Viện kiểm sát kháng nghị bác yêu cầu bồi thường của Vinasun

Thứ Hai, 11/02/2019 17:03

|

(CAO) Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên Grab vi phạm đề án 24 và buộc Grab bồi thường thiệt hại cho Vinasun là không có cơ sở.

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vừa có kháng nghị bản án sơ thẩm vụ kiện giữa Vinasun và Grab, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Viện kiểm sát kháng nghị bác yêu cầu bồi thường của Vinasun

Theo đó, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có hành vi trái pháp luật; có thiệt hại xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra và hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.

Tuy nhiên trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra và kết quả xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy ngày 7-1-2016, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã ban hành quyết định số 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (gọi tắt là đề án 24). Trong đó, Công ty TNHH GrabTaxi (nay là Công ty TNHH Grab) là một trong các đơn vị tham gia thí điểm.

Ngày 29-12-2017, Bộ GTVT có báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện đề án 24 đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động theo quy định tại quyết định số 24. Sau đó, Phó thủ tướng đã đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.

Như vậy, có đủ căn cứ xác định Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền nhà nước cho phép theo quy định pháp luật trên cơ sở Đề án 24 của Bộ GTVT do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Hoạt động vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. “Vì vậy, bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP của Chính phủ là không có cơ sở”, quyết định kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nói.

Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ vào chứng thư giám định của công ty giám định Cửu Long kết luận Grab gây thiệt thại cho Vinasun để rồi chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun (nếu có) liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng... Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được đề cập trong kết luận giám định.

Ngoài ra, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng không có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại của Vinasun với hành vi trái pháp luật và yếu tố có lỗi của Grab vì hoạt động kinh doanh của Grab là hợp pháp; doanh thu và lợi nhuận của Vinasun bị sụt giảm (nếu có) là do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan gây ra. Vì vậy, bản án sơ thẩm buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng cho Vinasun là không có căn cứ.

Tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang