Du lịch tự do thám hiểm đang thách thức ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng

Thứ Ba, 01/03/2016 09:38  | Ngọc Hà

|

(CAO) 3 ngày, 2 vụ, 4 người nước ngoài bị tai nạn thương vong tại 2 thác nước nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây rõ ràng là thông tin bất lợi cho ngành du lịch địa phương này.

Nguyên nhân các vụ tai nạn do đâu? Rất cần được các ngành chức năng địa phương nhanh chóng làm rõ để đảm bảo uy tín ngành du lịch tỉnh này; rộng ra là du lịch Việt Nam, đảm bảo sự yên tâm, an toàn với du khách.

Thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng bị ảnh hưởng

TP. Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung được biết đến là vùng đất có nhiều thác nước, hồ, suối đẹp lung linh, nổi tiếng. Có thể kể đến các thác Prenn, Datala, thác Hang Cọp, suối Vàng, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương… (TP.Đà Lạt); thác Pongour, thác Bảo Đại, hồ Đại Ninh (huyện Đức Trọng); thác Voi (huyện Lâm Hà), thác Popla (huyện Di Linh), thác Đam’Bri (TP.Bảo Lộc)…

Những năm qua, du khách và người dân địa phương chỉ đơn thuần có thú du lịch ngắm cảnh, dạo chơi, tắm mát tại các địa danh này và đều được an toàn. Và rồi, không ít lần, có những nhóm học sinh, sinh viên đi tham quan, picnic, dã ngoại, chụp ảnh; do bất cẩn, trượt chân té, dẫn đến có những trường hợp bị tử vong. Thời gian trôi qua, nhưng vụ tai nạn đó dần trôi vào quên lãng, những con thác, dòng nước này vẫn trở thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn với nhiều người.

Trò chơi đu dây trượt thác mạo hiểm ở KDL thác Datala

Khoảng gần 10 năm nay, tại TP.Đà Lạt xuất hiện loại hình du lịch tự khám phá, thể thao mạo hiểm, thu hút đông đảo du khách nước ngoài và dân mê “phượt” trên khắp mọi miền tổ quốc. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, hiện tượng này rộ lên. Mọi người không còn lạ cảnh thường thấy các nhóm du khách ăn vận trang phục thể thao, mũ bảo hiểm chỉnh tề, cưỡi mô tô, xe máy cột chằng chịt những ba lô, túi đựng lương thực… đến các khu du lịch (KDL) hồ, thác dã ngoại, khám phá tự nhiên.

Nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài rất thích tham gia các trò chơi mạo hiểm. Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu này của du khách, nhiều công ty du lịch mạo hiểm “mọc” lên. Bất ngờ, trong 2 ngày 26 và 28-2-2016, thông tin 4 du khách nước ngoài tử nạn tại 2 địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng là thác Datala và thác Pongour khiến nhiều người bàng hoàng, ngỡ ngàng. Rõ ràng, kiểu du lịch này đang tiềm ẩn đầy rủi ro. Các nhà làm du lịch chuyên nghiệp của Đà Lạt – Lâm Đồng ở đâu? Có hay không? Có đủ đáp ứng cho ngành du lịch bộc phát đầy lôi cuốn, hấp dẫn này (với một số người) hay không? Nếu không làm tốt, thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng tất sẽ bị ảnh hưởng.

Làm du lịch kiểu chộp giựt, thiếu chuyên nghiệp

Từ vụ 3 du khách người Anh tử nạn khi đang tham gia du lịch mạo hiểm ở thác Datanla (ngày 26-2) đến cái chết của nam thanh niên người Belarus ở thác Pongour (xảy ra lúc 15 giờ ngày 28-2), phải nói rằng, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đang có kiểu làm ăn rất thiếu chuyên nghiệp, có tính chất chộp giựt. Nếu không điều chỉnh, tai nạn chết người xảy ra tại các khu du lịch này sẽ không dừng lại.

Ba du khách người Anh nếu được hướng dẫn mua vé vào cổng chính thống, sử dụng các thiết bị bảo hiểm, có hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm chỉ dẫn, sự cố đáng tiếc chưa chắc đã xảy ra. Hoặc giả như họ bị ngăn chặn quyết liệt vì không đủ điều kiện bước chân vào khám phá khu vực thác nước nguy hiểm này, đã không có vụ tai nạn. Họ không tự quyết định vào đây mà có người đã dẫn đường, làm hướng dẫn viên cho họ. Vì lẽ đó, các đơn vị liên quan đến KDL này phải liên đới chịu trách nhiệm. Sự quyết định không đi bằng cổng chính, chấp nhận đối mặt với nguy hiểm trong quá trình vượt thác của họ là một phần lỗi của họ.

Cũng tại vị trí 3 du khách người Anh tử nạn, trước đó, vào ngày 25-3-2010, 8 sinh viên trường Cao đẳng nghề Đà Lạt cũng tự đi du lịch dã ngoại vào khu vực này, trong lúc lội nước, leo trèo trên các mỏm đá, 2 sinh viên nam cũng bị trượt chân té, dẫn đến tử vong.

