Nhiều mỏ cát phục vụ dự án trọng điểm bị tạm dừng ở ĐBSCL: Vướng mắc do đâu?

Thứ Sáu, 31/05/2024 13:22  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Thời gian qua, nhiều dự án cao tốc, công trình trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị đình trệ do thiếu nguồn cát san lấp. Để tháo gỡ vướng mắc, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao cơ chế đặc thù cho các địa phương thực hiện việc khai thác. Theo ghi nhận, đến nay một số mỏ cát bị tạm dừng hoặc chưa được triển khai do xuất hiện nguyên nhân phát sinh.

Cát biển "cứu cánh" nhưng phải chờ

Theo tính toán sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, để đáp ứng đủ vật liệu cát phục vụ san lấp các công trình, dự án trọng điểm trong thời gian tới, địa phương phải cần trên 250 triệu m3 cát. Trong khi tỉnh này có địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên cát lòng sông chất lượng xấu, khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ san lấp mặt bằng đối với các công trình, dự án trọng điểm có tính chất kỹ thuật cao.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát phục vụ san lấp, góp phần bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng thuộc Dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị vùng ĐBSCL" cho tỉnh Sóc Trăng. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một hướng đi mới trong việc sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án không chỉ tại tỉnh Sóc Trăng mà của cả vùng ĐBSCL. Thế nhưng đến nay, việc khai thác cát biển vẫn chưa được khiển khai do còn vướng mắc.

Ngày 30/5, ông Trần Văn Lâu (Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về khó khăn, vướng mắc trong quản lý, cấp phép khai thác cát biển thay cát sông. Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác cát biển để phục vụ các dự án đường cao tốc, hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, rà soát về cơ sở pháp lý, tỉnh Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn nên chưa triển khai được việc cấp phép khai thác cát biển. Cụ thể, về áp dụng cơ chế đặc thù, Nghị quyết của Quốc hội chỉ áp dụng trong năm 2022 - 2023 (đã hết hiệu lực). Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng chỉ áp dụng cơ chế đặc thù cho đường bộ, không đề cập cơ chế đặc thù với khai thác cát biển.

Theo ông Lâu, về phạm vi cấp phép khai thác cát biển, phạm vi mỏ cát biển Bộ TN&MT bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng có diện tích chồng lấn với tỉnh Trà Vinh (vùng biển B1), trong khi ranh giới biển giữa các địa phương chưa có. Vì vậy, chưa thể xác định cụ thể diện tích nào thuộc tỉnh Sóc Trăng, diện tích nào thuộc tỉnh Trà Vinh để cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, vùng biển nằm ngoài phạm vi 6 hải lý không thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh, đồng thời tỉnh cũng chưa được ủy quyền.

Bờ sông xuất hiện sạt lở

Nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, giúp địa phương thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao thẩm quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng hoặc chỉ đạo Bộ TN&MT có văn bản ủy quyền cho tỉnh được cấp phép khai thác cát biển với khu vực biển B1 đã được đánh giá. UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT sớm giao khu vực biển có mỏ cát cho nhà thầu được giao khai thác theo cơ chế đặc thù.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng có văn bản gửi 29 tỉnh, thành phố đề nghị đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù đối với 21 dự án để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến các bộ, ngành. Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL".

Đến nay, dự án đã có kết quả bước đầu, đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 680 triệu m3. Trong đó, khoảng 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cao tốc ở ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.

Bị tạm dừng vì xuất hiện sạt lở

Mới đây, sau thời gian hoạt động, 2 mỏ cát ở huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã bị tạm dừng gần 10 ngày nay vì một số lý do. Cụ thể, mỏ cát có diện tích 32,05ha (xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) giao cho Công ty CP xây dựng Tân Nam và và mỏ cát diện tích 36,77ha (xã Tân Khánh Trung) giao Công ty TNHH XDCT và thương mại Hoàng Anh.

Công trình cao tốc chậm tiến độ do thiếu nguồn cát san lấp

Hiện những xáng cạp, sà lan của 2 đơn vị trên đang được neo đậu vì dừng việc khai thác. Ông Nguyễn Thắng (Phó giám đốc Công ty CP xây dựng Tân Nam) cho biết, tính đến thời điểm này, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù cho công ty trực tiếp khai thác được 362.000m3. Mỗi ngày, công ty được phép khai thác khoảng 2.500m3/ngày. Thế nhưng từ ngày 22/5 đến nay, mỏ cát đang bị tạm dừng hoạt động nên việc khai thác và đưa cát về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bị gián đoạn.

Nói về lý do trên, ông Thắng cho hay: "Sau thời gian khai thác thì các đơn vị liên quan đến đo đạc và phát hiện mỏ cát do công ty trực tiếp thi công địa hình đáy sông lồi, lõm, tạo nên những hố xoáy, do đó phải tạm dừng khai thác".

Còn tại mỏ cát do Công ty TNHH XDCT và thương mại Hoàng Anh trực tiếp khai thác, ông Vũ Hồng Sơn (cán bộ điều hành mỏ cát) thông tin, mỏ được giao khai thác với số lượng 2.460m3 cát/ngày. Tính đến nay, gần 4 tháng khai thác thì phía bờ thuộc xã Tân Khánh Trung xuất hiện điểm sạt lở bờ sông. Do vậy, các đơn vị liên quan cho tạm ngưng khai thác mỏ cát này để khắc phục.

Theo ông Sơn, tại vị trí có dấu hiệu sạt lở, công ty chủ động điều tiết phương tiện chuyên dụng đến để gia cố lại bờ sông. Việc gia cố đã được công ty thực hiện cơ bản hoàn thành và đợi đủ thời gian sẽ cho làm lại mặt đường trở lại hiện trạng ban đầu. Sau khi hoàn thành việc gia cố bờ sông, công ty sẽ có văn bản kèm hồ sơ khắc phục trình cơ quan chuyên môn của tỉnh đến thẩm định, xem xét để mỏ cát sớm được khai thác trở lại phục vụ thi công cao tốc.

Trước đó, mỏ cát có diện tích 20,04ha, tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác là 547.798m3 và công suất khai thác là 547.798m3/năm (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) do Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác cũng bị tạm ngưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay vẫn chưa khai thác trở lại. Nguyên nhân mỏ cát bị tạm dừng hoạt động là do nhà thầu khai thác quá nhanh.

Theo tính toán, từ ngày bàn giao cho tới lúc tạm ngưng khai thác mới chỉ 4 tháng, nhưng phía Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP đã khai thác 65% trữ lượng được phép tại mỏ cát này. Do phía nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ cát quá nhanh nên các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tạm dừng để theo dõi diễn biến lòng bờ, bãi sông...

Bình luận (0)

Lên đầu trang