(CAO) Vụ án phá rừng pơ-mu chấn động xảy ra tại Quảng Nam, khu vực biên giới Việt - Lào được đưa ra xét xử lần thứ 2. Nguyên đại úy, đồn phó Đồn BP và 20 đồng phạm bị đưa ra xét xử.
Ngày 5-6, Tòa án Quân sự Quân khu V mở phiên xét xử vụ án “Vi phạm các quy đinh về khai thác, bảo vệ rừng” đối với 21 bị cáo trong vụ phá rừng pơ-mu (gỗ nhóm IIA, hạn chế khai thác, mua bán vì mục đích thương mại, là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ năm 1996) ở biên giới Việt - Lào.
Các bị cáo trong vụ phá rừng pơ-mu.
Theo cáo trạng của VKS Quân sự, Lê Xuân Chính - nguyên đại úy, Đồn phó Đồn BP cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang; Nguyễn Văn Quang (SN 1982, ngụ huyện Nam Trà My, Quảng Nam) và Tiêu Hồng Tư (SN 1967, hộ khẩu quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội; tạm trú 227 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng; là Giám đốc Công ty CP Minh Hà, TP.Đà Nẵng) có mối quan hệ mật thiết với nhau và bàn bạc khai thác gỗ rừng để kinh doanh.
Đầu năm 2016, Quang vào rừng khảo sát, tìm gỗ pơ-mu nhằm mục đích để khai thác. Sau khi tìm thấy vị trí có gỗ pơ-mu ở kkhoảnh 5 và khoảnh 8 (Tiểu khu 351, rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã La Dêê (huyện Nam Giang,), Chính và Quang thỏa thuận, thống nhất về giá, tiền công khai thác, vận chuyển. Quang thuê các “lâm tặc” ở Quảng Bình vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Trong tháng 6 và 7-2016, các đối tượng cưa xẻ thành phách gỗ và gùi được 26 phách gỗ thành phẩm về cột mốc biên giới 717 rồi đưa lên xe chở về định gửi ở Trạm kiểm soát Hải quan cửa khẩu Nam Giang (gần QL14D) nhưng không được đồng ý.
Gỗ pơ-mu là tang vật trong vụ án.
Ngày 9-7-2016, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ (RPH) Sông Bung và Ban quản lý RPH Sông Bung, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và Đồn Biên phòng Chà Vàl kiểm tra, phát hiện và thu giữ 297 (31m3) phách gỗ pơ-mu tại vành đai biên giới huyện Nam Giang và huyện Đắk Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào).
Giữa tháng 7-2016, Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an huyện Nam Giang tiếp tục điều tra. Cơ quan CSĐT phát hiện thêm 611 phách gỗ (pơ-mu và gỗ các loại khác) và 8 lóng gỗ tròn với hơn 47m3.
Ngày 4-8-2016, Cơ quan CSĐT phát hiện thêm 176 phách gỗ (gần 7,1m3) ở biên giới. Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lần lượt bắt các đối tượng, trong đó nhiều đối tượng ra đầu thú. Riêng Chính được chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hình sự của Quân khu V xử lý theo thẩm quyền.
Một số vật chứng của vụ án.
Chính và Quang luôn đốc thúc các bị can khai khác , vận chuyển gỗ. Sau khi sự việc bị phát giác, Chính và Tư tổ chức cho Quang trốn qua Lào và hứa sẽ chăm lo cho gia đình các “lâm tặc”. Sau đó Quang bị cơ quan chức năng bắt tại TP.HCM. Các đối tượng đã khai thác trái phép 37 cây gỗ với tổng giá trị thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Chính là người khởi xướng, đóng vai trò chủ đạo, quyết định trong vụ khai thác, vận chuyển gỗ pơ mu.
Phiên tòa dự kiến diễn ra đến hết ngày 7-6-2018. Trước đó, từ ngày 19 đến 21-1-2018, Tòa án Quân sự Khu vực I (Quân khu V) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng” đối với Lê Xuân Chính và 20 đồng phạm...
HĐXX quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 2 Bộ đội BP để điều tra bổ sung, làm rõ những tình tiết, chứng cứ quan trọng trong vụ án, vi phạm tố tụng nghiêm trọng...