Đấu thầu vàng chưa đạt kỳ vọng

Thứ Tư, 24/04/2024 12:26

|

(CATP) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức đấu giá vàng lần đầu tiên sau 11 năm, nhưng giá vàng trong nước và thế giới vẫn chênh lệch hơn 10 triệu đồng. Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tạm thời cung ứng vàng SJC ra thị trường. Vấn đề căn cơ là phải bỏ độc quyền vàng miếng SJC...

"Ế” số lượng lớn sau phiên đấu giá

Sau 11 năm, phiên đấu giá vàng sáng 22/4 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hủy, vì không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định. Theo NHNN, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN) đấu thầu vàng phải đáp ứng điều kiện theo Thông tư 06/2013 của NHNN quy định về hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước.

Cả nước hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và DN kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Đến thời điểm này, khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Mục đích của việc đấu giá vàng, theo NHNN là nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Một ngày sau, lúc 9 giờ ngày 23/4, NHNN tiến hành đấu thầu vàng miếng tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước - TP.Hà Nội. Có 11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 DN tham gia dự thầu gồm: ACB, MSB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, VPBank, HDBank và Công ty SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý. Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu vẫn là 16.800 lượng, tương đương 631kg vàng.

Vàng SJC
Phiên đấu thầu vàng ngày 23/4. Ảnh: TTXVN

Trong phiên đấu thầu vàng lần này, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng. Như vậy "ế" đến 13.400 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá mà NHNN phát ra sáng 23/4. Vì sao trái với nhận định của các chuyên gia tài chính, thị trường đang "khát" vàng miếng SJC nhưng vẫn "ế" với số lượng lớn như vậy?

Bên cạnh yếu tố giá vàng đấu giá vẫn rất cao so với giá vàng thế giới trong ngày, các DN tham gia đấu thầu vàng phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC khiến họ thận trọng khi giá thế giới 2 ngày qua đi xuống. Trước phiên đấu giá, giá vàng trong nước có nhiều biến động, thậm chí có lúc "đứng giá” để chờ đợi thông tin từ phiên đấu giá vàng sau 11 năm.

Trong khi đó, giá vàng thế giới đang lao dốc mạnh. 24 giờ qua, giá vàng đã mất 92,3USD/ounce (tương đương 2,84 triệu đồng/lượng), về mức 2.301,6USD/ounce lúc 10 giờ 15 ngày 23/4. Vào chiều cùng ngày, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 70,73 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng trúng thầu của 2 DN trong lần đấu giá này từ 80,32 đến 80,33 triệu đồng, tính ra chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn trên 10 triệu đồng/lượng.

Vậy mục tiêu của đợt đấu giá vàng lần này có đạt yêu cầu là nhằm giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới? Đến giờ phút này cho thấy mục tiêu đó chưa đạt được, mà chỉ làm nhiệm vụ tăng nguồn cung cho thị trường.

Phải bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Nhiều chuyên gia về tài chính, từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đều nhận định việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay nhưng sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá trúng thầu, vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Cho nên đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Ảnh: Nhật Thịnh

Tại sao trước năm 2012 (trước khi Nghị định 24 ban hành), thị trường vàng không xảy ra tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà sau khi Nghị định 24 ra đời thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng? Nguyên nhân là trước năm 2012, hàng năm vẫn đều đặn có một lượng vàng nhất định được cung ứng cho thị trường, nên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ 1-2 triệu đồng/lượng. Từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, vàng SJC lại độc quyền, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng trong khi cung không có, do đó chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý và lên rất cao, có khi hơn 20 triệu đồng/lượng.

Thời gian qua, khi giá vàng "nhảy múa" loạn xạ, tăng "thẳng đứng", tăng "vượt mọi thời đại"..., nhiều chuyên gia đã kiến nghị NHNN phải xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC mới làm giá vàng "hạ nhiệt", giải quyết vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, chứ đấu thầu vàng không giải quyết được vấn đề này. NHNN cũng đã thấy điều đó và đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều kiện.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, nếu bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC sẽ giúp giải tỏa những khúc mắc của thị trường vàng lúc này. Không còn độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước sẽ không còn cao hơn hàng chục triệu đồng so với giá vàng thế giới. Ông Khánh nhấn mạnh: "Khi các DN được trao quyền nhập khẩu vàng, nguồn cung vàng tăng lên giúp cân bằng cung cầu thị trường, cũng như hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh lẫn xuất khẩu vàng nữ trang một cách hiệu quả”.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN trong một cuộc họp với Chính phủ hồi tháng 3/2024 đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đáp ứng đủ điều kiện nhưng giải pháp này vẫn chưa được thực hiện, trong khi đó chỉ tổ chức đấu thầu vàng.

Ngày 19/4, NHNN tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024. Tại cuộc họp, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN cho biết, hiện NHNN sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Tuấn cho biết thêm: Trong báo báo cáo tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã lấy ý kiến các bộ ngành, ngoài việc đánh giá đúng vai trò của Nghị định trong hơn 10 năm qua và xem xét trong bối cảnh hiện nay, NHNN xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác. "Mạch" của thị trường vàng đã được "bắt" đúng nhưng chỉ tổ chức đấu thầu vàng thôi là chưa đủ, thực tế chỉ là giải pháp tạm thời.

Trong khi đó, các chuyên gia còn đề nghị NHNN nên suy nghĩ và tổ chức sàn vàng mà nhiều nước đã làm, để giá vàng trong nước dễ dàng liên thông với thế giới. Đây có thể là giải pháp khoa học nhất để quản lý thị trường vàng. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 12 chỉ thị, công điện yêu cầu NHNN, các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý thị trường vàng.

Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại yêu cầu thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, "thổi giá” vàng được nêu tại Chỉ thị số 12 ngày 21/4 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường; khắc phục ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, "thổi giá” vàng; điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của DN, người dân. Đồng thời ổn định, quản lý tốt thị trường vàng, tránh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô...

Bình luận (0)

Lên đầu trang