Vụ tai nạn của nạn nhân người Belarus tại thác Pongour rõ ràng có lỗi chủ quan của Ban quản lý KDL thác Pongour. Du khách này được cho là thuê xe ôm (xe thồ) chở tới, không mua vé mà tự ý vào cổng rồi đi thẳng xuống thác; một vài nhân viên KDL phát hiện du khách này có mùi rượu, nạn nhân sau đó xuống thác tắm và bị chết đuối.

Nếu thông tin trên được ngành chức năng xác tín, lực lượng KDL này có phần trách nhiệm. Tại sao lại có sự dễ dãi như vậy với du khách? Anh này không mua vé vào cổng, tức không đủ điều kiện, buộc phải yêu cầu dừng lại để đáp ứng thủ tục. Nếu phát hiện du khách có mùi rượu bia, lại có nhu cầu xuống thác tắm thì phải lường được mối nguy hiểm mà ngăn anh này lại. Khi nạn nhân gặp nạn, không có lực lượng bơi lội chuyên nghiệp giải cứu kịp thời dẫn đến hậu quả xấu. Trong vụ này, không thể đổ hết lỗi cho du khách xấu số.

Du khách “ba lô” rất thích du lịch “bụi”, tham gia những tour du lịch khám phá, mạo hiểm thậm chí là nguy hiểm và thường họ chỉ chịu mức giá tiết kiệm hết mức. Họ khá tự tin, sẵn sàng đối mặt với mối rủi ro cao, thậm chí đe dọa cho tính mạng. Có cung ắt có cầu, những dịch vụ du lịch mạo hiểm dạng này hiện phát triển mạnh, không ở Việt Nam trong khi việc quản lý hết sức lỏng lẻo. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá thành tour, để thu hút khách.

Trên thực tế, các công ty du lịch kinh doanh tour “mạo hiểm” gần như không được kiểm soát. Ngay cả cơ quan chức năng cấp phép cũng khá dễ dãi, thiếu chuyên gia đạt chuẩn quốc tế về du lịch mạo hiểm để kiểm tra, cấp phép và giám sát sau cấp phép.

Trong khi đó, không ít DN làm ăn cẩu thả, chộp giựt, ngại các thủ tục đăng ký rườm rà với trường hợp du khách là người nước ngoài với các cơ quan chức năng địa phương; các DN làm qua loa, không mua bảo hiểm cho khách; sở hữu đội ngũ nhân viên thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều DN kinh doanh loại hình du lịch này có đội ngũ HDV chủ yếu chỉ cần biết nói tiếng Anh, rành rõi địa hình. Rủi ro là điều khó tránh khỏi.

Đà Lạt – Lâm Đồng nói riêng, Việt Nam nói chung hiện đang là điểm đến hấp dẫn với khách nước ngoài, một phần bởi cảnh quan đẹp, thiên nhiên hoang sơ. Ngành du lịch Việt Nam cần có những biện pháp hữu hiệu, chuyên nghiệp, chất lượng nhằm bảo đảm uy tín, sự an toàn cao nhất với du khách.

Có khởi tố vụ án không?

Sáng 29-2, trả lời câu hỏi của Báo CATP về việc có khởi tố vụ án với 2 vụ tai nạn chết 4 người kể trên hay không? Thiếu tướng Bùi Văn Sơn – Giám đốc Công an Lâm Đồng cho biết: chưa khởi tố vụ án. Nhưng sẽ xem xét đồng thời cho biết thêm: ngành chức năng đang khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến các vụ tử vong trên, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan nhằm có hướng xử lý đúng pháp luật.

PGS- Luật sư Phạm Hồng Hải

PGS-Luật sư Phạm Hồng Hải (Văn phòng tại Hà Nội, nguyên Trưởng đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam) bày tỏ: “Quan điểm của tôi là cần thiết phải khởi tố vụ án, quy trách nhiệm cụ thể với các cá nhân, đơn vị liên quan. Không thể có chuyện không ai chịu trách nhiệm gì ở đây. Như thế là vô trách nhiệm với các nạn nhân và du khách. Phải quy trách nhiệm để đảm bảo uy tín địa danh du lịch. Lỗi ở đây chắc chắn thuộc ngành du lịch”.

Ông Hải lý giải: "Nếu người đang đi trên đường, leo núi tự gây tai nạn thì khác. Họ bị tai nạn khi đang ở trong khu du lịch có cơ quan quản lý, có đơn vị, tổ chức dẫn đi thì những cá nhân, đơn vị nơi đó phải chịu trách nhiệm. Lẽ ra phải có rào chắn, phải có bảng cảnh báo, tuyệt đối nghiêm cấm bất cứ ai tự ý có mặt tại khu vực được cho là nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng khi không có người chỉ dẫn...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang