Vì sao doanh nghiệp kinh doanh vàng "ngó lơ” nhiều phiên đấu thầu vàng miếng?

Thứ Tư, 08/05/2024 09:35

|

(CATP) Sáng 07/5, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 10USD/ounce, ở mức 2.323USD/ounce (oz), tương đương tăng khoảng 300.000 đồng/lượng thì giá vàng miếng SJC lại tăng đến 2 triệu đồng/lượng, neo ở mức giá 86,5 - 85,3 triệu đồng/lượng (bán ra - mua vào), kéo giãn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên gần 16,2 triệu đồng/lượng. Điều khiến người dân khó hiểu là tại sao giá vàng trong nước lại tăng vọt ngay trong thời điểm Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách tăng cung trên thị trường bằng cách đấu thầu vàng miếng?

Nhiều lần hủy đấu thầu

Trước đó, nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có kế hoạch tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC. Kết quả từ Cục Quản lý ngoại hối NHNN thì phiên đấu giá ngày 23/4/2024, NHNN đã đấu thầu 34 lô với tổng khối lượng là 3.400 lượng vàng được đấu giá thành với mức 81.330.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, việc NHNN dự kiến mở thêm các phiên đấu giá vàng miếng vào ngày 25/4/2024 với tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu là 16.800 lượng đã không thu hút được các doanh nghiệp tham gia, khiến các phiên đấu thầu đều phải hủy. Trùng hợp là sau khi hủy thì giá vàng trong nước lại có những đợt tăng giá mạnh khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường hoang mang.

Anh D., chủ một tiệm vàng tại Q11 cho biết, trên thực tế thì thị trường vàng hiện nay biến động lớn do ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới tăng cao sau những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Trong thời gian tới, giá vàng có thể biến động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dời việc giảm lãi suất vào tháng 9/2024 hoặc tháng 11/2024 (thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ) thay vì tháng 6/2024 sắp tới.

Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá quy đổi trên thế giới khoảng 16,2 triệu đồng/lượng

Những dự báo này có thể gây ảnh hưởng đối với vàng, dẫn tới việc nhà đầu tư chốt lời. Diễn biến giá vàng gần đây cho thấy các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về lạm phát và nguy cơ khủng hoảng nợ tiềm ẩn ở Mỹ khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng khiến các ngân hàng trung ương sẽ hạn chế nắm giữ đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ, thay vào đó là vàng thỏi vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn nên vàng có cơ hội được hỗ trợ về giá. Trên thực tế, giá vàng đã chạm mốc mức cao kỷ lục 2.431,29USD/ounce vào tháng 4/2024 khi lực cầu tăng mạnh do lo ngại căng thẳng tại Trung Đông xấu đi và lực mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương.

Theo đánh giá của giới kinh doanh vàng, việc tăng cung vàng miếng trên thị trường thông qua biện pháp đấu thầu vàng miếng SJC của NHNN chưa phải là "liều thuốc" có thể kéo giảm được sự chênh giá vàng quá cao giữa trong nước và thế giới bởi sức cầu thị trường hiện nay không hẳn chỉ là vàng miếng SJC mà còn có cả vàng nguyên liệu.

Né kiểm tra để bảo toàn tài sản?

Nếu nhìn lại thị trường từ thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực đến nay, việc thị trường vàng có biểu hiện cao bất thường hơn giá thế giới là quy luật tất yếu vì thị trường vàng trong nước đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi Nghị định 24.

Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm các hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng.

Thông báo mời thầu vàng của Cục quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước

Theo đó, các sản phẩm như vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật; vàng miếng SJC, vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác đều thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 2. Theo Nghị định 24, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp, cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng. Do đó, vàng nguyên liệu trên thị trường trở nên khan hiếm so với thời điểm trước năm 2012.

Mặt khác, với những quy định tham gia đấu thầu vàng như tỷ lệ đặt cọc tham gia đấu thầu là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng là những quy định hết sức ngặt nghèo sẽ hạn chế những doanh nghiệp không đủ tiềm lực. Vì với giá vàng đang tăng cao như hiện nay, không mấy doanh nghiệp có đủ sức mua một lần 1.400 lượng vàng SJC.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ Tịch Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn TPHCM cho biết, thực tế thời gian qua trên thị trường vàng có hiện tượng một số tiệm vàng đóng cửa hàng loạt sau khi Tổng cục Quản lý thị trường đồng loạt ra quân kiểm tra các tiệm vàng ở nhiều địa phương. Điều này rất dễ hiểu vì khi thị trường vàng nguyên liệu khan hiếm, các doanh nghiệp kinh doanh, chế tác vàng trang sức muốn có hàng để sản xuất buộc phải mua vàng từ những nguồn như người dân bán lại để tái sử dụng. Và việc mua lại từ người dân thì không thể bảo đảm được hóa đơn, chứng từ.

Nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm vàng do các tiệm đều mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường, rất khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Do không có hóa đơn chứng từ đầu vào thì khi bán cho người dân, các hộ kinh doanh vàng cũng không thể cấp hóa đơn cho người dân vì có chứng minh được đầu vào đâu mà dám xuất hóa đơn đầu ra.

Việc mua bán vàng giữa các tiệm và khách hàng chỉ dựa vào ký hiệu trên các sản phẩm vàng của hộ kinh doanh. Vì vậy, khi bị kiểm tra chắc chắn sẽ có sai phạm phải đối mặt với mức phạt hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, thiếu hóa đơn chứng từ còn phải bị cơ quan chức năng niêm phong, tạm thu giữ chờ khi nào doanh nghiệp, hộ kinh doanh xuất trình đủ giấy tờ mới giải quyết cho nhận lại.

Do đó, DN kinh doanh đành phải chọn giải pháp đóng cửa để né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng vì hàng hóa đó là vốn liếng của họ, là tiền vay mượn, tiền chịu lãi của họ chứ nếu mở cửa thì kinh doanh, bị phát hiện có sản phẩm vàng mà không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì bị thu giữ, mất vốn. Theo ông Dưng, việc một số tin đồn cho rằng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vàng đóng cửa do sợ bị cơ quan chức năng phát hiện gian lận tuổi vàng là khó có căn cứ.

Được biết, vừa qua lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra loạt doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn và phát hiện nhiều sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng còn giả nhãn hiệu nổi tiếng. Các lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh thành cũng phát hiện một số vụ buôn lậu vàng có nguyên nhân xuất phát từ giá vàng trong nước quá chênh lệch so với giá vàng thế giới.

Điều này càng cho thấy đã đến lúc cần phải có sự điều chỉnh đối với thị trường để bảo đảm mục tiêu ổn định thị trường vàng miếng, bảo đảm quyền lợi của người dân.

(Còn tiếp...)

Ngày 08/5, cơ quan quản lý tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng, với khối lượng đặt thầu tối thiểu giảm một nửa, còn 700 lượng. Đây là lần thứ năm Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh. Bốn phiên thầu tổ chức trước đó chỉ có một lần thành công, ba lần bị hủy.

Giá tham chiếu để đặt cọc là 85,3 triệu đồng mỗi lượng, tỷ lệ cọc là 10%. Giá này tương đương mức mua vào ngày 07/5. Điểm mới so với những phiên trước là mức doanh nghiệp được đặt thầu tối thiểu giảm một nửa, từ 1.400 lượng (14 lô) xuống 700 lượng (7 lô). Mức mua tối đa giữ nguyên là 2.000 lượng (tức 20 lô). Giá sàn - mức tối thiểu để các đơn vị trả khi dự thầu - sẽ được nhà điều hành công bố tại phiên đấu giá lần thứ năm này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang