấp vi phạm”.

Ngoài 40,5 ha đất trồng lúa được UBND xã Mỹ Hội Đông phát hiện và lập biên bản do khai thác trái phép thì còn rất nhiều diện tích khác bị “xẻ thịt”. Thiết nghĩ ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang